Ngân hàng rao bán đàn gà, kho quần áo cũ để siết nợ

Mai Anh - 13/11/2022 23:26 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo cho các khoản vay trăm tỷ như: đàn gà, vườn cây bỏ hoang, phế liệu, quần áo cũ,... để thu hồi nợ xấu. Nhiều tài sản rao bán nhiều lần, hạ giá kịch sàn vẫn không bán được.

VNF
Nhiều tài sản cầm cố vay nợ 'khó tin' như đàn gà, vườn cây, quần áo.

Bán đàn gà 3 đời, vườn cây bỏ hoang để thu hồi nợ

Ngoài những tài sản thường được thế chấp để vay vốn là bất động sản, ôtô, gần đây, nhiều loại tài sản thế chấp thuộc dạng khó có ai mua như: sản phẩm kinh doanh tồn kho, quần áo cũ, vườn cây lâu năm không chăm sóc, đàn gà... cũng xuất hiện trong danh mục thanh lý tài sản để xử lý nợ của nhiều ngân hàng.

Mới đây, VietinBank thông báo lựa chọn tổ chức thực hiện bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP ĐTK và Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung ương (công ty thành viên của ĐTK).

Cụ thể, khoản nợ của hai doanh nghiệp này tại VietinBank Thăng Long là 629,885 tỷ đồng, tại VietinBank Đống Đa là 162,117 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung ương còn có khoản nợ 120,691 tỷ đồng tại VietinBank Thăng Long.

Như vậy, tổng giá trị 3 khoản nợ trên là 920,691 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc là 552 tỷ đồng. Nhưng mức giá khởi điểm cho cả 3 khoản nợ gần nghìn tỷ này chỉ là 188,942 tỷ đồng. 

Tài sản đảm bảo thế chấp cho khoản nợ của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung ương tại VietinBank Thăng Long gồm nhiều quyền sử dụng đất, hàng tồn kho và toàn bộ số lượng gà gồm cả gà ông bà, gà bố mẹ, gà con và hoa lợi phát sinh tại trại gà xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong khi đó, tài sản thế chấp của Công ty CP ĐTK tại VietinBank Thăng Long gồm vốn góp của công ty này và một số thành viên trong HĐQT tại một số doanh nghiệp, hàng tồn kho luân chuyển, quyền phải thu luân chuyển và quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất,…

Còn tài sản thế chấp cho khoản nợ của Công ty CP ĐTK tại VietinBank Đống Đa là quyền phải thu luân chuyển, quyền tài sản phát sinht ừ phần vốn góp của CTCP ĐTK tại CT TNHH chăn nuôi gia cầm ĐTK.

Trước đó, nhiều loại tài sản thế chấp thuộc dạng khó có ai mua như: sản phẩm kinh doanh tồn kho, quần áo cũ, vườn cây... cũng được ngân hàng rao bán.

Tháng 7 vừa qua, Agribank chi nhánh huyện Lạc Sơn, Hoà Bình tiếp tục bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Cà phê Thái Hoà Hoà Bình sau nhiều lần rao bán bất thành. Tổng diện tích đất lên đến gần 75.000m2 nhưng giá khởi điểm chỉ 3,4 tỷ đồng. Ngoài diện tích đất cực lớn, tài sản đáng kể nhất trên khu đất này là hàng nghìn cây cà phê lâu ngày không được chăm sóc, số cây cà phê còn lại chỉ 30% so với thời điểm thế chấp và đều bị còi cọc, chậm phát triển.

Vào tháng 4/2022, Agribank Chi nhánh Lào Cai II thông báo bán tài sản thế chấp là lô hàng hóa tồn kho gồm các mặt hàng quần áo, thời trang, gia dụng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình đều cũ, lỗi mốt … với giá khởi điểm 60 triệu đồng.

Tháng 2/2022, Agribank chi nhánh Bình Thạnh rao bán lô tài sản xe, máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu thanh lý, đã qua sử dụng với giá khởi điểm là 166,05 triệu đồng. Tình trạng lô máy móc được cập nhật là đều đã hư hỏng hoàn toàn và nhiều bộ phận bị tháo rời.

Trước đây, PVcomBank đã từng rao bán đấu giá lô thiết bị gia dụng gồm bếp điện từ, lò vi sóng, lò nướng, tủ lạnh... trong tình trạng đã hao mòn với giá khởi điểm 18 tỷ đồng.

Đại hạ giá tài sản, chỉ mong thu được nợ gốc

Nhiều khoản nợ xấu được các ngân hàng mạnh tay rao bán với mức giá khởi điểm giảm cực sốc, thậm chí có khoản vay được rao bán gần ngang bằng với nợ gốc. Dù đã giảm giá sốc nhưng nhiều tài sản trị giá hàng trăm, nghìn tỷ đồng được các ngân hàng rao bán vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm. Nhiều tài sản được rao bán hàng chục lần vẫn chưa có người mua.

Mới đây, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Vertical Synergy VietNam với giá khởi điểm hơn 348 tỷ đồng, giảm hơn 120 tỷ đồng so với thông báo đầu tháng 7/2022. Tính đến ngày 14/9/2022, tổng dư nợ của doanh nghiệp này tại BIDV là hơn 481 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 347 tỷ đồng và nợ lãi gần 134 tỷ đồng. Như vậy, BIDV rao bán khoản nợ với mong muốn thu hồi phần nợ gốc, bỏ qua toàn bộ phần nợ lãi.

Agribank hồi cuối tháng 6 thông báo bán đấu giá lần thứ 28 khoản nợ hơn 708 tỷ đồng của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Ở lần đấu giá này, Agribank chỉ đưa ra giá khởi điểm là 352 tỷ đồng, bằng chính nợ gốc mà doanh nghiệp này phải trả.

Tương tự, Vietcombank nhiều lần rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Giá khởi điểm trong lần rao bán gần nhất chỉ gần 926 tỷ đồng, giảm hơn 172 tỷ đồng so với thông báo hồi đầu tháng 11/2021.

Áp lực từ cuộc đua lợi nhuận và chất lượng tín dụng thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh bán tài sản để xử lý nợ xấu. Nhưng việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là bất động sản, gặp nhiều khó khăn.

Những tài sản giá trị lớn, từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng sẽ khó bán hơn. Thường các ngân hàng phải mất nhiều lần rao bán, rồi hạ giá mới thanh lý được.

Việc khó phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng. Số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2022 của các ngân hàng cho thấy, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng tại ngày 30/6 là 122.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 8/2022 cho biết, chất lượng tài sản của ngân hàng Việt Nam vẫn là một quan ngại và cần liên tục theo dõi. Dù tỷ lệ đảo bảo an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống vẫn cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng tương đối thấp. Ngoài ra, rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản có thể tăng trong bối cảnh phương thức huy động vốn thiếu minh bạch, định giá quá cao, phần nào do đầu cơ.

Cùng chuyên mục
Tin khác