‘Việt Nam hưởng lợi nhờ nhu cầu phần cứng AI tăng cao’

Thanh Tú - 04/01/2025 09:15 (GMT+7)

(VNF) - Capital Economics dự đoán, ngành sản xuất của Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) có thể trội hơn các nước khác trong khu vực do nhu cầu toàn cầu về phần cứng liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) tăng cao.

Theo các cuộc khảo sát mới nhất, tình hình sản xuất trên khắp châu Á đã tăng trưởng vào tháng 12, nhưng niềm tin suy yếu và đơn đặt hàng xuất khẩu yếu tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng.

Báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mà S&P Global vừa công bố cho thấy chỉ số PMI của ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn, mặc dù có giảm nhẹ vào cuối năm.

Một số quốc gia trong khu vực dẫn đầu về tăng trưởng, bao gồm Philippines, nơi sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng mạnh, đánh dấu mức tăng trưởng lớn nhất kể từ tháng 4/2022.

PMI của Indonesia đã quay trở lại vùng tăng trưởng lần đầu tiên kể từ tháng 6, trong khi chỉ số của Thái Lan đạt mức cao nhất trong 4 tháng. PMI của Đài Loan đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7, dữ liệu của S&P Global cho thấy.

Bà Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết khu vực này nhìn chung vẫn lạc quan khi ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn, tuy nhiên lưu ý rằng triển vọng đối với lĩnh vực sản xuất của ASEAN đã suy yếu.

Niềm tin của các nhà sản xuất ASEAN đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, vẫn thấp hơn mức trung bình dài hạn, theo S&P

Bà Baluch lưu ý rằng nhu cầu quốc tế yếu tiếp tục ảnh hưởng tới lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, vốn đã giảm trong hơn 2 năm qua, vì tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu trong nước.

Tại Ấn Độ, tăng trưởng sản xuất trong tháng 12 là chậm nhất trong năm 2024.

Theo S&P, trong khi các nhà sản xuất tại Ấn Độ vẫn lạc quan về sản lượng thì mối lo ngại về lạm phát và cạnh tranh đã làm giảm bớt tâm lý này.

Triển vọng của Hàn Quốc trở nên tiêu cực hơn khi tháng 12 đánh dấu mức giảm mạnh hơn về sản lượng khi các đơn đặt hàng mới giảm. Lần đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19, các công ty tại Hàn Quốc có triển vọng sản xuất tiêu cực trong năm tới.

Ông Usamah Bhatti, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Những kỳ vọng bi quan thường xuất phát từ những lo ngại xung quanh tình hình kinh tế trong nước cũng như các chính sách bảo hộ tiềm tàng của Mỹ".

Cách các nhà sản xuất châu Á ứng phó với xung đột thương mại vẫn chưa chắc chắn, khi cả diễn biến kinh tế trong nước và toàn cầu đều được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng.

Capital Economics dự đoán rằng Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam có thể hoạt động tốt hơn các nước khác do nhu cầu toàn cầu về phần cứng liên quan đến AI tăng cao.

Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu yếu có thể tiếp tục gây áp lực lên các ngành sản xuất hướng đến xuất khẩu của châu Á trong thời gian tới, với nhu cầu trong nước khó có thể thúc đẩy mạnh mẽ, nhà kinh tế Shivaan Tandon lưu ý.

Dữ liệu của S&P Global cho thấy niềm tin của các nhà sản xuất Đài Loan đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng, được hỗ trợ bởi hy vọng về doanh số và nhu cầu được cải thiện. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới tại Đài Loan đạt mức cao nhất trong 6 tháng.

Tại Trung Quốc, đơn đặt hàng mới tăng trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12, nhưng sự lạc quan suy yếu do lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế và xung đột thương mại với Mỹ, theo dữ liệu từ Caixin Media Co. và S&P Global. Tuy nhiên, kỳ vọng về sản lượng trong tương lai vẫn tiếp tục cải thiện, Caixin lưu ý.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng các đơn hàng xuất khẩu lớn ở Trung Quốc có thể phản ánh nhu cầu mua hàng trước khi áp dụng mức thuế quan tiềm năng.

Ông Gabriel Ng, trợ lý kinh tế tại Capital Economics, lưu ý rằng mặc dù chính sách hỗ trợ vào cuối năm 2024 đã thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng sự cải thiện này khó có thể kéo dài quá vài quý, đặc biệt nếu Tổng thống Mỹ mới Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế quan của mình.

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Các yếu tố đó là hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển.

Việt Nam hiện được xem là một cứ điểm sản xuất quan trọng và chiến lược cho những công ty như Intel, Samsung, Foxconn, Compal và Pegatron…., và cũng từ nhiều năm qua, Việt Nam đã ban hành rất nhiều quy định pháp luật vừa tiệm cận với các quy định trong khuôn khổ các thỏa thuận thương mại quốc tế, nhưng cũng vừa quá thận trọng trong cách diễn đạt dẫn đến sự chậm trễ trong việc tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục hành chính.

Với những lợi thế mà Việt Nam đang có, bà Linda Tân - Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI), nhận định: "Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á".

Theo The Wall Street Journal
Năm thách thức hàng đầu cho kinh tế toàn cầu 2025

Năm thách thức hàng đầu cho kinh tế toàn cầu 2025

Tài chính quốc tế
(VNF) - Năm 2025, mang theo nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít lo ngại về những thách thức có thể định hình kinh tế toàn cầu. Từ bất ổn địa chính trị, vấn đề nhập cư đến tiến bộ công nghệ và bất bình đẳng kinh tế, thế giới đang đối mặt với hàng loạt thách thức chưa từng có.
Cùng chuyên mục
Tin khác