Bất động sản

Ngân hàng đã siết cho vay bất động sản

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận các ngân hàng đã siết cho vay bất động sản.

Ngân hàng đã siết cho vay bất động sản

Siết dòng vốn cho vay các dự án bất động sản để hạn chế sự dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp

Ngân hàng đã siết

Mới đây, NHNN đã phát đi thông điệp về hạn chế cho vay bất động sản, nhất là đối với các dự án ở phân khúc cao cấp.

Văn bản số 7586/NHNN-TD do Vụ phó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh ký và gửi các ngân hàng thương mại cho biết, qua báo cáo của các tổ chức tín dụng về hình hình cho vay bất động sản đến ngày 31/7/2016 cho thấy ngành ngân hàng đang có mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực bất động sản lớn.

Công văn này trích dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ, dự báo từ nay đến cuối năm khả năng sẽ dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp. Do đó NHNN đề nghị các ngân hàng cần hạn chế và thận trọng khi xem xét thẩm định, quyết định cho vay các dự án mới, đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng có khả năng thanh khoản thấp.

"Các ngân hàng đã nhận được văn bản nhắc nhở của NHNN về việc rà soát tín dụng với các dự án bất động sản phân khúc cao cấp để phòng tránh bong bóng bất động sản trong tương lai gần. Ngoài ra, bản thân các ngân hàng cũng thấy các tín hiệu chững lại về sự tăng trưởng của phân khúc này và đã siết từ từ việc cho vay bất động sản" - ông Nam cho biết.

Trao đổi với phóng viên mới đây, đại diện Ngân hàng HD Bank tiết lộ, ngân hàng của ông đang triển khai tới các bộ phận liên quan để nghiêm túc thực hiện yêu cầu của NHNN.

Còn ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho biết: "Ngân hàng hiện tập trung cho vay cá nhân có nhu cầu thực mua để ở trên cơ sở đánh giá năng lực tài chính, nguồn thu nhập. Nếu cho vay theo các dự án, ngân hàng chủ yếu cho vay dự án bán trực tiếp cho người mua để ở, còn lại cho vay các dự án mua để đầu cơ gần như là không".

Rủi ro nằm ở thị trường

Khảo sát của phóng viên tại thị trường Hà Nội cho thấy, nguồn cung chủ yếu của thị trường căn hộ thời gian vừa qua thuộc phân khúc cao cấp với hàng loạt dự án lớn như D’. Palais De Louis của Tân Hoàng Minh; Hanoi Aqual Central của Đồng Lực; Sun Grand City của Sun Group; Sunshine Garden, Sunshine Riverside của Sunshine Group…

Báo cáo của VNREA trong 9 tháng đầu năm cũng cho biết, trong số 12.000 căn hộ được chào bán ra thị trường trong thời gian qua, có đến 2/3 sản phẩm chào bán mới thuộc phân khúc căn hộ trung và cao cấp.

Còn tại TP.HCM, Hiệp hội BĐS TP.HCM dự báo, trong giai đoạn 2016-2017 sẽ có thêm khoảng 57.000 sản phẩm ở phân khúc cao cấp được tung ra thị trường. Điều này nguy cơ dư thừa thừa nguồn cung cao cấp nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp được cảnh báo nhiều trong thời gian gần đây.

Lâu nay ngân hàng thích cho vay bất động sản là do tài sản đảm bảo rõ ràng, biên lãi thu về cao khi các cá nhân hiện vẫn phải trả lãi suất vay mua nhà lên tới 9-10%/năm. Còn với các chủ đầu tư dự án cũng vậy, khi có đầu ra họ sẽ sẵn sàng trả mức lãi suất cao để có thể tiếp cận được vốn vay hoàn thành dự án, đẩy hàng sớm…

Tuy nhiên, bên cạnh "miếng bánh ngon" này, rủi ro bất động sản lại nằm ở thị trường. Thị trường này có chu kỳ lên xuống và bão hòa. Hiện bất động sản đang theo chu kỳ đi lên, song tới một điểm dừng rồi sẽ đi xuống, khi đó giá bất động sản có thể lao dốc rất nhanh.

Nhiều ngân hàng cho vay ồ ạt bước vào chu kỳ đi xuống, tài sản đảm bảo mất giá, dư nợ còn cao hơn giá trị bất động sản tại thời điểm đó, người đi vay không đủ tiền trả cho ngân hàng, xảy ra rủi ro, phát sinh nợ xấu; đến khi bong bóng bất động sản vỡ ra khiến nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ bị mất thanh khoản. Do đó, các nhà điều hành lên tiếng cảnh báo là một nhìn nhận dựa trên thực tế và có cơ sở.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính sách siết chặt vốn của ngân hàng nhà nước có thể tác động tích cực đến sự cân bằng của thị trường nhà đất, điều tiết sự phát triển của các dự án bất động sản cho cân đối nguồn cung với nhu cầu thực tế, giảm nguy cơ tái diễn bong bóng bất động sản.

Về phía các doanh nghiệp, chính sách này cũng thử thách năng lực tài chính của các chủ đầu tư. Những nhà đầu tư lớn thường sẽ ít bị ảnh hưởng nhưng những chủ đầu tư nhỏ lẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng thông qua đó, khách hàng cũng dễ dàng hơn trong việc đánh giá và lựa chọn những chủ đầu tư thực sự uy tín.

Về phía khách hàng, quy định siết chặt vốn chỉ áp dụng cho chủ đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản với các dự án mới, chủ yếu nhắm vào phân khúc thị trường cao cấp nên nó sẽ không ảnh hưởng tới giá cả sản phẩm và sẽ mang lại nhiều cơ hội mua nhà cho khách hàng.

Tin mới lên