Ngân sách trung ương đã chi hơn 1.700 tỷ cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp

Lê Nguyễn - 22/07/2021 00:04 (GMT+7)

(VNF) – Số liệu trên được trích trong báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021 của Chính phủ.

VNF
Ngân sách trung ương đã chi hơn 1.700 tỷ cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp

Báo cáo cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách nhà nước đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so cùng kỳ năm 2020.

Chi ngân sách 6 tháng đạt 41,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,1%, chi trả nợ lãi đạt 51,6%, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 33,04% kế hoạch), trong đó, vốn ngoài nước ước đạt xấp xỉ 7,4%, vốn trong ước đạt 31,75%.

Do chi thấp hơn thu ngân sách nên tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng có thặng dư (thu lớn hơn chi). Trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư khoảng 150 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí với tổng giá trị 27,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó: gia hạn 23,2 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm 4,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí.

Đáng chú ý, báo cáo cho biết ngân sách trung ương đã chi hơn 1.700 tỷ đồng để đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Bên cạnh đó, dự phòng ngân sách trung ương cũng đã chi 2.200 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó bổ sung 1.799 tỷ đồng kinh phí cho Bộ Y tế mua vắc xin, vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế và hỗ trợ các địa phương 402 tỷ đồng.

Trước yêu cầu tập trung nguồn lực phòng chống dịch bệnh, Chính phủ đã ra Nghị quyết 58 ngày 8/6/2021 yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước, tiết kiệm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021. Đến nay, dự kiến cắt giảm và tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 11 – 12 nghìn tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương khoảng 7.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 4 – 5 nghìn tỷ đồng).

Đánh giá về những hạn chế của công tác ngân sách nửa đầu năm 2021, Chính phủ cho rằng dù tiến độ thu ngân sách đạt khá, song một số khoản thu đạt thấp, trong đó thu từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước hiện rất khó khăn. Đến nay, ngân sách địa phương mới thu 135 tỷ đồng, ngân sách trung ương còn chưa thu được đồng nào trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng dự toán.

Số nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Cụ thể, số nợ thuế nội địa đến 30/6/2021 ước 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020; trong đó nợ thuế có khả năng thu là 60 nghìn tỷ đồng, tăng 31,1% so với thời điểm cuối năm 2020

Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng còn phức tạp.

Về chi ngân sách, công tác triển khai phân bổ ngân sách, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương còn chậm. Đến hết tháng 6, vốn chương trình mục tiêu quốc gia 16 nghìn tỷ đồng Thủ tướng Chính phủ chưa giao kế hoạch. Tổng số vốn đầu tư các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ đạt 88,32% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, có 34 bộ, cơ quan trung ương và 36 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Dự toán chi thường xuyên các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ còn lại khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp (đến hết tháng 6, vẫn còn 4 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao: Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban dân tộc, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam), đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (6 tháng mới đạt 7,4% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự toán kinh phí năm 2021 đã bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các chính sách thuộc 21 chương trình mục tiêu giai đoạn trước, đến nay cơ bản chưa thực hiện.

Cùng chuyên mục
Tin khác