Tài chính

Nhìn lại TTCK quý I/2022: Loay hoay với mốc 1.500 điểm

(VNF) - Khả năng VN-Index bứt phá dứt khoát khỏi mốc 1.500 điểm phụ thuộc vào diễn biến cổ phiếu ngân hàng và nhóm Vingroup.

Nhìn lại TTCK quý I/2022: Loay hoay với mốc 1.500 điểm

Quý I/2022, chỉ số VN-Index dao động lình xình quanh mốc 1.500 điểm.

Lình xình quanh mốc 1.500 điểm

Thống kê cho thấy trong quý I/2022, VN-Index đã 6 lần vượt qua mốc 1.500 điểm nhưng cứ mỗi lần vượt qua không bao lâu lại mất mốc này.

Nhiều luồng quan điểm lý giải cho hiện tượng trên. Về vĩ mô, mặc dù nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang hồi phục khá tốt nhưng áp lực lạm phát đang ngày càng lớn, một số quốc gia đã thu hẹp chương trình nới lỏng tiền tệ, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), có thể khiến một luồng tiền không nhỏ chảy từ Việt Nam sang nước khác. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị do chiến sự Nga – Ukraine cũng khiến dòng vốn dè chừng trước những rủi ro khó có thể lường trước.

Tại Việt Nam, làn sóng đầu tư bất động sản ngày càng “nóng”, với kỳ vọng lớn được đặt vào chương trình kích thích kinh tế trong đó trọng tâm là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cũng đang thu hút nguồn tiền lớn trong xã hội, khiến dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán phần nào bị hạn chế hơn. Thêm vào đó, lãi suất tiết kiệm về cơ bản đã chạm đáy và sắp tới có thể đi lên do áp lực thanh khoản khi nhu cầu tín dụng phục hồi, điều này cũng tạo áp lực lên kênh đầu tư chứng khoán.

Dưới góc nhìn vi mô, cổ phiếu ngân hàng – nhóm ngành ảnh hưởng mạnh nhất đến chỉ số VN-Index – tiếp tục nối dài chuỗi ngày ảm đạm. Trong khi đó, “trụ cứng” của sàn HoSE là VIC giảm sâu sau thông tin thua lỗ, kéo theo VHM cũng suy giảm, trong khi bộ đôi này nằm trong Top 3 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, do đó tác động rất tiêu cực tới VN-Index. Ngược lại, các cổ phiếu như thép, vận tải thủy, dầu khí, phân bón, thủy sản… ghi nhận màn trình diễn khả quan nhưng giá trị vốn hóa đa phần lại thấp, ít tác động đến VN-Index và với các cổ phiếu nặng tính chu kỳ như vậy, rủi ro điều chỉnh sâu trong tương lai là rất đáng lưu ý.

Đáng chú ý, thị trường nhiều lần chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý xung quanh lùm xùm liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Kỳ vọng vào cổ phiếu ngân hàng

Sau quý I tương đối ảm đạm, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ thoát lình xình và vượt hẳn khỏi mốc 1.500 điểm trong quý II/2022. Nhưng cơ sở nào cho niềm tin này?

Trên góc độ vĩ mô, nền kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong quý II. Đây là nền tảng hỗ trợ tích cực nhưng nhìn chung, còn quá nhiều biến số vĩ mô khó đoán định ở thời điểm hiện tại. Do đó, đứng dưới góc độ vi mô có thể tìm được nhiều “manh mối” hơn về diễn biến VN-Index trong quý II.

Năm 2021, tổng lợi nhuận các ngân hàng niêm yết tăng tới trên 30% so với năm 2020. Tuy nhiên nửa cuối năm vừa qua là khoảng thời gian hết sức khó khăn với nền kinh tế khi phải đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ tư và ngành ngân hàng cũng không phải ngoại lệ. Do đó, mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng cả năm có đóng góp rất lớn bởi “màn trình diễn” khả quan trong nửa đầu năm, bù đắp cho sự ảm đạm hơn trong nửa cuối năm. Đây có lẽ cũng là lý do vì sao giá cổ phiếu ngân hàng tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2021 nhưng sang đến nửa cuối năm lại lình xình.

Sự phân hóa trên tạo ra 2 mức nền lợi nhuận khác nhau trong năm 2021: cao trong nửa đầu năm và thấp trong nửa cuối năm. Kéo theo đó, tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm 2022 nhiều khả năng sẽ kém khả quan hơn đáng kể so với tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2022 do mức nền so sánh khác nhau.

Đi sâu hơn vào mức nền quý I/2021, hai ngân hàng lớn là Vietcombank (HoSE: VCB) và VietinBank (HoSE: CTG) ghi nhận lợi nhuận ròng cao đột biến. Quý I cũng là quý ghi nhận lãi ròng cao nhất của các ngân hàng lớn như MB (HoSE: MBB), HDBank (HoSE: HDB) trong năm 2021. Ở nhiều ngân hàng lớn khác, lợi nhuận ròng quý I cũng chỉ thua quý II và cao hơn quý III cũng như quý IV.

