Những đại gia nào muốn ‘đặt chỗ’ tại dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ hơn 19.000 tỷ?
Lệ Chi -
09/08/2021 16:00 (GMT+7)
(VNF) - Dù đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, song dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ đã thu hút nhiều “ông lớn” trong và ngoài nước muốn được rót tiền để thực hiện.
Dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ có diện tích khoảng 1.763ha, bao gồm: trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu (984,24ha); diện tích mặt nước (455,77ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (197,65ha); diện tích mặt nước tiềm năng (125,34ha).
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng, trong đó chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và cảng hạ lưu có vị trí chiến lược trong tuyến hàng hải quốc tế, có thể đón tàu biển với tải trọng 200.000 - 250.000 DWT, là loại tàu biển đi tuyến biển xa lớn nhất hiện nay thường xuyên cập bến vào khu vực dự án.
Vào tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt kế hoạch thực hiện các thủ tục dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án này, dự kiến thời gian tổ chức đấu thầu vào quý III/2022.
Doanh nghiệp nội và ngoại “tranh nhau” xin đầu tư
Dù đang trong quá trình hoàn thành các thủ tục để đấu thầu tìm chủ, thế nhưng “siêu dự án” đang được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài săn đón.
Theo nguồn tin của VietnamFinance, Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Bỉ đã có nhiều công hàm gửi tới Thủ tướng đề nghị giao cho liên danh các nhà đầu tư EU - Việt Nam gồm Công ty Besix - Công ty IPEI (Bỉ) - Công ty Hateco (Việt Nam) - Công ty Boskalis (Hà Lan) là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ ngày 16/10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã chứng kiến biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Hateco Logistics và Công ty IPEI N.V về việc hợp tác nghiên cứu dự án này.
Tiếp đó, đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cũng có 2 công hàm về việc đề xuất hợp tác Việt Nam - Bỉ - Hà Lan đối với dự án.
Đến tháng 5/2019, đại sứ quán Vương quốc Bỉ đã có công hàm về việc Bỉ - Việt Nam hợp tác phát triển dự án trung tâm hậu cần Cái Mép Hạ.
Vào tháng 9/2020, đại sứ Hà Lan và đại sứ Bỉ tiếp tục có thư gửi Thủ tướng đề nghị được gặp để báo cáo đề xuất về tiến trình thực hiện dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ và đề nghị xem xét kiến nghị của nhà đầu tư EU-VN được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Cũng trong tháng 9 này, đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman, đại sứ Bỉ Paul Jansen cùng các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ý tưởng đầu tư xây dựng dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ.
Theo ý tưởng, dự án này trị giá 984 triệu USD, mục tiêu nhằm hướng tới phát triển Cái Mép Hạ trở thành trung tâm hàng đầu về dịch vụ vận tải, container và xuất khẩu nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long sang EU.
Trước đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn nước ngoài, nhất là EU kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của nhà đầu tư về dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề có liên quan.
“Ai làm chậm, tôi sẽ phê bình”, Thủ tướng lưu ý các bên trong thực hiện công việc.
Đáng chú ý, ngoài doanh nghiệp EU muốn đầu tư, một “ông lớn” trong nước cũng từng đề xuất đầu tư vào dự án này. Cụ thể, vào tháng 3/2019, Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền và Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại quốc tế (ITC CORP) đã làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về ý tưởng đầu tư.
Theo đề xuất, dự án dự kiến được đầu tư tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ có diện tích khoảng 1.168ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 30.616 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2025.
Dự án nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển, dịch vụ lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan, kho đông lạnh và kho khác, có công suất thiết kế thông qua khoảng 3 triệu Teus/năm.
Một điều đáng lưu ý, hồi tháng 9/2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ theo đúng quy định của pháp luật để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Đối với dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ, đây là dự án đã được giao chủ đầu tư - Công ty Cổ phần đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC). Do vậy, Phó thủ tướng đề nghị Geleximco chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ đầu tư để có thể liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác sử dụng cảng, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Trước động thái này, giới đầu tư đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với Geleximco, bởi đầu tư cho hạ tầng không phải là lĩnh vực dễ ăn xổi. Hơn nữa đây là một dự án có quy mô rất lớn.
Lãnh đạo Geleximco từng chia sẻ để giải bài toán giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, tập đoàn đã nghiên cứu rất kỹ và quyết định đầu tư vào dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ.
Vì là dự án lớn, Geleximco xác định phải thật thận trọng và tính toán chi tiết từng khâu, từ nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư, thực hiện đầu tư đến khai thác sao cho hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, dự án nằm trên nền đất bổi đắp của cửa Biển nên yếu và thấp, bởi vậy việc thi công sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất mọi thủ tục đầu tư và triển khai thi công trong thời gian sớm nhất”, đại diện Geleximco chia sẻ quyết tâm hoàn thành sứ mệnh rất khó này.
Còn nhớ, tại cuộc đối thoại của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi 2016, phát biểu của ông Vũ Văn Tiền về việc cần thiết có những giải pháp hạ chi phí logistic đã được diễn đàn đánh giá cao.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.