Tài chính quốc tế

'Ngủ quên trên chiến thắng', kinh tế Đức trượt dài sau loạt biến cố

(VNF) - Khoảng 2 thập kỷ trước, Đức đã hồi sinh nền kinh tế suy yếu và trở thành cường quốc sản xuất của kỷ nguyên toàn cầu hóa. Nhưng thời thế thay đổi, nền kinh tế hàng đầu châu Âu giờ đây đang rơi vào trì trệ và đang loay hoay tìm lối thoát cho chính mình.

'Ngủ quên trên chiến thắng', kinh tế Đức trượt dài sau loạt biến cố

Ảnh minh họa.

Sau những năm phát triển kinh tế bùng nổ, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy thoái vào năm 2023.

Sự phụ thuộc của Đức vào sản xuất và thương mại thế giới đã khiến nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước những bất ổn toàn cầu gần đây: Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19, giá năng lượng tăng cao sau khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, lạm phát và lãi suất gia tăng dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng như nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Thực chất, sản lượng sản xuất và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã trì trệ kể từ năm 2018, cho thấy mô hình thành công lâu dài của nước này đã mất đi sức hút. Nhưng những loạt vấn đề đang nổi lên thời gian gần đây đã khiến Berlin cảm nhận được tính cấp thiết của việc thay đổi mô hình kinh tế.

Thời thế thay đổi

Trong nhiều năm, Trung Quốc là động lực chính cho sự bùng nổ xuất khẩu của Đức. Một Trung Quốc công nghiệp hóa nhanh chóng đã mua tất cả hàng hóa mà Đức có thể sản xuất. Nhưng mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn trong nhiều năm. Tăng trưởng và nhu cầu nhập khẩu đã chững lại.

Thay vì duy trì mối quan hệ là khách hàng tốt nhất của Đức, các ngành công nghiệp Trung Quốc đã dần trở thành những đối thủ cạnh tranh quyết liệt. Các nhà sản xuất ô tô mới nổi của Trung Quốc đang cạnh tranh với các hãng xe Đức như Volswagen, vốn đang tụt hậu trong cuộc cách mạng xe điện.

Không chỉ vậy, loại hình thương mại mởi mang lại lợi ích cho Đức đã dần mất đi tác dụng khi thời thế thay đổi. Sự thay đổi được thể hiện rõ ràng nhất khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan không chỉ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà còn với hàng hóa của các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. 

Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh vào năm 2016 và việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, dẫn đến các lệnh trừng phạt của EU, cũng báo hiệu sự chuyển dịch sang một môi trường kém thuận lợi hơn đối với các nhà xuất khẩu lớn.

Sự bùng nổ công nghiệp kéo dài của Đức dường như đã khiến nước này "ngủ quên trên chiến thắng" và quên đi những điểm yếu "chí mạng" của mình, từ lực lượng lao động già đi đến các lĩnh vực dịch vụ yếu kém, chưa kể tới bộ máy chính trị tương đối cồng kềnh.

Đức vẫn kiên trì hỗ trợ các ngành công nghiệp cũ như ô tô, máy móc và hóa chất hơn là thúc đẩy các ngành mới, chẳng hạn như công nghệ kỹ thuật số. Công ty phần mềm lớn duy nhất của Đức, SAP, đã được thành lập từ tận năm 1975.

Không chỉ vậy, nhiều năm cắt giảm đầu tư công đã dẫn đến cơ sở hạ tầng xuống cấp, kết nối Internet và điện thoại di động tốc độ cao kém so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Những chuyến tàu hoạt động hiệu quả một thời của Đức giờ đây đã trở thành biểu tượng cho sự chậm trễ. Việc cơ quan hành chính tiếp tục phụ thuộc vào máy fax đã trở thành một trò đùa quốc gia. 

Ông Moritz Schularick, chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cho biết: “Đức gần như đã ngủ quên trong khoảng hơn một thập kỷ đầy thách thức”.

