Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Eximbank hoãn ĐHCĐ, VPBank muốn phát hành cổ phiếu tỷ lệ 80%

(VNF) - VietABank giao dịch tại UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu; Eximbank hoãn ĐHCĐ thường niên và bất thường năm 2021 vì dịch Covid-19; VPBank trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu tỷ lệ 80%… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Eximbank hoãn ĐHCĐ, VPBank muốn phát hành cổ phiếu tỷ lệ 80%

VPBank trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu tỷ lệ 80% là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

VietABank giao dịch tại UPCoM từ ngày 20/7, giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã thông báo về ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).

Theo đó, cổ phiếu VAB sẽ bắt đầu giao dịch tại hệ thống UPCoM từ ngày 20/7 tới đây với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường của VietABank tại thời điểm chào sàn vào khoảng hơn 6.000 tỷ đồng.

Tổng số lượng cổ phiếu mà VietABank đăng ký giao dịch là hơn 444 triệu đơn vị, tương đương giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là hơn 4.449 tỷ đồng.

Được biết, VietABank được chấp thuận giao dịch tại UPCoM từ đầu tháng 7 vừa qua.

ĐHCĐ thường niên năm 2021 của VietABank đã ủy quyền cho HĐQT ngân hàng thực hiện các công việc cần thiết để hoàn tất việc đăng ký niêm yết tại một trong hai sàn giao dịch cổ phiếu là HNX hoặc HoSE, bao gồm những công việc như lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch UPCoM trước khi đủ điều kiện niêm yết tại HNX và HoSE…

>>> Xem thêm: VietABank giao dịch tại UPCoM từ ngày 20/7, giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu

Eximbank hoãn ĐHCĐ thường niên và bất thường năm 2021 vì dịch Covid-19

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa phát đi thông báo về việc hoãn tổ chức ĐHCĐ thường niên và bất thường dự kiến diễn ra lần lượt vào ngày 29/7 và ngày 30/7 sắp tới tại Hà Nội.

Theo đó, phía Eximbank cho biết ĐHCĐ thường niên và bất thường năm 2021 đã hoàn tất những khâu cuối cùng. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát tại TP. HCM, TP. Hà Nội và nhiều tỉnh trong cả nước, theo chỉ thị của Thủ tướng về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cũng như theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Eximbank cho biết ĐHCĐ thường niên và bất thường dự kiến diễn ra sắp tới sẽ hoãn tổ chức để đảm bảo về an toàn và sức khỏe của cổ đông ngân hàng.

HĐQT Eximbank cũng cho biết sẽ tiến hành 2 phiên họp này ngay sau khi được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Được biết, trước đó vào ngày 27/4, ĐHCĐ thường niên năm 2021 của Eximbank đã tổ chức bất thành do tỷ lệ tham dự của cổ đông chỉ đạt 41,65%, thấp hơn tỷ lệ theo quy định để tiến hành phiên họp thường niên lần 1 là 65%.

Mặt khác, phiên họp thường niên năm 2020 diễn ra trước đó 1 ngày (26/4) có số lượng cổ đông tham dự đại diện cho hơn 94% số cổ phần có quyền biểu quyết, tuy nhiên lại không thể tiếp tục do đa số cổ đông không thông qua quy chế đại hội.

>>> Xem thêm: Eximbank hoãn ĐHCĐ thường niên và bất thường năm 2021 vì dịch Covid-19

VPBank trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu tỷ lệ 80%, tăng vốn lên hơn 45.000 tỷ

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021.

Theo đó, VPBank đề xuất phát hành tối đa hơn 1,97 tỷ cổ phiếu mới, tương đương tỷ lệ 80%. Trong đó, tỷ lệ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là 62,15%, tỷ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%.

Về tỷ lệ thực hiện quyền dự kiến, cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 6.215 cổ phiếu từ việc phát hành để trả cổ tức và 1.785 cổ phiếu từ việc phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu.

VPBank hiện đang lưu hành hơn 2,4 tỷ cổ phiếu và nắm giữ hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ. Tổng số cổ phiếu đang niêm yết là hơn 2,5 tỷ đơn vị. 

