Thị trường

Nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt, hạn chế xe máy và thu phí ùn tắc ở TP. HCM

(VNF) - Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (TCIP), Công ty tư vấn DOHWA Engineering Co., Ltd. (Hàn Quốc) phối hợp với Công ty tư vấn Việt Nam UCTV (Chi nhánh Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải) vừa tổ chức Hội thảo báo cáo cuối kỳ - Gói thầu BRT2-CS9.

Nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt, hạn chế xe máy và thu phí ùn tắc ở TP. HCM

Theo chuyên gia, tại TP. HCM, giao thông công cộng đứng trước khá nhiều thách thức khi hiện có hơn 82% lưu lượng phương tiện lưu thông là xe máy, trong khi phương tiện giao thông công cộng chỉ chiếm khoảng 5%.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia trong ngành giao thông và các lãnh đạo đại diện Ngân hàng thế giới (WB), Sở Giao thông Vận tải TP. HCM (DOT), Trung tâm quản lý giao thông công cộng, đại diện quận huyện thành phố, Sở Quy hoạch & Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban quản lý đường sắt đô thị, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, Tổng công ty cơ khí Giao thông Vận tải TNHH MTV (SAMCO) và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP. HCM, các trường đại học và liên hiệp hội khoa học kỹ thuật thành phố…

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP cho biết trong thời gian tới, ngành giao thông thành phố sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh các dự án liên vùng, cửa ngõ, cao tốc và phát triển giao thông công cộng; trong đó, giao thông công cộng cần được tổ chức lại, có giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng của người dân lên 25%, xe buýt phải đạt 15%. Kết quả nghiên cứu sẽ thấy rõ hệ thống xe buýt trong tương lai và những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống xe buýt.

Theo Tiến sỹ Ma Kook-Jun, chủ nhiệm dự án BRT-CS9 tại TP. HCM, giao thông công cộng đứng trước khá nhiều thách thức khi hiện có hơn 82% lưu lượng phương tiện lưu thông là xe máy, trong khi phương tiện giao thông công cộng chỉ chiếm khoảng 5%.

TP. HCM có tới 9 triệu dân, theo đó cần phát triển giao thông công cộng, giảm phương tiện ở nội đô. Vì vậy, Tiến sỹ Ma Kook-Jun cho rằng cần tái cấu trúc mạng lưới xe buýt ở TP. HCM từ ngắn hạn đến năm 2025 và dài hạn là tới năm 2030, làm sao việc sử dụng xe buýt hiệu quả, tiện lợi, nhanh chóng và đáp ứng được yêu cầu.

Hội thảo cũng báo cáo kết quả nghiên cứu tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt TP. HCM đến năm 2025, định hướng đến 2030 cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng hợp nhất.

Về nguyên tắc tái cấu trúc, theo chức năng phục vụ, mạng lưới tuyến xe buýt được chia thành 3 nhóm: tuyến trục chính; nhóm tuyến nhánh và nhóm tuyến buýt gom. Trong đó, nhóm tuyến trục chính là tuyến buýt có khả năng cơ động cao, nối liền đô thị trung tâm với các trung tâm dân cư lớn, khu công nghiệp tập trung, các công trình đô thị, bến cảng, nhà ga lớn và các đô thị vệ tinh.

Tuyến nhánh là tuyến buýt có khả năng cơ động thấp hơn, nối liền các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp, trung tâm công cộng có quy mô liên khu vực.

Tuyến buýt gom là tuyến buýt có khả năng tiếp cận cao, cung cấp tính tiếp cận giao thông công cộng cao tại các quận, huyện, khu công nghiệp, khu công trình công cộng hay thương mại, kết nối với các nhà ga MRT, BRT và các tuyến buýt trục chính.

Qua quá trình nghiên cứu, đơn vị tư vấn đã đạt được một số kết quả. Theo đó, trong giai đoạn ngắn hạn 2025, tư vấn đã cân nhắc để cải thiện một số tuyến xe buýt trên địa bàn TP. HCM nhằm thuận lợi hơn trong việc di chuyển và trung chuyển với các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai.

Trong giai đoạn 2030, tư vấn tiến hành tái cấu trúc toàn bộ hệ thống tuyến xe buýt trên cơ sở phân chia thành tuyến trục, tuyến nhánh và tuyến gom. Sau khi tái cấu trúc và áp dụng các chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân (hạn chế xe máy, thu phí ùn tắc) thì kết quả cho thấy tỷ lệ đảm nhận của phương tiện vận tải xe buýt có sự cải thiện rõ rệt so với hiện nay.

Đồng thời tư vấn cũng nghiên cứu để đưa ra một số kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là các chính sách, thể chế hỗ trợ tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt thành phố. Từ đó, nâng cao mức độ thuận tiện cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng nói chung và dịch vụ xe buýt nói riêng.

Trước đó, ngày 27/9/2021, Tư vấn DOHWA Engineering Co., Ltd. cùng với tư vấn Việt Nam UCTV được lựa chọn là nhà thầu của gói thầu BRT2-CS9.

Gói thầu này tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn thành phố và chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện hữu, thuộc dự án Phát triển Giao thông xanh TP. HCM do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông  là chủ đầu tư. Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới.

Mục tiêu chính của dịch vụ tư vấn BRT2-CS9 là nâng cao chất lượng mạng lưới tuyến xe buýt của TP. HCM; để hỗ trợ hoạt động hiệu quả của hệ thống xe buýt; và cải thiện dịch vụ xe buýt cho người dân.

Mạng lưới tuyến xe buýt sau khi tái cấu trúc được kỳ vọng sẽ hỗ trợ việc kết nối với các tuyến MRT, BRT, khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng và giảm bớt sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.

Tin mới lên