Bất động sản

'Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn chưa hồi phục'

(VNF) - Theo TS Trần Đình Thiên, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, do đó cần tiếp tục nhận diện tình huống khó khăn, tình thế bất thường để có cách tiếp cận, các giải pháp "khác thường".

'Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn chưa hồi phục'

TS Trần Đình Thiên: "Có ai sử dụng công cụ tài khoá một cách cực mạnh để đảm bảo cho người nghèo vay mua bất động sản hay không?"

PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, giai đoạn tới cần tập trung cho việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên khu vực doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết các vướng mắc hiện nay, nhà nước cần tung ra những hỗ trợ mạnh hơn để vực dậy thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển thị trường này, cả về phía cung lẫn cầu thì nên có những quỹ bảo lãnh cho vay. Bộ Tài chính cần có các biện pháp để bảo đảm an toàn và giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, ông Thiên cho rằng, muốn cải thiện yếu tố thị trường thì những giải pháp liên quan đến thu nhập phải được thay đổi. Hiện nay, chương trình phục hồi và các giải pháp hướng đến dân cư rất ít.

“Phân khúc nhà ở giá thấp mà chúng ta kỳ vọng không biết bao lâu nữa mới chuyển động được. Có ai sử dụng công cụ tài khoá một cách cực mạnh để đảm bảo cho người nghèo vay mua bất động sản hay không?”, ông Thiên đặt vấn đề.

Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, tuy nhiên, theo ông Thiên, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục, do đó cần tiếp tục nhận diện tình huống khó khăn, tình thế bất thường để có cách tiếp cận, các giải pháp "khác thường".

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết trong giai đoạn 2022-2023, lượng giao dịch bất động sản đã giảm đến 90%, cho thấy tình trạng sức cầu của thị trường yếu kém. Bên cạnh vấn đề khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ, còn tồn tại một vài vấn đề như thiếu cơ chế và sự quyết tâm của nhiều địa phương, dẫn đến tình trạng nhiều dự án vẫn chưa được gỡ khó, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ông Đính, những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong việc ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn trên thị trường bất động sản đã có tác động tích cực tới thị trường. Theo đó, trong quý I/2023, đã có gần 3.000 sản phẩm giao dịch và trong quý II, con số này đã tăng 30%. Đến nay nay, niềm tin từ các nhà đầu tư cũng dần được phục hồi, nhiều dự án mới bắt đầu mở bán trên thị trường, dẫn đến việc gia tăng số lượng giao dịch bất động sản.

Tuy vậy, việc cải thiện nguồn cung nhà ở mới và sự ổn định của tâm lý của người mua vẫn đang diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian để hoàn thiện các dự án mới. Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần ổn định hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những người đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư trước đây.

Ông Đính cho rằng thời gian sắp tới, địa phương nào nắm giữ lợi thế về quỹ đất, hạ tầng, chính sách đầu tư, địa phương đó sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt, thị trường bất động sản cũng có khả năng hồi phục sớm.

“Thời gian qua tình trạng chờ đợi, trầm lắng đang tồn tại. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao”, ông Đính nói.

Tin mới lên