Công nghệ

Người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried bị bắt

(VNF) - Sam Bankman-Fried, người sáng lập sàn tiền số mới bị phá sản FTX, đã bị bắt vào tối 12/12 tại Bahamas sau khi bị các công tố viên Mỹ buộc tội hình sự.

Người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried bị bắt

Sam Bankman-Fried, người sáng lập sàn tiền số FTX, đã bị bắt tại Bahamas.

Theo CNBC, chính quyền Bahama đã bắt giữ ông Sam Bankman-Fried vào tối 12/12 (giờ địa phương), sau khi Toà án Quận phía Nam New York chia sẻ một bản cáo trạng với chính phủ Bahamas, tạo tiền đề cho việc dẫn độ và xét xử tại Mỹ đối với tỷ phú tiền điện tử nổi danh một thời về sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử từng lớn thứ 3 thế giới.

Ông Damian Williams, công tố viên của Toà án Quận phía Nam của New York, cho biết trên Twitter rằng chính phủ liên bang dự kiến ​​​​sẽ công bố bản cáo trạng vào sáng 13/12.

Việc bắt giữ ông Sam là động thái cụ thể đầu tiên của các cơ quan quản lý nhằm buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm về vụ phá sản của sàn FTX vào tháng trước.

Tổng chưởng lý Bahamas Ryan Pinder nói rằng Mỹ “có khả năng yêu cầu dẫn độ" đối với người sáng lập FTX. 

Trong một tuyên bố ngày 12/12, Thủ tướng Bahamas Philip Davis cho biết, “Bahamas và Mỹ có lợi ích chung trong việc quy trách nhiệm cho tất cả các cá nhân liên quan đến FTX, những người có thể đã phản bội lòng tin của công chúng và vi phạm pháp luật”.

“Trong khi Mỹ đang theo đuổi các cáo buộc hình sự đối với riêng ông chủ FTX, thì Bahamas sẽ tiếp tục các cuộc điều tra hình sự và pháp lý của riêng mình về sự sụp đổ của sàn tiền điện tử này, với sự hợp tác liên tục của các đối tác thực thi pháp luật và cơ quan quản lý ở Mỹ và các nơi khác”, trích tuyên bố của Thủ tướng Bahamas. 

Việc ông Bankman-Fried bị cơ quan thực thi pháp luật Bahamas bắt giữ, cũng như dự kiến ​​dẫn độ, cho thấy rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Bahamas và Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì trong suốt quá trình tố tụng vụ phá sản của FTX.

Trước đó, vào tháng 11, FTX và các chi nhánh của công ty tại Mỹ đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 và ông Bankman-Fried đã thôi giữ vai trò Giám đốc điều hành. Công ty giao dịch tiền điện tử đã sụp đổ một cách chớp nhoáng sau vài ngày nhà đầu tư liên tục rút tài sản khỏi các ví tiền, đồng thời không thể tìm được một "bàn tay cứu rỗi" nào sau khi tỷ phú Binance Zhang Pengchao từ chối mua lại.

Trong quá trình điều tra sau đó, các công tố viên phát hiện các chi tiết đáng ngờ về dòng tiền giữa FTX với quỹ phòng hộ tiền điện tử của ông Bankman-Fried, Alameda Research. Đồng thời, sàn tiền điện tử cũng dính nghi án chiếm dụng tiền gửi của khách hàng.

Trong một loạt các cuộc phỏng vấn và xuất hiện trước công chúng vào cuối tháng 11 và tháng 12, ông Bankman-Fried thừa nhận những thất bại trong quản lý rủi ro nhưng tìm cách tránh xa những cáo buộc gian lận, nói rằng ông không bao giờ cố ý "trộn lẫn" tiền của khách hàng trên FTX với tiền tại Alameda Research.

Sau khi từ chức tại FTX, ông Bankman-Fried được thay thế bởi ông John J. Ray III, người dự kiến ​​​​sẽ làm chứng trước Nghị viện Mỹ ngày 13/12.

Trong bản báo cáo chuẩn bị trước cho buổi trình diện trước Nghị viện của ông Ray do CNBC tiết lộ, giám đốc FTX hiện tại dự kiến sẽ đưa ra luận điểm cho rằng FTX đã “tiêu xài hoang phí” từ cuối năm 2021 đến năm 2022, khi khoảng “5 tỷ USD được chi để mua vô số doanh nghiệp và khoản đầu tư, nhiều trong số đó có thể chỉ đáng giá một phần nhỏ so với giá trị ban đầu".

CEO hiện tại của FTX cũng từng xác nhận các báo cáo trên phương tiện truyền thông rằng tiền của khách hàng FTX đã được trộn lẫn với tài sản từ Alameda Research, trái với lời khẳng định của ông Bankman-Fried.

Từ góc nhìn của các chuyên gia pháp lý, nếu chính phủ Mỹ theo đuổi các cáo buộc về gian lận chuyển tiền của FTX qua Alameda Research, ông Bankman-Fried có thể phải đối mặt với án tù chung thân.

Trước tin tức về việc ông Bankman-Fried bị bắt giữ, luật sư của ông là Mark Cohen, đã không trả lời các yêu cầu bình luận từ truyền thông.

Xem thêm >> 'Nạn nhân' được báo trước sau sự sụp đổ của FTX: BlockFi nộp đơn xin phá sản

Tin mới lên