Tài chính

Nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân: Tiết kiệm trên 10% thu nhập, tránh chi tiêu cảm tính

(VNF) - Theo khuyến nghị của chuyên gia hoạch định tài chính, tỷ lệ tiết kiệm trên tổng thu nhập có thể ở mức từ 10% đến 50%, trong đó thu nhập càng cao thì tỷ lệ tiết kiệm càng lớn. Đối với việc chi tiêu, bạn cần xem xét khoanh vùng các khoản chi phí cố định thường xuyên để không “vung tay quá trán”.

Nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân: Tiết kiệm trên 10% thu nhập, tránh chi tiêu cảm tính

Nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân: Tiết kiệm trên 10% thu nhập, tránh chi tiêu cảm tính

Trong thực tế, nhiều người Việt hiện nay chưa được trang bị kiến thức quản lý tài chính cá nhân một cách đầy đủ và bài bản như các nước tiên tiến. Thay vì quản lý tài chính cá nhân một cách khoa học, đa số chúng ta thường chi tiêu theo cảm tính, chẳng hạn như hôm nay mới lãnh lương có nhiều tiền sẽ tiết kiệm nhưng hôm sau khi nhìn thấy một bộ sưu tập trang phục mới phù hợp với bản thân sẽ rút khoản tiết kiệm đó để tặng cho mình một vài bộ đồ mới…

Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính trong tương lai của chúng ta, vậy đâu là biện pháp cách khắc phục? Trước hết, cần phải hiểu quản lý tài chính cá nhân là cách mà mỗi cá nhân sử dụng tiền để phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đáp ứng được các mục tiêu, dự định của bản thân trong tương lai, đồng thời cần phải có một quỹ dự phòng khi xảy ra các rủi ro bất ngờ, khẩn cấp.

Để quản lý tốt tài chính cá nhân, bạn cần “nằm lòng” 5 nguyên tắc sau đây:

Tiết kiệm trước, chi tiêu sau

Nhu cầu chi tiêu của mỗi người là không giới hạn. Do vậy để chắc chắn có các khoản tiền trong tương lai nhằm tích lũy tài sản thì bạn cần phải tiết kiệm ngay khi có thu nhập. Theo khuyến nghị của chuyên gia hoạch định tài chính, tỷ lệ tiết kiệm trên tổng thu nhập có thể ở mức từ 10% đến 50%, trong đó thu nhập càng cao thì tỷ lệ tiết kiệm càng lớn. Đối với việc chi tiêu, bạn cần xem xét khoanh vùng các khoản chi phí cố định thường xuyên để không “vung tay quá trán”.

Lập quỹ dự phòng

Cho đến nay, chúng ta nhất là những bạn trẻ thường không xây dựng quỹ dự phòng mà thay vào đó, họ thường sử dụng toàn bộ thu nhập của mình để chi tiêu và đầu tư. Tuy nhiên, cuộc sống luôn tồn tại những rủi ro đột xuất như các tình huống nghỉ việc, dịch bệnh, bệnh tật,… Do vậy, mỗi người cần phải duy trì một quỹ dự phòng để xử lý các chi phí phát sinh ổn thỏa, duy trì tài chính và giảm bớt các áp lực khi xảy ra các sự kiện không mong muốn.

Theo ý kiến của chuyên gia hoạch định tài chính, quỹ dự phòng nên có giá trị từ 3 đến 6 tháng chi tiêu thiết yếu, được trích trực tiếp từ khoản tiết kiệm. Về bản chất, quỹ này phải đáp ứng tính thanh khoản ngay lập tức, do vậy bạn có thể xem xét gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng đối với quỹ dự phòng này.

TS. Nguyễn Thị Như Quỳnh, Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. HCM, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT

Tránh lạm dụng vào thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng là loại thẻ cho phép chủ sở hữu được chi tiêu trước, trả tiền sau. Nghĩa là bạn cần hoàn trả lại số tiền sau một khoảng thời gian nhất định, nếu quá thời hạn quy định mà bạn chi trả không đủ số tiền thì sẽ bị tính lãi.

Hiện nay, việc chi tiêu và cà thẻ tín dụng là thói quen của nhiều bạn trẻ, điều này giúp chúng ta thuận lợi khi không cần mang theo tiền mặt và có thể nhận được một số ưu đãi từ ngân hàng phát hành thẻ như các hoạt động hoàn tiền – cashback, hay các chương trình ưu đãi giảm giá, miễn phí,… Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ tín dụng quá nhiều sẽ làm cho chúng ta trở nên khó khăn hơn trong quá trình hoàn trả, và khi đó, sau thời gian miễn lãi của ngân hàng, thay vì lựa chọn hoàn trả toàn bộ số dư thẻ tín dụng, chúng ta thường sẽ chi trả số dư tối thiểu. Điều này làm phát sinh chi phí lãi trên tổng số tiền đã sử dụng chứ không phải là số tiền còn thiếu hay hạn mức tín dụng. Thông thường, mức lãi suất này khá cao ở mức hai con số từ 20%-30%/năm tùy ngân hàng.

Do vậy, khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn chỉ nên chi những khoản cần thiết và thực hiện hoàn trả toàn bộ số tiền đã sử dụng trong thời gian miễn lãi để tránh các chi phí lãi phát sinh.

Quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ

Tham gia bảo hiểm nhân thọ là giải pháp phù hợp để duy trì nguồn tài chính trước các rủi ro như tai nạn, bệnh hiểm nghèo, ung thư, tử vong hay thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Bên cạnh đó, bảo hiểm nhân thọ còn hỗ trợ chi trả phí bảo hiểm kịp thời trong trường hợp người tham gia gặp phải biến cố. Khoản chi trả này giúp thay thế nguồn thu nhập bị tổn thất, đồng thời giúp những người ở lại nhanh chóng vượt qua mất mát và duy trì cuộc sống.

Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ người dân sở hữu bảo hiểm nhân thọ ở mức khá thấp chỉ khoảng 9%, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là trên 50%. Do vậy, việc bảo hiểm, nhất là bảo hiểm dành cho người trụ cột là hết sức cần thiết để bảo vệ gia đình và người thân trước các biến cố không mong muốn. Ngoài ra, phí bảo hiểm sẽ càng thấp khi bạn tham gia bảo hiểm càng sớm. Điều này nghĩa là bạn không nên trì hoãn việc mua bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.

Cần gia tăng đầu tư để cải thiện thu nhập

Hiện nay, thị trường có một số các kênh đầu tư phổ biến là tiết kiệm, vàng, bất động sản, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, cổ phiếu,… Tùy thuộc vào khả năng của bản thân và số tiền hiện có, bạn có thể tham gia lựa chọn một hay nhiều kênh đầu tư để gia tăng thu nhập với tỷ suất lợi nhuận cao, hướng đến mục tiêu gia tăng giá trị tài sản trong tương lai.

Tin mới lên