Thị trường

Người lao động vẫn lo thất nghiệp dù trong nước kiểm soát tốt dịch

(VNF) - Dự kiến đến cuối quý III/2020, các đơn hàng xuất khẩu cho dệt may, da giày mới có thể thay trở lại các công ty Việt Nam. Vì vậy trong tháng 6 - 7 - 8, khả năng có thể thất nghiệp, giảm lương vài chục phần trăm đang trở thành nỗi lo hàng ngày của hàng nghìn người.

Người lao động vẫn lo thất nghiệp dù trong nước kiểm soát tốt dịch

Người lao động vẫn lo thất nghiệp

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, liên quan đến ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, có khoảng 5.300 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và gần 5.800 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Cùng thời gian, có hơn 5.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; thứ hai là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tiếp đó là các doanh nghiệp trong ngành xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác và kinh doanh bất động sản…

Tại TP.HCM, từ ngày 20/6 đã có 2.786 công nhân của công ty PouYuen nghỉ việc. Công ty PouYuen Việt Nam hiện nay có quy mô lao động trên 62.000 người, chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu tháng 2/2020, nhiều đơn hàng của công ty bị cắt, giảm khiến hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn.

Về việc nghỉ việc cho công nhân, ngoài những khoản trợ cấp theo quy định do BHXH TP.HCM chi trả, công ty PouYuen chi trả thêm cho công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động gồm: với mỗi năm làm việc tại công ty, công nhân sẽ nhận được khoản trợ cấp bằng 1 tháng lương (bình quân của 6 tháng cuối cùng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động). Đối với những tháng lẻ, thời gian được tính theo nguyên tắc trên 6 tháng được tính là một năm, dưới 6 tháng tính là nửa năm. Mức trợ cấp cao nhất là 300 triệu đồng/người và thấp nhất là 3 triệu đồng/người (do mới vào làm); mức trợ cấp bình quân là 60-70 triệu đồng/người.

Thực tế đang cho thấy, do đơn hàng liên tục giảm mạnh, không xác định sẽ kéo dài đến khi nào vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các công ty ngành dệt may và da giày phải đối mặt với việc buộc phải cắt giảm lao động. Một số doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa công ty 1-2 tháng qua vì không có việc. Đơn hàng sụt giảm là tình hình chung của ngành này. Các đơn hàng xuất sang Mỹ hầu như vẫn còn đóng băng, thị trường châu Âu thì vẫn chưa thông suốt trở lại như trước..

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sức mua trên toàn cầu và ngay cả tại Việt Nam. Các đơn hàng dệt may bị tạm dừng trong tháng 4 – 5 do nhiều nước cách ly xã hội thì đến giữa tháng 6 có hồi phục phần nào. Riêng phát triển đơn hàng mới thì rất hiếm. Một số sản phẩm truyền thống và cơ bản còn có thể phục hồi nhẹ nhưng các sản phẩm cao cấp, hàng veston… thì vẫn chưa có đơn hàng. Tình trạng doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc khoảng 10 – 15% hay lên đến 20% diễn ra khá nhiều.

Báo cáo trước đó của Vitas cho biết ước tính có khoảng 70% DN trong ngành đã giảm việc cho công nhân trong tháng 3 và đến 80% doanh nghiệp cắt giảm lao động trong tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt tình hình khó khăn càng bộc lộ rõ hơn từ cuối quý II/2020 nhưng dự báo sẽ càng cực kỳ khó trong quý III sắp tới.

Người đứng đầu Vitas phân tích dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang gia tăng lại số người lây nhiễm. Quá trình cách ly xã hội được thực hiện khiến thu nhập của người dân ngay cả nhiều nước lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu… đều giảm sút. Bên cạnh đó, nhu cầu ở nhà nhiều hơn ở các nước khiến hành vi tiêu dùng cũng thay đổi. Vì vậy người dân khắp nơi cũng chủ yếu mua nhu yếu phẩm nên việc tiêu thụ quần áo, giày dép giảm mạnh.

Tin mới lên