Tiêu điểm

Nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: ‘Phải dùng chữ thần kì để đánh giá quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua’

(VNF) – Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Phạm Quang Vinh, quan hệ Việt – Mỹ trong 25 năm qua đã có những bước tiến dài, vượt trên kì vọng. Đến nay, nhìn lại, phải dùng hai chữ “thần kì” để đánh giá về quan hệ hai nước.

Nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: ‘Phải dùng chữ thần kì để đánh giá quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua’

Ông Phạm Quang Vinh

LTS: Cách đây 25 năm, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao (11/7/1995 - 11/7/2020).

Đây là kết quả của một hành trình dài với những nỗ lực bền bỉ của cả hai bên, có ý nghĩa đặc biệt, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. 

Nhân kỉ niệm 25 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, VietnamFinance trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài viết nhằm: gợi nhắc các dấu ấn quan trọng trong tiến trình bình thường hóa, những đánh giá về quan hệ hai nước trong chặng đường một phần tư thế kỉ và dự báo triển vọng cho tương lai. 

Bài đầu tiên là cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2014 – 2018:

- Là bậc lão thành của ngành ngoại giao Việt Nam, trong đó có 4 năm làm đại sứ tại Mỹ, ông có thể chia sẻ một số đánh giá về mối quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua?

Nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Quan hệ Việt – Mỹ trong 25 năm qua phải nói là sự phát triển vượt trên kì vọng. Hai nước vốn là cựu thù trong chiến tranh, lại trải qua 20 năm cấm vận nhưng đã vượt lên trên tất cả để trở thành đối tác rồi đối tác toàn diện của nhau.

Quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995 có thể nói là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, đưa quan hệ 2 nước sang chương mới, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Nhìn một cách chi tiết, trong 25 năm qua, quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển vượt bậc trên tất cả các mặt. Về chính trị - ngoại giao, quan hệ hai nước ngày càng thắt chặt hơn khi liên tục có những chuyến thăm cấp cao.

Về phía Mỹ, 4 đời tổng thống Mỹ đều thăm Việt Nam gồm: Bill Clinton năm 2000, George W. Bush năm 2006, Barack Obama năm 2016 và Donald Trump năm 2017. Phía ta cũng có các chuyến thăm Mỹ của: cố Thủ tướng Phan Văn Khải 2005, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017…

Các chuyến thăm này đã tăng cường sự hiểu biết, tạo đà cho quan hệ, thông qua các tuyên bố để thiết lập các khuôn khổ mà trong đó quan trọng nhất là quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực, lâu dài giữa hai nước.

Chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm 2015

Về kinh tế, nếu năm 1994 Mỹ bỏ cấm vận cho ta, thương mại 2 chiều mới khoảng 500 triệu USD thì đến giờ đã trên 75 tỷ USD, gấp hơn 150 lần. Đó là con số lớn lắm và đà phát triển thương mại hai nước thời gian qua lên tới 19% – 20%.

Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam khoảng 11 tỷ USD, nằm trong Top 10 nền kinh tế hàng đầu vào Việt Nam. 2 nước tiếp tục có khuôn khổ hợp tác thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại. Việt Nam rất cần hàng chất lượng cao, khoa học công nghệ của Mỹ, ngược lại Mỹ rất cần hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá thành cạnh tranh như giày da, nông thủy sản của Việt Nam… Sự hợp tác thông thương hai bên cùng có lợi và hỗ trợ cho nhau.

Về an ninh quốc phòng, 25 năm qua đã chứng kiến những bước tiến lớn, phù hợp với lợi ích của hai bên. Ví dụ năm 2011, hai bên có bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, đến năm 2015 được nâng lên thành tuyên bố về tầm nhìn hợp tác quốc phòng hai nước. Bây giờ, hai nước thực hiện chương trình hành động về hợp tác quốc phòng trong vòng 3 năm (2018 -  2021), trong đó tâp trung nhiều lĩnh vực như: hợp tác về cứu hộ cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, quân y, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam một số tàu cảnh sát biển. Và không ai nghĩ rằng sau mấy chục năm chiến tranh, một tàu sân bay của Mỹ lại thăm cảng Đà Nẵng (năm 2018, tàu USS Carl Vinson) và mới đây là tàu USS Theodore Roosevelt.

Về văn hóa, giáo dục, có thể thấy Mỹ có nhiều dự án giúp đỡ Việt Nam về y tế, về chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việt Nam cũng hợp tác với Mỹ về giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân. Nếu nói con số thì tính ra hiện nay Việt Nam có gần 30.000 sinh viên theo học tại Mỹ, thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á tại Mỹ. Phía Mỹ cũng có 1 triệu người tới du lịch tại Việt Nam mỗi năm. Mỹ cũng có một trường đại học tại Việt Nam (Đại học Fulbright Việt Nam).

Câu chuyện hợp tác hai nước không chỉ dừng lại ở mức độ song phương mà còn mở rộng ra các vấn đề quốc tế. Ta thấy hai nước có hợp tác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Ví dụ trong khuôn khổ của diễn đàn an ninh ASEAN hay cấp cao Đông Á hai nước chia sẻ về sự ủng hộ vai trò của ASEAN, ủng hộ sáng kiến của ASEAN, xây dựng một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển, ủng hộ xây dựng cấu trúc ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trong câu chuyện Biển Đông cũng vậy, Mỹ cũng ủng hộ quan điểm chung của ASEAN, đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải ở Biển Đông, đảm bảo rằng các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Những câu chuyện nói trên khiến người ta nhìn vào quan hệ Việt Mỹ phải đánh giá bằng hai chữ “thần kì”.

