Bất động sản

Những tập đoàn địa ốc tăng vốn bí ẩn

(VNF) - Từ những doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn, chỉ trong ít năm, Phúc Sơn Group, Sunshine Group, MIK Group đã tăng vốn thần tốc để trở thành những ông lớn trên thị trường bất động sản với hàng loạt dự án nghìn tỷ.

Những tập đoàn địa ốc tăng vốn bí ẩn

Sunshine Group tăng vốn thần tốc nhờ cổ đông bí ẩn

Tập đoàn Phúc Sơn: 5 năm tăng vốn gấp 15 lần

Trong số các tập đoàn tăng vốn bí ẩn trên thị trường địa ốc, Tập đoàn Phúc Sơn có thể coi là trường hợp điển hình nhất. Thành lập năm 2009 bởi ông Nguyễn Văn Hậu (một doanh nhân trẻ sinh năm 1981), Tập đoàn Phúc Sơn có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn – một đơn vị chuyên về xây dựng và kinh doanh bất động sản tại Vĩnh Phúc.

Tại thời điểm năm 2010, Tập đoàn Phúc Sơn có vốn điều lệ 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2015, công ty đã tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng (tăng gấp 11,5 lần) chỉ sau 2 đợt tăng vốn. Đến tháng 2/2017, vốn điều lệ của Phúc Sơn tiếp tục tăng lên 2.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, Tập đoàn Phúc Sơn đã tăng vốn gấp 15 lần.

 Đại gia tỉnh lẻ rót 10.000 tỷ vào Khu Trung tâm đô thị thương mại- dịch vụ- tài chính-du lịch Nha Trang

Giai đoạn tăng vốn thần tốc này cũng là thời kì Phúc Sơn liên tục "bành trướng" các hoạt động kinh doanh bất động sản của mình. Hiện Phúc Sơn đang là chủ đầu tư của hàng loạt dự án nghìn tỷ như: Khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô 130 ha; Khu nhà ở cho người có thu thập nhấp 15 tầng tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; và Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ rộng 149 ha.

Ngoài ra, Phúc Sơn cũng rót tới 10.000 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Khu Trung tâm đô thị thương mại- dịch vụ- tài chính-du lịch Nha Trang có quy mô diện tích hơn 62 ha. Mới đây, Tập đoàn này cũng vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị Phúc Khánh 1 và Phúc Khánh 2 với quy mô lần lượt là 12,6ha và 49,1ha. Tổng mức đầu tư của 2 dự án trên 1.000 tỷ đồng.

Sunshine Group: Tăng vốn siêu tốc nhờ cổ đông bí ẩn

Tương tự như Tập đoàn Phúc Sơn, Sunshine Group cũng là một trường hợp tăng vốn thần tốc. Chỉ hơn 1 năm kể từ ngày thành lập, tập đoàn này đã tăng vốn một mạch từ 300 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng đồng thời thâu tóm, triển khai một loạt dự án lớn khiến thị trường xôn xao.

Cụ thể, tại thời điểm thành lập - ngày 13/4/2016, vốn điều lệ của Sunshine Group là 300 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông cá nhân là ông Đỗ Anh Tuấn, ông Đinh Hữu Thảnh và bà Đỗ Thị Định, trong đó ông Tuấn sở hữu 96%.

Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau đó, Sunshine Group bất ngờ tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần). Lúc này tỷ lệ sở hữu của ông Đỗ Anh Tuấn giảm xuống chỉ còn 20%. Bước sang năm 2017, vốn điều lệ của Sunshine Group tiếp tục tăng lên nhanh chóng, đến nay đã chạm mốc 3.000 tỷ đồng; trong đó, ông Tuấn vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 20% (tương đương 600 tỷ đồng).

2.400 tỷ đồng còn lại được ai "bơm" vào Sunshine Group đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Đáng chú ý, Sunshine Group không có cổ đông nhà nước và cổ đông nước ngoài.