Với một mức nền cao như quý I/2021, trong khi tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của đa số ngân hàng đã tạo đỉnh trong giai đoạn quý IV/2020 – quý II/2021, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2022 nhiều khả năng sẽ ở mức khiêm tốn. Diễn biến ảm đạm của giá cổ phiếu ngân hàng trong quý đầu năm nay dường như đã phản ánh điều này.

Bước sang quý II/2022, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng có thể cao hơn quý I, nhưng không dễ để bứt phá xét trên bình diện chung.

Nhìn lại, quý II là quý ghi nhận lợi nhuận ròng cao nhất trong 4 quý năm 2021 của nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Techcombank, VPBank và ACB. Ở chiều ngược lại, lợi nhuận ròng quý II năm ngoái của Vietcombank, VietinBank và MB khá thấp. Như vậy, nhiều khả năng chưa thể có sự đồng thuận giữa các ngân hàng trong tăng trưởng lợi nhuận quý II/2022 do một số ngân hàng lớn ghi nhận mức nền cùng kỳ năm ngoái cao, một số khác lại ghi nhận mức nền thấp.

Tựu trung, phải đợi đến quý III và quý IV, lợi nhuận của các ngân hàng mới đồng thuận tăng cao. Tuy nhiên, giá cổ phiếu ngân hàng rất có thể sẽ “chạy” trước khi kết quả khả quan được chính thức ghi nhận vào báo cáo tài chính. Đây là cơ sở để kỳ vọng dòng tiền sẽ trở lại cổ phiếu ngân hàng trong quý II năm nay.

Ngoài ra, việc cơ quan quản lý mạnh tay với hành vi thao túng giá cổ phiếu cũng có thể khiến dòng tiền chuyển hướng sang các cổ phiếu cơ bản, trong đó có cổ phiếu ngân hàng.

Chờ sự trở lại của nhóm Vingroup

Với nhóm Vingroup, trong quý I/2022, giá cổ phiếu VIC đã giảm 15%, kéo theo đó, VHM cũng giảm 11% dù mức định giá của cổ phiếu này đang ở mức rất “rẻ”.

Từ lâu, giới đầu tư đã ngầm hiểu rằng cổ phiếu của các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu đất nước, hoạt động theo mô hình holdings như VIC, MSN thì yếu tố chi phối giá không chỉ nằm ở kết quả kinh doanh mà còn phụ thuộc rất nhiều vào mức định giá của các công ty con.

Điểm thú vị là không phải công ty con nào cũng niêm yết và được định giá trên sàn chứng khoán. Nhiều trường hợp các công ty con chưa niêm yết được định giá rất cao bởi các nhà đầu tư tổ chức, nhờ đó, cổ phiếu của các công ty mẹ như VIC, MSN được tái định giá trên sàn chứng khoán. Gần đây nhất, công ty con CrownX của Masan gọi vốn rất thành công từ các nhà đầu tư tổ chức, song song, cổ phiếu MSN trên sàn tăng bằng lần.

Với Vingroup, tiềm năng tái định giá đang phụ thuộc vào các thương vụ gọi vốn cho VinFast sắp tới, bao gồm cả thương vụ IPO tại Mỹ với định giá có thể từ 25 tỷ USD đến 60 tỷ USD, theo kế hoạch sẽ thực hiện ngay trong năm nay. Hiện Vingroup đang sở hữu hơn 51% vốn điều lệ VinFast và giá trị vốn hóa trên sàn của Vingroup hiện chỉ ở mức khoảng hơn 13 tỷ USD.

Mặc dù cấu trúc các thương vụ bán vốn lớn rất phức tạp và diễn biến giá cổ phiếu khó lường nhưng việc đặt kỳ vọng vào sự “hồi sinh” của cổ phiếu VIC trong quý II không phải là không có cơ sở, nhất là khi xét trên nền tảng cơ bản là hoạt động kinh doanh, có thể lợi nhuận của Vingroup đã tạo đáy trong quý IV/2021 và sẽ sớm hồi phục.

Được biết, năm 2021, Vingroup đã lỗ 7.523 tỷ đồng do chi phí tăng mạnh, trong đó, 6.099 tỷ đồng là các chi phí liên quan đến Covid-19 (phần lớn là chi phí ủng hộ phòng, chống đại dịch, chi phí liên quan đến kit xét nghiệm, các loại thuốc điều trị Covid-19, máy thở, thiết bị y tế và các chi phí từ thiện khác); 4.060 tỷ đồng là các chi phí liên quan đến việc dừng sản xuất xe xăng; 1.737 tỷ đồng là các chi phí bất thường khác. Như vậy, chỉ riêng việc không ghi nhận các chi phí bất thường trên, nhất là chi phí liên quan đến dịch Covid-19 thì năm 2022, Vingroup nhiều khả năng sẽ đảo chiều lợi nhuận.

Quan trọng hơn, việc mở cửa trở lại gần như toàn bộ hoạt động kinh tế sẽ là cú hích lớn cho Vincom Retail và Vinpearl trong năm 2022, đồng thời là điều kiện thuận lợi để Vinhomes mở bán bất động sản một cách toàn diện hơn.

Nếu giá cổ phiếu VIC tăng mạnh, VHM có thể cũng theo gót, cộng với diễn biến thuận lợi của nhóm ngành ngân hàng, VN-Index có thể bứt phá khỏi mốc 1.500 điểm trong quý II/2022.

Tin mới lên