Những vùng đất lấn biển nổi tiếng thế giới: Palm Jumeirah, Marina Bay Sands...

Khánh Tú - 07/11/2023 13:09 (GMT+7)

(VNF) - Đối với nhiều quốc gia, chiến lược lấn biển là nhằm để mở rộng diện tích, khai thác tối đa thế mạnh của các vùng ven biển, từ đó phát triển kinh tế trong nước. Nhiều khu đô thị, siêu đô thị, hòn đảo nhân tạo,… được hình thành từ việc lấn biển đã trở thành biểu tượng của các quốc gia. Tuy nhiên, việc lấn biển phát triển đô thị luôn được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

VNF
Nhiều quốc gia lựa chọn lấn biển để phát triển kinh tế.

Những vùng đất được tạo nên nhờ lấn biển

Nhắc đến Dubai, nhiều người thường nghĩ ngay đến hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới Palm Jumeirah. Palm Jumeirah là công trình lấn biển nổi tiếng của Dubai và được khởi công xây dựng vào năm 2001 bởi Nakheel Properties, công ty bất động sản hiện thuộc sở hữu của chính phủ Dubai.

Sau 7 năm xây dựng cùng số vốn lên tới 12,3 tỷ USD, Palm Jumeirah trở thành nơi vui chơi, nghỉ dưỡng thu hút lượng lớn khách du lịch và người dân đến đây. Nơi đây quy tụ nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất của Dubai như Atlantis The Palm, Jumeirah Zabeel Saray,…

Bên cạnh Palm Jumeirah, Dubai còn sở hữu quần đảo nhân tạo The World. The World được tạo ra từ 300 hòn đảo nhân tạo lớn nhỏ khác nhau. Các đảo nhân tạo được tạo ra bằng cách nạo vét cát từ vùng vịnh và vận chuyển đến địa điểm được chỉ định, với hàng triệu tấn đá được sử dụng trong quá trình xây dựng.

Palm Jumeirah và The World nhìn trên bản đồ.

Mặc dù việc xây dựng The World được bắt đầu từ năm 2003 nhưng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, công trình thế kỷ này đã bị gián đoạn. Dubai ước tính đã chi gần 15 tỷ USD cho công trình này nhưng mới chỉ có một trong số 300 hòn đảo được hoàn thiện. Tuy nhiên, chính quyền Dubai vẫn đang rất tham vọng và lên kế hoạch khởi động lại dự án này trong thời gian tới.

Đối với Dubai, mỗi mét vuông bờ biển là mỗi khối vàng và việc lấn biển, xây dựng các hòn đảo nhân tạo là một trong những chiến lược kinh tế, giúp quốc gia này đa dạng hóa nền kinh tế và có thể trụ vững trước những biến động khó lường của “vàng đen”.

Người Hà Lan có câu nói “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”, phần nào thể hiện sự tự hào về lịch sử đắp đê lấn biển lâu đời của mình. Với 26% diện tích quốc gia nằm dưới mực nước biển, Hà Lan đã nghĩ đến phương pháp “đất lấn biển”, xây đê chắn biển rồi khi nước rút khỏi sẽ tạo ra những vùng đất mới.

Lãnh thổ Hà Lan liên tục thay đổi nhờ lấn biển.

Chính vì thế, lãnh thổ của Hà Lan liên tục được mở rộng. Thậm chí, không có lãnh thổ quốc gia nào liên tục thay đổi hình dạng như Hà Lan. Zeeland, một tỉnh cực tây của Hà Lan, cũng được tạo thành từ đất biển.

Singapore cũng mở mang lãnh thổ của mình bằng cách lấn biển. Diện tích của Singapore đã tăng từ 581,5km2 vào những năm 1960 lên 697,35km2 vào năm 2017 và có thể sẽ tăng thêm 100 km2 vào năm 2030.

Khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands nổi tiếng của Singapore cũng được xây dựng nhờ lấn biển. Nơi đây là tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp với casino, trở thành điểm thu hút du lịch của Singapore.

Các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Ấn Độ cũng thực hiện lấn biển để mở rộng và phát triển cảng biển. Điển hình là Trung Quốc với diện tích lấn biển 400 km2 ở vùng cửa sông Dương Tử hay 365 km2 ở cảng Thiên Tân.

Quy định về hoạt động lấn biển của các quốc gia

Mặc dù việc lấn biển có thể mang về nhiều lợi ích nhưng các quốc gia trên thế giới đều có quy định, quản lý chặt chẽ hoạt động lấn biển. Hầu hết các quốc gia đều cho rằng hoạt động lấn biển phải được thực hiện bài bản, có quy chuẩn để tránh những tác động không đáng có đến hệ sinh thái biển.

Singapore cũng là quốc gia có diện tích lấn biển lớn.

Tại Hàn Quốc, để có thể lấn biển, các đơn vị có liên quan phải lên kế hoạch mô tả chi tiết về dự án, xin ý kiến trước của chính quyền. Kế hoạch lấn biển cũng phải được lập trước trong thời hạn 5 năm.

Một số quốc gia đã ban hành luật để quy định chi tiết về quản lý hoạt động lấn biển như Hà Lan đã ban hành Luật Đê, đập và lấn biển từ năm 1904, Australia ban hành Luật cải tạo đất từ năm 1930 hay một số nước không ban hành luật riêng nhưng có quy định về lấn biển là một phần trong các luật khác như Nam Phi quy định trong Luật Quản lý tổng hợp vùng bờ. Trung Quốc cũng đưa ra quy định về quản lý hoạt động lấn biển từ năm 2011.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.