Vào tháng 3, một trong những công ty nổi tiếng nhất của Đức, tập đoàn khí công nghiệp đa quốc gia Linde, đã hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt để duy trì niêm yết duy nhất trên Sở giao dịch chứng khoán New York. 

Quyết định này được thúc đẩy một phần bởi gánh nặng ngày càng tăng của quy định tài chính ở Đức. Ngoài ra, Linde, công ty có niên đại từ năm 1879, cho biết họ không còn muốn bị coi là một công ty Đức nữa, vì việc đó có thể làm giảm sức hấp dẫn của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư.

Josef Joffe , một nhà xuất bản báo lâu năm và là thành viên tại Đại học Stanford, cho biết nước Đức ngày nay đang ở giữa một chu kỳ thành công, trì trệ và áp lực cải cách.

“Đức sẽ phục hồi trở lại, nhưng nước này mắc phải hai căn bệnh "mãn tính": trước hết là thất bại trong việc chuyển đổi hệ thống công nghiệp cũ thành nền kinh tế tri thức và chính sách năng lượng phi lý”, ông Joffe nói.

Chưa tệ nhất, nhưng cần cải cách

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi nghĩ điều quan trọng cần nhớ là Đức vẫn là một trong những nước dẫn đầu thế giới. Chúng ta là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Chúng ta có bí quyết kinh tế và tôi tự hào về lực lượng lao động lành nghề của chúng ta. Nhưng giờ đây, chúng ta không có đủ khả năng cạnh tranh”.

Quả thực Đức vẫn còn nhiều điểm mạnh. Nguồn bí quyết kỹ thuật sâu rộng cũng như chuyên môn về hàng hóa vốn vẫn giúp họ có thể thu lợi từ sự tăng trưởng trong tương lai ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Cải cách thị trường lao động đã cải thiện đáng kể tỷ lệ dân số có việc làm. Nợ quốc gia thấp hơn so với hầu hết các nước cùng ngành và thị trường tài chính coi trái phiếu của nước này là một trong những tài sản an toàn nhất thế giới.

Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Berenberg ở Hamburg, cho biết những thách thức của đất nước hiện nay ít nghiêm trọng hơn so với những năm 1990, sau khi nước Đức thống nhất. Mặc dù vậy, sự tự mãn của một "kẻ chiến thắng" đã ngồi quá lâu trên đỉnh vinh quang dường như đang cản trở cỗ máy từng hoạt động hiệu quả hàng đầu thế giới thay đổi.

Các lĩnh vực dịch vụ, vốn chiếm phần lớn tổng sản phẩm quốc nội và việc làm, lại kém năng động hơn so với các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Hạn chế về tiền lương đã làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Các công ty Đức tiết kiệm phần lớn lợi nhuận thay vì đầu tư.

Các nhà xuất khẩu thành công cũng rất miễn cưỡng về việc thay đổi. Các nhà cung cấp linh kiện ô tô của Đức tự tin vào sức mạnh của mình đến mức nhiều người bác bỏ cảnh báo rằng xe điện sẽ sớm thách thức động cơ đốt trong. 

Sau khi thất bại trong việc đầu tư vào pin và công nghệ khác cho ô tô thế hệ mới, nhiều hãng giờ đây nhận thấy mình bị các công ty mới nổi của Trung Quốc vượt mặt.

Một nghiên cứu gần đây của PwC cho thấy các nhà cung cấp ô tô của Đức, một phần do ngại thay đổi, đã bị mất thị phần toàn cầu kể từ năm 2019, mức độ lớn như mức họ đã đạt được trong hai thập kỷ trước.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đức phàn nàn về tình trạng quan liêu. BioNTech, một công ty công nghệ sinh học được ca ngợi đã phát triển vắc xin Covid-19 được sản xuất với sự hợp tác của Pfizer, gần đây đã quyết định chuyển một số hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng sang Vương quốc Anh vì các quy định hạn chế của Đức về bảo vệ dữ liệu.

