Nhà thơ Hữu Thỉnh kêu khổ, xin Thủ tướng ‘hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sĩ giai đoạn 2021 – 2025’

Tào Minh - 03/02/2019 16:17 (GMT+7)

(VNF) – Ông Nguyễn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, vừa kí văn bản “tổng kết đánh giá các hoạt động của các hội quần chúng” gửi Bộ Tài chính . Trong văn bản này, ông Hữu Thỉnh đã đề nghị Thủ tướng tiếp tục “hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sĩ giai đoạn 2021 – 2015”.

VNF
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam

Theo báo cáo của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, tổng số hội viên các hội chuyên ngành trung ương và địa phương là trên 40.000 người. Tuy nhiên biên chế hoạt động tại các cơ quan văn phòng hội là rất ít, ví dụ Liên hiệp chỉ có 30 biên chế, gồm 17 công chức biên chế chính thức và 13 cán bộ hợp đồng (vụ việc).

Vì có biên chế ít nên kinh phí của liên hiệp và 10 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương được cấp hàng năm. Ngoài ra Chính phủ cũng hỗ trợ cho sáng tạo nghệ thuật cho văn nghệ sĩ sáng tác theo chủ đề được Đảng và Nhà nước định hướng như: viết, sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến, về “học tập và làm theo tấm gương tư tưởng – đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức cho văn nghệ sĩ học tập chính trị, nâng cao nghiệp vụ; tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác, mở trại…

Ở các hội văn học nghệ thuật địa phương, kinh phí và biên chế do các tỉnh, thành phố hỗ trợ (theo đầu biên chế), Chính phủ cũng hỗ trợ một phần kinh phí sáng tạo.

Đánh giá về công tác hoạt động của các hội văn học nghệ thuật trong năm qua, ông Hữu Thỉnh cho hay nhìn chung các hoạt động văn học nghệ thuật những năm gần đây đều khó khăn, cả ở khu vực trung ương lẫn địa phương.

“Ngân sách nhà nước cấp cho văn học nghệ thuật là quá thấp. Cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, có bằng đại học (1, 2 bằng) gắn bó cả đời với văn học, nghệ thuật nhưng chưa được đối xử công bằng như công chức nhà nước.

“Nhiều văn nghệ sĩ còn gắn bó với văn nghệ xuất phát từ cái tâm, yêu nghề, vì trách nhiệm công dân – văn nghệ sĩ với nhân dân và đất nước… còn sự đãi ngộ: lương, nhuận bút, ưu đãi khác dành cho văn nghệ sĩ là không đủ sống”, ông Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Với tình hình như vậy, ông Hữu Thỉnh đề xuất với Bộ Chính trị: “Vai trò, vị trí của đội ngũ văn nghệ sĩ – trí thức là một lực lượng quan trọng trên mặt trận văn hóa – tư tưởng của Đảng. Nếu lực lượng này bị phá vỡ, để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo sẽ vô cùng bất lợi cho cả hệ thống chính trị. Do đó, cần xác định các hội văn học nghệ thuật là tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, do Đảng lãnh đạo và có sự hỗ trợ của Nhà nước… Quan điểm này cần phải được các cấp, các ngành nhận thức rõ và quán triệt nghị quyết của Đảng”.

Ông Hữu Thỉnh nhấn mạnh thêm: trong quá trình xây dựng “Luật về Hội”, các hội có Đảng đoàn cần có điều khoản riêng so với các loại hội khác để không phá vỡ “mắt xích” này trong hệ thống chính trị.

Đối với người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành trung ương và địa phương cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đặc biệt ông Hữu Thỉnh xin Thủ tướng tiếp tục hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sĩ giai đoạn 2021 – 2025 để khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ các chủ đề, đặc biệt là các đề tài phản ánh cuộc sống và con người Việt Nam trong quá trình đổi mới hội nhập hiện nay; đồng thời tăng cường nguồn lực vật chất cho các tổ chức hội.

Trước đó, trong lễ tổng kết hoạt động của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam sáng 9/1/2019, ông Hữu Thỉnh  cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến các khó khăn của Liên hiệp là đề án cải tiến phương thức hoạt động các hội văn học nghệ thuật của Bộ Nội vụ.

"Một đề án rất dày, công phu, nhưng tựu trung lại chỉ có mấy chữ thôi: tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải. Nghĩa là chúng ta sẽ không có biên chế, trụ sở, không được hỗ trợ nữa.

“Đề án đổi mới phương thức hoạt động mà chỉ tập trung vào mỗi vấn đề là xã hội hóa chứ không nói gì đến việc làm thế nào để phát huy tài năng của văn nghệ sĩ. Cả một giới tài năng thì không nói gì hết, chỉ nói cắt hỗ trợ. Thật gay go vô cùng", ông Thỉnh nói.

Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tâm sự với các anh em: "Không thể để cho giới văn học nghệ thuật của chúng ta tự trang trải được đâu. Bao thế hệ tài năng, hết lòng vì đất nước!"

Tuy nhiên, sau đó, ông Thỉnh vui mừng thông báo rằng các hội vẫn tiếp tục được nhà nước hỗ trợ. “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”, ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác