Khách 'chọn mặt gửi tiền', những ngân hàng hút dòng vốn rẻ nhiều nhất
(VNF) - Các ngân hàng có vốn Nhà nước dù duy trì lãi suất ở mức thấp nhưng vẫn thu hút lượng lớn tiền gửi. Trong những tháng cuối năm, lãi suất được dự báo sẽ tăng để thu hút tiền gửi, đáp ứng nhu cầu vốn.
Ngân hàng nào hút lượng tiền gửi nhiều nhất?
Theo thống kê từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (gồm 27 ngân hàng niêm yết và PVcomBank, BaoViet Bank) tổng số dư tiền gửi khách hàng quý III/2024 đạt gần 10,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm.
Tính đến cuối tháng 9, nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục dẫn đầu về số dư tiền gửi. Trong đó, xét về số dư tuyệt đối, BIDV tạm thời dẫn đầu với tổng tiền gửi đạt trên 1,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 169.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 10%.
Theo sau là VietinBank với số dư tiền gửi là 1,51 triệu tỷ đồng, tăng hơn 105.000 tỷ đồng, tức tăng 7,5% so với đầu năm.
Đứng thứ 3 là Vietcombank với 1,43 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III, tăng 2,5% so với đầu năm.
Tính chung 3 ngân hàng quốc doanh đã công bố báo cáo tài chính, số dư tiền gửi của khách hàng tới hơn 4,8 triệu tỷ đồng.
Agribank chưa công bố báo cáo quý III nhưng theo báo cáo bán niên, ngân hàng này đạt mức tiền gửi 1,83 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng 0,9% so với cuối năm ngoái và là ngân hàng hút nhiều tiền gửi nhất toàn ngành sau 6 tháng.
Lượng tiền "khủng" vẫn chảy vào nhóm ngân hàng có vốn nhà nước bất chấp bối cảnh các ngân hàng này trong nhiều tháng duy trì lãi suất ở mức thấp, cách xa các ngân hàng tư nhân khác.
Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng này chỉ niêm yết quanh mức 4,6-4,7%/năm, trong khi nhiều ngân hàng tư nhân đang niêm yết ở mức tiệm cận 6%/năm. Với kỳ hạn 18 tháng, các ngân hàng này cũng chỉ niêm yết ở mức 4,6-4,7%/năm còn các ngân hàng tư nhân đã vượt mức 6%/năm.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, thứ hạng không có gì thay đổi so với thời điểm cuối quý II. MBBank tiếp tục dẫn đầu với số dư tiền gửi trong 9 tháng đầu năm khi đạt 627.567 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2023.
Các vị trí tiếp theo trong Top 10 là Sacombank (566.721 tỷ đồng), ACB (512.124 tỷ đồng), Techcombank (494.954 tỷ đồng), VPBank (475.782 tỷ đồng), SHB (471.799 tỷ đồng) và HDBank (397.019 tỷ đồng).
Theo thống kê, 10 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất hệ thống đang nắm giữ hơn 8,36 triệu tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng trưởng, LPBank, MB, Sacombank, MSB và NCB là 5 cái tên tăng trưởng 2 con số về tiền gửi khách hàng dù không phải là các đơn vị hút tiền gửi mạnh nhất.
Cụ thể, NCB là ngân hàng có mức tăng mạnh nhất, hút 90.355 tỷ đồng tiền gửi, tăng 17,6% so với đầu năm. Xếp sau là LPBank hút hơn 271.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng 14,3%, tương ứng tăng 33.911 tỷ đồng. MSB tăng 12,2% tương đương con số 16.121 tỷ đồng. Sacombank hút hơn 566.000 tỷ đồng, tăng 11%. MB hút hơn 627.000 tỷ đồng, tăng 10,6%.
Những ngân hàng hút tiền gửi mạnh trong quý III còn có ACB với hơn 512.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng 6,1%; Techcombank với gần 495.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng 8,9%; VPBank với hơn 475.000 tỷ đồng tiền gửi, tăng 7,6%; SHB với hơn 471.000 tỷ đồng, tăng 5,4%; HDBank với 397.000 tỷ đồng, tăng 7,1%.
Ở chiều ngược lại, có 3 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm so với đầu năm là ABBank, SaigonBank và PVcomBank.
Tính đến ngày 30/9, ABBank giảm 8,9% tiền gửi, xuống còn hơn 91.000 tỷ đồng; PVcomBank giảm 2% tiền gửi, còn hơn 174.000 tỷ đồng và SaiGonBank giảm 0,5% còn hơn 24.400 tỷ đồng.
SaiGonBank cũng là ngân hàng có lượng tiền gửi thấp nhất hệ thống. Theo sau SaiGonBank là PGBank với số dư tiền gửi khách hàng là hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 6,6%; Baoviet Bank có tiền gửi hơn 57.200 tỷ đồng, tăng 8,3%; KienlongBank có lượng tiền gửi hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 5,5%.
Những vị trí phía dưới trong bảng xếp hạng không có quá nhiều biến động. Chỉ có KienlongBank vươn lên dẫn trước BVBank và VietABank dẫn trước VietBank so với thời điểm cuối quý II.
Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất để thu hút tiền gửi
Có thể thấy, dù lãi suất tiết kiệm nửa đầu năm duy trì ở mức thấp nhưng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng không ngừng tăng.
Thậm chí, trong tháng 10, một số đơn vị thậm chí giảm lãi suất gồm Agribank, Techcombank, NCB, VPBank, CBBank và LPBank.
Tốc độ tăng trưởng của tiền gửi đang chậm hơn đáng kể so với cho vay. Tính đến cuối quý III, dư nợ cho vay khách hàng ở 29 ngân hàng đã tăng trưởng gần 11,5%, lên 11,3 triệu tỷ đồng.
Theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất huy động tại các ngân hàng sang quý IV có dấu hiệu chậm lại, không còn những đợt điều chỉnh tăng mạnh, liên tiếp như trong các tháng trước.
Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản, đạt mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định xu hướng tăng lãi suất những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức và có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động có khả năng duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ, đặc biệt khi kinh tế chịu tác động từ những trận thiên tai gần đây.
Còn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động tăng nhẹ để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng và có cấu trúc huy động vốn kém linh hoạt sẽ chịu áp lực cao hơn trong việc giữ ổn định lãi suất huy động.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, giai đoạn cuối năm nhu cầu vốn của các ngân hàng ngày càng tăng cao để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Khi nhu cầu vay của người dân lớn thì vốn vay của các ngân hàng gặp tình trạng căng thẳng. Vì thế, các ngân hàng cũng phải tích cực huy động, thu hút tiền gửi.
Quy định mới về lãi suất tiền gửi, rút tiền gửi trước hạn
- Kho bạc Nhà nước giảm mạnh tiền gửi tại nhóm Big4 01/11/2024 03:29
- Tiền gửi tiết kiệm lập kỷ lục, NHNN bơm tiền mạnh nhất 2 năm qua 06/10/2024 11:15
- Quy định mới về tiền gửi USD: Hết thời lách luật vượt trần lãi suất 05/10/2024 09:01
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.