Người đồng sáng lập BioNTech, Ugur Sahin, cho biết luật riêng tư của Đức khiến việc thực hiện các nghiên cứu quan trọng về phương pháp chữa trị ung thư không thể thực hiện được. Ông cho biết, các quy trình phê duyệt của Đức đối với các phương pháp điều trị mới, vốn được đẩy nhanh trong thời kỳ đại dịch, đã trở lại với tốc độ chậm chạp.

Hans Georg Näder, chủ tịch của Ottobock, nhà sản xuất chân tay nhân tạo công nghệ cao hàng đầu, cho biết Đức đáng lẽ phải nằm trong số các quốc gia được hưởng lợi từ những tiến bộ trong khoa học y tế. Nhưng thay vào đó, hoạt động ở Đức ngày càng khó khăn hơn do những quy định mới.

Với lĩnh vực quan trọng hàng đầu là năng lượng, chi phí năng lượng đang đặt ra thách thức hiện hữu đối với các lĩnh vực như hóa chất.

Cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy Đức vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết do sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Giá năng lượng ở châu Âu đã giảm so với mức đỉnh năm ngoái khi các nước EU tranh giành thay thế khí đốt của Nga, nhưng ngành công nghiệp Đức vẫn phải đối mặt với chi phí cao hơn so với các đối thủ ở Mỹ và châu Á.

Một vấn đề khác mà Đức chưa thể giải quyết nhanh chóng là vấn đề nhân khẩu học. Lực lượng lao động bị thu hẹp đã khiến nước này thiếu nhân lực cho khoảng hai triệu việc làm. Khoảng 43% doanh nghiệp Đức đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động, với thời gian trung bình để tuyển dụng một người là gần 6 tháng.

Tương lai khó đoán

Bối cảnh chính trị bị chia cắt của Đức khiến việc thực hiện những thay đổi sâu rộng như nước này đã làm cách đây 20 năm trở nên khó khăn hơn. Điểm chung với phần lớn châu Âu, các đảng trung hữu và trung tả lâu đời đã mất đi ưu thế bầu cử. Số lượng đảng phái trong quốc hội Đức đã tăng lên đều đặn.

Thủ tướng Olaf Scholz và Đảng Dân chủ Xã hội của ông lãnh đạo một liên minh cầm quyền mà trong đó các thành viên thường có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Đảng Dân chủ Tự do muốn cắt giảm thuế, trong khi Đảng Xanh muốn tăng thuế. Các bộ trưởng thiên tả muốn tăng đáng kể chi tiêu đầu tư công, được tài trợ bằng cách vay nếu cần, nhưng Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner bác bỏ điều đó. 

Các thành viên cấp cao của chính phủ chấp nhận sự cần thiết phải cắt giảm quan liêu cũng như cải tổ cơ sở hạ tầng và cung cấp năng lượng của Đức. Nhưng sự khác biệt giữa các đảng thường cản trở những thay đổi dù ở mức độ nhỏ nhất. Hoặc nếu muốn thông qua bất kỳ điều gì, chính quyền Đức thường phải nhượng bộ với một số điều kiện nhất định để đổi lấy sự đồng thuận từ các đảng đối lập.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Olaf Scholz mới đây đã bác bỏ những dự đoán ảm đạm về nước Đức. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình quốc gia gần đây, ông nói: “Những thay đổi là cần thiết nhưng không phải là một cuộc đại tu cơ bản đối với mô hình dẫn đầu về xuất khẩu đã phục vụ tốt cho nước Đức trong suốt thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai”.

Ông Scholz viện dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực vi mạch của các công ty như Intel, được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ. Vị Thủ tướng cho biết những thay đổi theo kế hoạch đối với các quy định nhập cư, bao gồm cả việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc nhập quốc tịch Đức, sẽ giúp thu hút nhiều lao động lành nghề hơn.

Xem thêm >> Kinh tế Đức trì trệ và suy thoái: 'Cỗ máy tăng trưởng của châu Âu' giậm chân tại chỗ

Tin mới lên