Tài chính

Nghèo, giàu và sang

(VNF) - Có muôn vàn cách để đạt đến giầu có. Nhưng để đạt đến giầu sang (giầu và sang), thì chỉ có một lối hẹp và vượt qua nó luôn khó vô cùng.

Nghèo, giàu và sang

Ảnh minh hoạ

Trong tiếng Việt có một loạt cặp từ gắn với chữ “nghèo”, xin được liệt kê: Nghèo hèn (nghèo thì dễ/tất yếu hèn), nghèo khổ (nghèo chắc chắn khổ, thậm chí là gốc của khổ), nghèo khó (nghèo khiến làm gì cũng khó), nghèo kiết xác (nghèo đến mức không có cả miếng ăn cho vào miệng, khiến cơ thể bị kiết-kiệt chỉ còn như cái xác ve), nghèo lõ (nghèo ở mức cùng cực)…

Tương ứng, cũng có một loạt cặp từ gắn với chữ “giàu”: Giàu có (chỉ người có nhiều tài sản và nguồn lực), giàu nứt đố nổ/đổ vách (chỉ người giầu đến mức không còn thiếu thứ gì, không biết chứa của cải vào đâu), giàu xổi, chỉ sự giầu nhất thời, không bền vững, của cải vào dễ và ra cũng dễ…

Cuối cùng là giầu sang…

Giờ ta thử tìm xem có những cặp từ nào gắn với chữ “sang”?

Tìm mãi cũng chỉ thấy: Sang trọng, sang cả… Nhưng những cặp từ này lại hướng sự ca ngợi đến tinh thần nhiều hơn là vật chất. Người sang trọng là người có nhân cách cao quý, có học vấn tốt, có vị thế xã hội, có nền tảng văn hóa bền vững... Một người giầu có chưa chắc đã sang trọng (rất nhiều trọc phú thậm chí còn là những người rất tầm thường), nhưng một người sang trọng vẫn có thể không phải là người nhiều tiền bạc.

Sang cả, một từ không thông dụng, chỉ người nào đó đầu tiên phải có tài, có tiếng tăm thông qua sự thành đạt trong công việc và lối sống mẫu mực về đạo đức. Người sang cả luôn lịch lãm trong hành xử, giữ gìn lời ăn tiếng nói, có uy tín lớn khiến xung quanh kính nể. Nó thuộc về ca ngợi, tôn vinh phẩm cách nhiều hơn là gắn với tiền bạc.

Chịu khó tìm thì còn có thêm từ sang chảnh, một từ mang tính thời thượng được lớp trẻ hay dùng, chỉ những người luôn khoa trương, thổi phồng vị thế giầu có của mình. Về thực chất khi nói ai đó sang chảnh, là có thêm cả ý chế giễu, chê bai nhẹ nhàng thói khoe khoang, chuộng bề nổi của họ nhiều hơn là khen.

Ngôn ngữ luôn phản ánh xu thế, nhu cầu, đòi hỏi của xã hội. Người Việt chưa quan tâm nhiều đến cấp độ sang, so với những thang bậc khác, vì thế từ “sang” trong “rổ ngôn ngữ” dùng để đo đạc chỉ số hạnh phúc rõ ràng là chưa có mấy trọng lượng. Trên thực tế nó ít tham gia vào đời sống để đạt đến mức thông dụng như những từ “nghèo” và “giầu” hoặc một vài từ khác.

Bởi vì để đến được sự sang, luôn là khó nhất với bất kì ai trong chúng ta. Sang phản ánh một đời sống không chỉ đầy đủ về vật chất (nghèo đói, thiếu ăn thì có muốn sang cũng khó) mà còn là sự quý phái về tinh thần, tự do về ngôn ngữ. Sang đi kèm với quý phái, là cấp độ cao nhất về mọi phương diện mà con người mong đạt đến.

Sang gắn với đẹp, với vị thế xã hội có được từ học vấn, uy tín chuyên môn, mức độ cống hiến cho cộng đồng, nhiều hơn là đo bằng sự giầu có. Tất nhiên, có bột mới gột nên hồ, có thực mới vực được đạo, muốn đẹp, muốn không lọ mọ, dị mọ trong mọi hành vi sống, không tủn mủn tính toán theo kiểu “lão hà tiện” (khiến kém sang) thì phải giầu, hoặc ít nhất cũng không nghèo để cứ phải quá mất thời gian, tâm trí vào chuyện tiền bạc.

Để trở nên giầu có chắc chắn không hề dễ nhưng rõ ràng là không quá khó. Nhiều người trong xã hội thậm chí còn dễ dàng đạt được điều đó. Một cú buôn bất động sản, đánh chứng khoán, thậm chí chơi đề… mà gặp may mắn là bộn tiền. Một vài chuyến buôn lậu, buôn hàng cấm, in tiền giả trót lọt là thành kẻ có tiền rừng bạc bể! Một cú liều mạng trong đầu cơ cơ hội, một vụ cá độ gặp vận son là thu về cả đống tiền! Thậm chí may mắn bốc được bộ vé trúng số độc đắc khi chơi xổ xố, việc làm hoàn toàn hợp pháp, cũng lập tức chỉ sau một đêm, đã có thể thuộc về tầng lớp giầu có về tiền bạc.

Nói tóm lại, có muôn vàn cách để đạt đến giầu có.

