Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã dành 1,1 triệu USD khuyến học như thế nào?

Hoàng Lan - 02/10/2018 11:42 (GMT+7)

(VNF) - Năm 1997, Tập đoàn LG của Hàn Quốc và Công ty Nomura của Nhật Bản đã gửi biếu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười 1,1 triệu USD. Toàn bộ số tiền này được ông giao lại cho các bộ/ngành, địa phương lo việc khuyến khích hoạt động giáo dục, đào tạo.

VNF
Sinh thời, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quan tâm đến sự  nghiệp giáo dục, đào tạo

Đêm ngày 1/10, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 101 tuổi.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quan tâm đến sự  nghiệp giáo dục, đào tạo. Biết được điều này, năm 1997, Tập đoàn LG đã gửi biếu ông 1 triệu USD và Công ty Nomura 100.000 USD để dùng khuyến học.

Ngày 18/3/1997, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi công văn tới Ban Khoa giáo Trung ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội Khuyến học Việt Nam; Tổng cục Bưu điện và Uỷ ban nhân dân TP.Hải Phòng, truyền đạt ý kiến của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc sử dụng 1,1 triệu USD nói trên.

Trong đó, nguyên Tổng Bí thư nêu rõ: “Số tiền 1 triệu USD (tương đương trên 11 tỷ đồng) của tập đoàn LG mà hiện nay Tổng cục Bưu điện đang giữ sẽ được chia đều làm 11 phần”.

“Chín phần chia cho 9 tỉnh của 3 vùng Trung, Nam, Bắc để xây dựng 9 trường tật học. Một phần góp vào Quỹ khen thưởng dành cho học sinh nghèo học giỏi”.

Một tỷ đồng còn lại, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười yêu cầu dùng để “xây dựng một trung tâm đào tạo giáo viên tật học tại Đại học sư phạm Đại học quốc gia Hà Nội”.

Khoản tiền 100.000 USD do công ty Nhật bản Nomura tặng được nhập vào Quỹ khen thưởng dành cho học sinh nghèo học giỏi.

“Như vậy, quỹ này có hơn 190.000 USD (tương đương trên 2 tỷ đồng Việt Nam). Uỷ nhiệm cho Tổng cục Bưu điện Việt Nam quản lý số tiền trên của Quỹ, dùng số tiền đó gửi vào quỹ tiết kiệm hoặc đóng cổ phần doanh nghiệp để hàng năm lấy lãi dùng cho việc khen thưởng học sinh nghèo học giỏi”, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đề nghị.

Nguyên Tổng Bí thư cho rằng, đối với một quốc gia, phát triển giáo dục phải đi trước phát triển kinh tế. “Con người được vũ trang bằng những tri thức hiện đại sẽ là động lực cơ bản của sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy giáo dục, đào tạo giữ vai trò cốt tử đối với mỗi quốc gia, phát triển giáo dục phải đi trước phát triển kinh tế. Cần giải quyết tốt vấn đề giáo viên, tăng cường đầu tư cho giáo dục, cải tiến cách dạy và học”, ông nói với báo chí trong dịp Tết năm 2013, khi ấy ông 97 tuổi.

Cùng chuyên mục
Tin khác