Những dự án kỳ vọng tạo đột phá cho hạ tầng giao thông

Quang Toàn - 13/02/2021 15:48 (GMT+7)

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ dồn nguồn lực để chuẩn bị đầu tư cho các công trình gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, sân bay Long Thành giai đoạn II...

VNF
Những dự án kỳ vọng tạo đột phá cho hạ tầng giao thông

Trong 5 năm tới, một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành giao thông chính là nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ; hoàn thành việc xây dựng đường Hồ Chí Minh và đưa vào khai thác sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn I. Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ tạo đột phát cho hạ tầng giao thông.

Những dự án tạo sự đột phá

Theo quy hoạch phát triển mạng cao tốc Việt Nam, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Hà Nội - Cần Thơ) có tổng chiều dài 1.799 km. Đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 356 km, đang triển khai đầu tư 784 km (bao gồm cả 654 km giai đoạn 2017 - 2020). Như vậy, để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần đầu tư khoảng 659 km còn lại.

Để đẩy nhanh dự án này, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về chuyển đổi phương thức đầu tư 2 dự án thành phần trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị trong ngành, đặc biệt là các Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành thủ tục để triển khai dự án.

Là một đơn vị được giao phụ trách dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn- Diễn Châu, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cho biết: "Đơn vị được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu hoàn thành việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh phù hợp với phương thức đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu trong tháng 1/2020; hoàn thành, trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán điều chỉnh trước ngày 20/3/2021, qua đó kịp tiến hành khởi công vào cuối tháng 6/2021 như mục tiêu mà Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu".

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật chia sẻ, cùng với việc hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư cho 3 dự án PPP thành phần là đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào đầu quý II/2021, Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 8 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 để có thể đưa vào khai thác trong năm 2022.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 có chiều dài 659 km, quy mô 4 làn xe đang được Bộ triển khai rất rốt ráo. Bộ Giao thông vận tải đã xác định dự án này là ưu tiên số 1 trong giai đoạn 2021 - 2025 để góp phần nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ. Đây sẽ là một trong những tuyến đường đóng vai trò động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế đất nước trong 5 - 10 năm tới.

Ngoài cao tốc Bắc - Nam, dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành cũng được kỳ vọng tạo sự bứt phá nhanh của ngành giao thông vận tải trong thời gian tới. Tại lễ khởi công dự án này đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất trên thế giới.

Đây cũng là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của đất nước, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh - tế xã hội, quốc phòng, an ninh. Đây cũng là dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá, sau khi đi vào hoạt động, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 - 5%.

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức triển khai dự án thành phần 3 theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng, không gây thất thoát, lãng phí, bảo toàn vốn nhà nước. Các chủ đầu tư dự án thành phần khác triển khai theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, hiệu quả đầu tư; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, chất lượng công trình theo thiết kế, đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác trong năm 2025 theo đúng kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, dự án này đã giải phóng mặt bằng được 1.810ha. Trong 5 năm tới, quá trình triển khai dự án chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan, chúng tôi tin rằng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Ngoài hai dự án trên, việc hoàn thành 2.744 km đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó đến mũi Cà Mau cũng sẽ là ưu tiên của Bộ Giao thông vận tải trong 5 năm tới. Hiện dự án mới hoàn thành 2.218 km/2.744 km, đạt 80,8% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 237 km; còn lại khoảng 289 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh hoàn thành đưa vào khai thác đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ Quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông thông suốt khi Quốc lộ 1 bị ách tắc trong mưa lũ… Tuy nhiên, hiện nay, do chưa thông toàn bộ tuyến nên năng lực vận tải của tuyến đường phần nào bị hạn chế.

Bộ Giao thông vận tải cho rằng, để phát huy hơn nữa về hiệu quả trên tất cả các mặt của đường Hồ Chí Minh, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc khai thác sử dụng, đồng thời đề xuất các giải pháp tổng thể và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để hoàn thành các mục tiêu đề ra hoàn thành toàn bộ tuyến đường này trong thời gian tới.

Huy động các nguồn lực đầu tư

PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư các công trình đường bộ Việt Nam (VARSI) bình luận, việc đề ra các dự án trọng điểm; trong đó, có cao tốc Bắc - Nam để đặt mục tiêu hoàn thành sớm là hoàn toàn phù hợp. Bởi nếu không ưu tiên dồn nguồn lực để đầu tư dứt điểm tuyến cao tốc Bắc - Nam và một số tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế lớn với các cảng biển, cảng hàng không sẽ dẫn tới nguy cơ dàn trải, không phát huy hiệu quả đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, do khó khăn về nguồn lực đầu tư, khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, Bộ Giao thông vận tải đã xác định rõ những dự án tạo ra đột phá, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia để ưu tiên đầu tư.

Xét trên các hành lang vận tải, hành lang Bắc - Nam kết nối thủ đô Hà Nội và TP. HCM, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm được xác định là hành lang vận tải quan trọng nhất, rất cần thiết phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, việc triển khai đúng tiến độ sân bay Long Thành giai đoạn I và hoàn thành 2.744 km đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó đến mũi Cà Mau sẽ là ưu tiên hàng đầu của Bộ Giao thông vận tải trong việc bố trí nguồn lực.

Cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải sẽ dồn nguồn lực để chuẩn bị đầu tư cho các công trình đột phá kỳ trung hạn 2026 - 2030, gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, sân bay Long Thành giai đoạn II và đường cất hạ cánh số 3, nhà ga T3 sân bay Nội Bài.

Với mục tiêu đầu tư nêu trên, giai đoạn 2021 - 2025, sơ bộ tính toán nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu khoảng 759.000 tỷ đồng; trong đó cân đối từ ngân sách khoảng 462.000 tỷ đồng, huy động vốn ngoài ngân sách khoảng 297.000 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét giãn tiến độ một số mục tiêu chưa thật sự cấp bách. Một trong những định hướng mới trong thời gian tới là không dồn sức mở rộng quốc lộ hiện hữu (do chi phí đền bù rất cao, thường tạo điểm nóng gây bức xúc cho người dân và xã hội) mà tập trung xây dựng các tuyến đường song hành.

Để huy động vốn cho các dự án trọng điểm, Bộ Giao thông vận tải sẽ cân nhắc dùng vốn ngân sách dự kiến bố trí cho kế hoạch 2021 - 2025 để đầu tư dứt điểm, sau đó sẽ tiến hành bán quyền thu phí hoặc tự tổ chức thu phí để thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc xã hội hóa đầu tư vẫn sẽ là ưu tiên số một, nhất là khi Luật PPP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

goài các chính sách mới về PPP vừa được ban hành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT trước đây sẽ có tác động tích cực, tạo niềm tin, môi trường thuận lợi để tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới…

Theo Bnews
Cùng chuyên mục
Tin khác