Sunshine Group triển khai một loạt dự án lớn khiến thị trường xôn xao

Kể từ khi xuất hiện trên thị trường đến nay, Sunshine Group đã không ngừng khuếch trương thế lực. Từ việc mua lại dự án Mai Trang Tower (đổi tên là Sunshine Center) vào năm 2016, đến thời điểm hiện tại Sunshine Group đã có tổng cộng 6 dự án nhà ở tại Hà Nội gồm: Sunshine Garden, Sunshine Palace, Sunshine Center, Sunshine Boulevard, Sunshine Riverside và Sunshine City.

Mới đây, Sunshine Group còn cho biết đang lên kế hoạch phát triển 5.000 căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2, có vị trí cách trung tâm Hồ Gươm khoảng 10km. Tập đoàn cũng đang xúc tiến đầu tư vào một dự án cao ốc 36 tầng ở Thủ Thiêm, với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng.

MIK Group: Vốn tăng gấp 7 lần

Một trường hợp khác cũng có quá trình tăng vốn thần tốc là Công ty Cổ phần Tập đoàn MIK Group Việt Nam (MIK Group).

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), MIK Group được thành lập ngày 2/6/2014 do ông Vũ Tiến Đức làm Chủ tịch HĐQT.

Dù chỉ mới xuất hiện, nhưng trong vòng 3 năm qua, MIK Group đã "lớn nhanh như thổi" khi là chủ đầu tư (hoặc nhà phát triển) của một loạt dự án có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: Imperia Garden, Imperia Sky Garden (tại Hà Nội), Imperia An Phú, The Ascott Waterfront Saigon, The Park Residence, Villa Park, Park Riverside, River Park (tại TP. HCM) hay Crowne Plaza Phú Quốc Starbay, Mövenpick Resort Phú Quốc…

Dự án Imperia Garden một trong những dự án thu hút của Tập đoàn MIK Group

Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của MIK Group đã có sự thay đổi đáng kể từ khi thành lập đến nay. Tại thời điểm thành lập, MIK Group chỉ có 2 cổ đông với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, MIK Group đã tăng vốn điều lệ lên gấp 7 lần – đạt 2.000 tỷ đồng do các cổ đông sau nắm giữ: Công ty TNHH Quản lý đầu tư Thiên An (416 tỷ đồng – 20,8%), Công ty TNHH Đầu tư thương mại Trường Thịnh Phát (552 tỷ đồng – 27,6%), Công ty TNHH Đầu tư bất động sản An Thịnh Lộc (629,8 tỷ đồng – 31,49%), Nguyễn Quang Hưng (207,2 tỷ đồng – 10,36%), Nguyễn Thu Minh (95 tỷ đồng – 4,75%) và Nguyễn Thái Dũng (100 tỷ đồng – 5%).

Được biết, mới đây, MIK Group đã tham gia vào Liên danh với Tổng công ty Licogi để đăng kí đầu tư vào các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội. Việc tham gia đầu tư tuyến đường sắt của MIK Group được cho là nhằm hướng tới quỹ đất khổng lồ (6.000 ha) mà thành phố Hà Nội dự tính dùng để thanh toán cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án này.

Ngoài các tập đoàn tăng vốn thần tốc và bí ẩn như trên, thị trường bất động sản cũng ghi nhận một số trường hợp tăng vốn siêu tốc khác. Chẳng hạn như Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức – tăng từ 20 tỷ đồng (2/2016) lên 1.939 tỷ đồng (tháng 3/2017). Số vốn tăng thêm này được ông Lý Trường An (một doanh nhân trẻ sinh năm 1988 tại An Giang) rót vào. Gia Đức sau đó đã bị Novaland mua lại, trong một động thái nhằm hướng tới thâu tóm toàn bộ dự án The Sunrise Bay tại Đà Nẵng.

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát. Thành lập từ cuối năm 2003 với số điều lệ vẻn vẹn 8 tỷ đồng, Hải Phát đã tăng vốn lên 15 tỷ đồng vào năm 2007 rồi 300 tỷ đồng (vào năm 2008). Năm 2011, Hải Phát tiếp tục tăng vốn lên 750 tỷ đồng, thành lập hàng loạt công ty con và triển khai nhiều dự án bất động sản cỡ lớn. Đến nay, Hải Phát được đánh giá là một thế lực đang lên trên thị trường khi cùng lúc xây dựng nhiều dự án quy mô như Roman Plaza, CT2-105 vv…

Tin mới lên