Nhưng để đạt đến giầu sang (giầu và sang), thì chỉ có một lối hẹp và vượt qua nó luôn khó vô cùng. Muốn giầu sang, rõ ràng trước hết phải giầu và điều kiện tiên quyết, miễn tranh cãi, là phải giầu một cách chính đáng, hợp pháp. Nói như dân gian, đồng tiền kiếm được, muốn sạch, phải đổi bằng mồ hôi công sức của chính mình. Chỉ cần để lọt vào đống tài sản những đồng tiền bẩn, những đồng tiền dính máu, những đồng tiền bất hợp pháp, những của cải không chính đáng, không từ lao động của bản thân, thì dù có bao nhiêu tiền, vàng, kim cương… cũng đừng bao giờ nghĩ đến chữ sang. Chính yêu cầu ngặt nghèo này khiến xã hội của chúng ta không thiếu người giàu có nhưng vẫn hiếm người giầu sang.

Đấy là cái khó thứ nhất.

Cái khó tiếp theo là giầu nhưng nhân cách kém, thiếu học vấn, thiếu khả năng chia sẻ với cộng đồng, thì cũng luôn cách chữ “sang” một đoạn dài dằng dặc.

Cái khó thứ ba, nếu giầu nhưng trong quá trình có được những của cải ấy, mà không tỉ lệ thuận với tăng trưởng xã hội do hành động tạo ra của cải ấy đem lại, hoặc nói rõ ra, xã hội chả hề được hưởng chút lợi ích nào của sự gia tăng tài sản cá nhân ấy… thì vẫn không thể vượt qua được cấp giầu có.

Cái khó thứ tư thuộc về thái độ của cá nhân với tiền bạc: Tức là việc anh coi tiền bạc là phương tiện hay mục đích, anh sử dụng đồng tiền ra sao. Này, đừng tưởng cứ có tiền là muốn tiêu pha nó thế nào cũng được. Nó là cả một hành vi luôn được soi xét từ mọi phía, để định giá trị thật sự của bạn. Kẻ vung tiền vô lối, cậy tiền để trịch thượng, còn lâu mới là người giầu có, chứ chưa nói đến sang.

Cái khó thứ năm là vị trí của đồng tiền nằm ở đâu trong các thang bảng giá trị mà mỗi cuộc đời muốn đạt tới. Không ai trách một người nào đó đặt mục đích cao nhất của đời họ là tiền bạc. Họ có quyền không thể tranh cãi. Họ chẳng có gì sai khi đặt ra mục đích ấy. Họ không có lỗi với bất cứ người nghèo nào trong xã hội. Ở một khía cạnh nào đó, thời điểm nào đó, mục đích ấy còn cần được khích lệ, như một cách khích lệ sự lao động. Chẳng hạn những người trẻ tuổi rất đáng được ghi nhận khi họ tự lo được cho bản thân bằng việc kiếm tiền. Ngay cả khi họ coi đó là mục đích cao nhất đời họ, thì họ cũng không vì thế mà bị chê trách hoặc phán xét về đạo đức. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ là người như vậy, bạn hoàn toàn xứng đáng được tôn trọng nhưng không bao giờ bạn trở thành một người sang trọng thật sự.

Chúng ta nhắm mắt cũng có thể kể ra cả trang giấy những trường hợp giàu nhưng không bao giờ sang, thậm chí giầu còn đồng nghĩa với hèn mạt. Ví dụ một kẻ có trong tay ba triệu USD (khoảng 75 tỷ đồng), so với mức sống và sức mua của người Việt hiện tại, kẻ đó chắc chắn thuộc số người giầu có. Triệu phú USD thì ngay cả tại những nước giầu nhất hành tinh, vẫn thuộc số ít, chứ nói gì đến một đất nước bình quân đầu người một năm chỉ khoảng 5.000 USD! Nhưng chỉ vì ba triệu USD, mà anh ta đang phải ngồi tù chung thân vì tội ăn hối lộ, như trường hợp một số quan chức thời gian qua, thì sự hèn mạt thậm chí còn chưa lột tả hết mức độ đáng khinh của cộng đồng khi đánh giá về anh ta, mà anh ta phải chấp nhận.

Ví dụ một kẻ dùng tiền của mình để tắm bằng rượu vang, quá lắm chỉ là một trọc phú. Nhưng cũng người như thế nhưng vét đến vụn bánh mì cuối cùng khi ăn, xong còn tự tay thu dọn rác… thì thực sự là người giầu sang tột đỉnh!

Một người sang trọng sẽ không bao giờ cậy giầu để uy hiếp những người nghèo; không bao giờ dùng tiền để qua mặt luật pháp; không bao giờ cậy thế giầu có mắng chửi kẻ ăn người ở, bố thí, ban ơn một cách lố bịch, giành lợi thế về mình trong mọi dịch vụ.

Người giầu sang hóa ra lại là những người sống giản dị, tiết kiệm, hòa đồng, giầu lòng trắc ẩn, cảm thông, bao dung, tinh tế với bất kể ai. Họ không bao giờ khiến những người xung quanh phải tổn thương chỉ vì thua kém họ về tiền bạc.

Chúng ta kiên quyết từ chối sự nghèo khổ. Nghèo khổ là một trạng thái xã hội, gắn với lạc hậu, không phải là số phận.

Nhưng từ giàu có để đến được với giầu sang, còn là một cuộc leo núi nhọc nhằn, đòi hỏi rất nhiều hy sinh và khổ luyện.

Tin mới lên