Sau khi phát hành, vốn điều lệ của VPBank dự kiến tăng từ hơn 25.299 tỷ đồng lên hơn 45.057 tỷ đồng (tăng thêm hơn 19.757 tỷ đồng), tương đương tổng số cổ phiếu niêm yết sẽ tăng lên hơn 4,5 tỷ đơn vị. 

Về nguồn vốn thực hiện, phía VPBank cho biết lũy kế đến ngày 31/12/2020, lợi nhuận chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển đạt khoảng 19.511 tỷ đồng, nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đạt khoảng 808 tỷ đồng là nguồn vốn có thể dùng cho mục đích tăng vốn điều lệ như phương án mà ngân hàng này dự kiến trình cổ đông.

Thời điểm thực hiện phát hành dự kiến là trong quý III và/hoặc quý IV/2021.

>>> Xem thêm: VPBank trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu tỷ lệ 80%, tăng vốn lên hơn 45.000 tỷ

Lạm phát thấp, dịch bệnh phức tạp, Ngân hàng Nhà nước có nới lỏng hơn chính sách tiền tệ?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cho một loạt ngân hàng, chẳng hạn MB được nới room từ 10,5% lên 15%, VPBank được nới từ 8,5% lên 12,1%... Động thái này được diễn ra giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Cơ quan này nhấn mạnh việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của TCTD, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.

Động thái nới room tín dụng cho các ngân hàng, đặt trong bối cảnh lạm phát thấp cùng tác động tiêu cực của đại dịch đến nền kinh tế, làm tăng thêm kỳ vọng về việc NHNN sẽ nới lỏng hơn chính sách tiền tệ.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô công bố mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã hạ dự báo lạm phát năm 2021 xuống 3,2%, từ mức dự báo 3,8% trước đó. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô công bố gần đây cũng kỳ vọng lạm phát bình quân năm 2021 chỉ ở mức 3%.

Mặc dù lạm phát thấp, đại dịch tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng KBSV không cho rằng NHNN sẽ thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ hiện tại với mức độ hỗ trợ vừa phải (tập trung vào việc duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp), còn tăng trưởng tín dụng mục tiêu sẽ ổn định tương đương mức tăng giai đoạn trước dịch (quanh 12%-14%).

>>> Xem thêm: Lạm phát thấp, dịch bệnh phức tạp, Ngân hàng Nhà nước có nới lỏng hơn chính sách tiền tệ?

ACB: Lãi 6.400 tỷ đồng nửa đầu năm, trích lập dự phòng đầy đủ nợ tái cơ cấu thay vì lộ trình 3 năm

Theo tường thuật của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư do Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức gần đây, phía ACB tiết lộ lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của ACB tăng trưởng 68%.

ACB cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng 9,4% huy động tăng 1,8%, tỷ lệ nợ xấu 0,7% và tổng tài sản đạt 496 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Biên lãi thuần NIM trong 6 tháng 2021 tăng 0,5 điểm% lên 4% so với năm 2020 nhờ tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng lên 82,4%.

Doanh thu từ thu nhập phí trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 79% so với cùng kỳ năm ngoái) với 853 tỷ đồng đến từ mảng bancassurance (bao gồm cả phí tiếp cận). Ban lãnh đạo chia sẻ rằng triển vọng thu nhập từ phí vẫn tích cực bất chấp tác động của dịch Covid-19; do đó, ACB đặt mục tiêu đạt thêm 1,3 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Chi phí dự phòng tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 2 nghìn tỷ đồng. Con số này cao gấp đôi so với cả năm 2020 và được giải thích là do ACB quyết định trích lập đầy đủ 1,4 nghìn tỷ đồng cho toàn bộ số dư nợ được tái cơ cấu thay vì phân bổ trong 3 năm theo Thông tư 03.

Ngoài ra, dư nợ tái vay cơ cấu là 8,2 nghìn tỷ đồng tính đến tháng 6/2021 (giảm từ 8,5 nghìn tỷ đồng trong quý I/2021).

>>> Xem thêm: ACB: Lãi 6.400 tỷ đồng nửa đầu năm, trích lập dự phòng đầy đủ nợ tái cơ cấu thay vì lộ trình 3 năm

Tin mới lên