- Thưa nguyên Thứ trưởng, ông bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ tại Mỹ vào năm 2014 – dưới thời đại của ông B. Obama và kéo dài tới năm 2018, dưới thời đại của ông D. Trump. Qua 2 đời tổng thống Mỹ, thuộc về 2 đảng khác nhau, ông nhận thấy người Mỹ nhìn nhận về Việt Nam như thế nào?

Người Mỹ ngày càng biết đến một nước Việt Nam mới, khác với trước đây chỉ biết đến Việt Nam là một cuộc chiến tranh.

Những năm qua, Việt Nam đổi mới và trở thành đất nước phát triển năng động, tích cực tham gia các công việc quốc tế. Việt Nam cũng đã trở thành một địa bàn thu hút đầu tư, đã hội nhâp sâu rộng, đóng vai trò quan trọng trong khu vực và quốc tế. Vì vậy, người Mỹ biết đến một Việt Nam đổi mới, phát triển năng động, một Việt Nam hiếu khách.

Qua 2 đời tổng thống, người Mỹ cũng cảm nhận rằng mối quan hệ Việt - Mỹ có rất nhiều dư địa dể phát triển thêm nữa. Họ coi trọng vai trò của Việt Nam và muốn thúc đẩy tiếp mối quan hệ này.

Và nếu nhìn lại 25  năm, có thể thấy quan hệ Việt – Mỹ đã xuyên qua các đời tổng thống khác nhau, như vậy quan hệ với Việt Nam nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng Cộng hòa – Dân chủ, dù đảng nào lên cầm quyền cũng tiếp nối đà phát triển mối quan hệ của 2 nước.

- Có những ý kiến cho rằng Việt Nam hiện nay nằm trong thế kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về thế kẹt này và Việt Nam cần ứng xứ như thế nào?

Trước hết, Mỹ và Trung là 2 nước rất quan trọng đối với Việt Nam và cả khu vực. Khi hai nước này cạnh tranh với nhau, đó sẽ là thách thức cho mọi nước. Trong ASEAN, ta cũng bàn nhiều cái này, mong muốn của ASEAN và Việt Nam là làm sao có mối quan hệ với cả 2 nước và không bị buộc chọn bên.

Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, các nước láng giềng hay nước lớn lớn đều là đối tác ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc vừa là nước lớn, vừa là láng giềng; Mỹ không chỉ là nước lớn mà còn là số 1 thế giới cho nên quan hệ hai bên là câu chuyện rất quan trọng. Cạnh tranh giữa họ đặt ra thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả thế giới.

Điểm thứ hai ta cần lưu ý là chính sách đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn, làm đối tác tin cậy với các nước. Thời gian qua, Việt Nam đã quan hệ tốt với cả 2 nước trên tất cả lĩnh vực. Đây là chuyện Việt Nam làm nhất quán và được các nước đánh giá cao.

Đối với những vấn đề nảy sinh thì việc xử lý phải dựa trên lợi ích quốc gia. Chúng ta lựa chọn cái gì đúng với luật pháp quốc tế, đúng với lợi ích quốc gia để xử lí. Có nhiều câu chuyện quan hệ Việt – Mỹ, Việt - Trung có khác biệt, ta phải chia sẻ. Ví dụ trong câu chuyện Biển Đông, Trung Quốc có những hành vi xâm phạm và chúng ta có những tuyên bố cần thiết.

Điểm thứ ba cần thấy là trong quan hệ với nước lớn, nếu Việt Nam càng phát triển thì càng có vị trí và được tôn trọng hơn. Trong những năm qua, khi ta giữ được đà phát triển kinh tế, ổn định về chính trị, tham gia sâu rộng hơn vào quốc tế, vị thế của ta đã được nâng cao, vai trò trong ASEAN và quốc tế trở nên quan trọng hơn. Những điều đó mang lại lợi thế để ta quan hệ được với các nước lớn.

- Ông có thể chia sẻ một số kỉ niệm đáng nhớ khi ông làm đại sứ tại Mỹ?

Kỉ niệm đáng nhớ có lẽ là lần tham gia thúc đẩy chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ và hội đàm với Tổng thống B. Obama tại Phòng bầu dục.

Ta biết 2 bên có khác biệt nhau về mặt lễ tân, về mặt thủ tục, quy định đón tiếp nhưng ta vận động để phía Mỹ ghi nhận rằng phải đón tiếp người đứng đầu của thể chế chính trị Việt Nam trong cuộc gặp với người đứng đầu thể chế chính trị Mỹ. Chính nhận thức này đã tạo nên một chuyến thăm có kết quả rất lớn.

Một câu chuyện khác là khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Khi đó, ông Trump là một người gây nhiều tranh cãi, điều đó khiến nhiều nước có phần e dè. Tuy nhiên, là đại sứ, tôi và anh em đã chủ động tiếp cận, có những bước đi rất tốt và được phía bạn hồi đáp lại. Và chỉ sau 1 tháng, ông Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trong cuộc điện đàm, hai bên đã khẳng định tục đà phát triển quan hệ hai nước. Đây chính là cơ sở để tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ và gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Chuyến viếng thăm này đã tạo ra sự kết nối và chuyển đổi từ giai đoạn Tổng thống B. Obama sang Tổng thống D. Trump.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên