Nguồn thu từ Uranium của Nga đang bị đe dọa dù giá tăng cao
(VNF) - Giá uranium đang tăng vọt trong bối cảnh các chính phủ nố lực đáp ứng các mục tiêu về khí hậu trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga có thể thúc đẩy Bắc Mỹ sản xuất thêm nhiên liệu quan trọng cho các nhà máy điện hạt nhân.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa uranium của Nga vào danh sách trừng phạt mở rộng sau khi Nga đưa quân tới Ukraine, nâng cao trách nhiệm của Mỹ để lấp đầy khoảng trống sau nhiều thập kỷ suy giảm sản xuất uranium trong nước.
Ông Leigh Curyer, Giám đốc điều hành của NexGen Energy - một công ty Canada khai thác khoáng sản ở Saskatchewan, cho biết Mỹ cần cắt giảm sự phụ thuộc vào khoáng sản của Nga.
“Để Mỹ thực sự chuyển đổi nguồn cung uranium từ Nga, nước này phải có quyền truy cập vào các nguồn an toàn từ đồng minh, trong và ngoài Mỹ”, ông Leigh cho hay.
Giá tăng mạnh
Trong 5 năm qua, giá uranium đã tăng 233%, cao hơn gấp đôi mức tăng của bạc (99%) và cao hơn gấp ba lần mức tăng của vàng (75%).
Ông John Ciampaglia, Giám đốc điều hành của Sprott Asset Management, công ty quản lý Sprott Physical Uranium Trust - quỹ uranium vật lý lớn nhất thế giới, cho biết: “Nhu cầu hoàn toàn không giảm bớt”.
“Nếu bạn đang vận hành một nhà máy điện hạt nhân, hầu như không có cái giá nào mà bạn không phải trả để đảm bảo có nhiên liệu vì bạn sẽ không tắt một cỗ máy trị giá 10 tỷ USD”, ông Ciampaglia cho hay.
Ông đã so sánh chu kỳ uranium hiện tại với cuộc khủng hoảng năng lượng vào những năm 1970, khi các chính phủ phương Tây quyết định rằng họ không muốn phụ thuộc vào Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)và bị thúc đẩy xây dựng hầu hết các nhà máy điện hạt nhân hiện đang hoạt động.
Ông tin rằng giá uranium hiện tại là mức tốt để đầu tư vào một công ty đang cố gắng khởi động lại hoạt động hiện có trước đó.
Ông nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, đó không phải là mức giá đủ để khuyến khích sản xuất tại mỏ mới. Chúng tôi nghĩ rằng giá uranium cần phải tăng cao hơn trong khoảng từ 120 đến 150 USD để thực sự thúc đẩy điều này”.
Ông lưu ý rằng trong hai thị trường tăng giá uranium gần đây nhất vào những năm 1970 và 2000, giá được điều chỉnh theo lạm phát đã đạt tương ứng khoảng 170 USD và 200 USD.
“Vì vậy, chúng tôi đã có tiền lệ về việc giá uranium rõ ràng có thể tăng gấp đôi kể từ hôm nay và chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra”, ông Ciampaglia nhận định.
Khoảng 150 triệu pound uranium sẽ được sản xuất trong năm nay, nhưng khoảng 440 lò phản ứng trên thế giới hiện đang hoạt động cần khoảng 180 triệu pound mỗi năm - nhu cầu sẽ còn tăng hơn nữa khi nhiều lò phản ứng được xây dựng ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng như các lò phản ứng hiện tại được kéo dài tuổi thọ có thể lên tới 20 năm.
Nguồn cung đến từ đâu?
Mỹ cần 50 triệu pound uranium mỗi năm nhưng trong quý I/2024, chỉ sản xuất được 82.533 pound từ các mỏ ở Wyoming, Texas và Nebraska, cho thấy sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung nước ngoài.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Nga đã cung cấp 12% uranium vào Mỹ vào năm 2022 cùng với các nguồn cung cấp khác đến từ Canada, cũng như Kazakhstan thông qua nhà điều hành quốc gia Kazatomprom.
Sau vụ tai nạn hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, nhiều quốc gia đã quay lưng lại với năng lượng hạt nhân trong một thập kỷ, khiến giá uranium sụt giảm và việc khai thác không còn khả thi về mặt kinh tế.
Theo ông Ciampaglia, cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng đó là cần có mức giá cao hơn để khuyến khích xây dựng các mỏ mới.
Một trong những công ty được khuyến khích là NexGen Energy, công ty đang trong giai đoạn cuối cùng trong quá trình phê duyệt cấp phép của liên bang cho Dự án Rook I ở lưu vực Athabasca giàu uranium của Saskatchewan và đặt mục tiêu cuối cùng là cung cấp gần 1/4 nhiên liệu hạt nhân của thế giới.
Chuyên gia Curyer của NexGen Energy cho biết: “Nếu không có các dự án mới, chỉ riêng việc khôi phục các mỏ hiện có sẽ không thể theo kịp nhu cầu và uranium của Nga sẽ trở lại bàn đàm phán”.
Nhân tố Nga
Đạo luật cấm nhập khẩu uranium của Nga mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật có thời hạn miễn trừ đến năm 2028 trong khi ngành công nghiệp trong nước được khôi phục lại.
Nó cho phép các công ty điện lực nhập khẩu từ Nga nếu không có nguồn thay thế khả thi hoặc nếu điều đó có lợi cho quốc gia.
Reuters đưa tin trong tháng này rằng nhiều công ty điện lực của Mỹ phụ thuộc vào uranium đã được làm giàu của Nga đến mức họ lo ngại lệnh cấm hoàn toàn có thể dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy điện.
“Các chủ nhà máy điện hạt nhân của Mỹ đã sử dụng uranium làm giàu giá rẻ của Nga trong nhiều thập kỷ, khi các mỏ của chúng tôi đóng cửa và chúng tôi mất khả năng làm giàu nhiên liệu của chính mình. Các công ty này cần biết rằng họ có thể đầu tư một cách an toàn vào việc xây dựng lại chuỗi cung ứng của chính nước Mỹ”, ông Mark Nelson, chuyên gia năng lượng hạt nhân của Radiant Energy Group, cho biết.
Cùng với đạo luật lưỡng đảng là việc chính quyền ông Biden cung cấp 2,7 tỷ USD viện trợ của chính phủ Mỹ để kích thích đầu tư vào chu trình nhiên liệu hạt nhân trong nước, bao gồm cả các cơ sở sản xuất, chuyển đổi và làm giàu uranium.
Điều này đã được hoan nghênh bởi Urenco, một tập đoàn nhiên liệu hạt nhân Anh-Đức-Hà Lan chuyên làm giàu uranium tự nhiên.
Người phát ngôn của Urenco cho hay kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ, họ đã đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiên liệu không phải của Nga "bằng cách công bố các khoản đầu tư để bổ sung các tầng máy ly tâm mới tại nhà máy hiện có ở New Mexico".
Tuy nhiên, thách thức lớn đối với Mỹ là chỉ có 3 lò phản ứng hạt nhân được hoàn thành ở đây trong 30 năm qua.
Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ về số lượng nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030 và đã hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng bằng cách dự trữ uranium để đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định từ đồng minh Nga và nước láng giềng Kazakhstan.
Tới 'xoa dịu' Trung Quốc, Đức vẫn chỉ trích một vấn đề liên quan đến Nga
Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.