Nikkei: Sumitomo cùng 2 tổ chức đã chi 37 triệu USD để mua 10% vốn tại Gemadept

Minh An - 08/07/2019 16:14 (GMT+7)

(VNF) - Theo Nikkei Aisa, tập đoàn Sumitomo cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản đã chi khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE:GMD).

VNF
Theo Nikkei Aisa, tập đoàn Sumitomo cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản đã chi khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Công ty Cổ phần Gemadept .

Theo Nikkei Asia, động thái này của Sumitomo nhằm nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ logistics nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ  và Trung Quốc kéo dài.

Nikkei Asia cho biết Việt Nam là thị trường đầy triển vọng với nhu cầu vận chuyển bằng container tăng 7% mỗi năm. Khoảng 14 triệu container hàng hóa được vận chuyển mỗi năm. Với tốc độ tăng trưởng 7%, con số dự kiến sẽ đạt 23 triệu container vào năm 2025.

Sumitomo muốn xây dựng mạng lưới hậu cần kết nối các nhà máy với các cảng biển ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa được sản xuất trong nước, tận dụng cơ hội từ làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc vì chiến tranh thương mại.

Hôm 2/7, Công ty TNHH SSJ Consulting (Việt Nam) đã đăng ký mua gần 29,7 triệu cổ phiếu GMD, tương ứng tỷ lệ 10% vốn. Giao dịch dự kiến được thực hiện trong thời gian từ 5/7 đến 2/8/2019 theo phương thức thỏa thuận. Trước đó, SSJ Consulting không sở hữu cổ phiếu GMD nào.

Công ty TNHH SSJ Consulting Việt Nam được cấp phép từ 6/6/2019, có trụ sở tại phòng 3Cowork05, tầng 16, Saigon Tower, số 29 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.  Cơ cấu cổ đông của  SSJ Consulting  hiện nay bao gồm Sumitomo (51% vốn), Japan Overseas Infrastructure Investment (46% vốn) và Suzuyo (3% vốn).

Người nội bộ có liên quan, ông Tsuyoshi Kato hiện là thành viên HĐQT của Gemadept đồng thời là nhân sự tại công ty mẹ của SSJ Consulting Việt Nam.

Gemadept sở hữu 6 cảng tại Việt Nam, xử lý 1,7 triệu container và chiếm hơn 10% thị phần. Trong khi đó, Sumitomo vận hành 3 khu công nghiệp ở ngoại ô Hà Nội và sở hữu một công ty hậu cần tại Việt Nam.

Theo kế hoạch hợp tác, các nhà máy, công ty hậu cần và cảng sẽ chịu sự quản lý của Sumitomo, điều này cho phép gia tăng hiệu quả và giảm chi phí.

Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép các tài xế theo dõi quá trình bốc hàng tại cảng và xử lý các thủ tục giấy tờ trực tuyến.

Tại cảng Hải Phòng, cơ sở gần nhất với Hà Nội, các tài xế thường phải chờ 1-2 giờ để hàng hóa được chất lên tàu. Ứng dụng của Sumitomo đã rút ngắn thời gian chờ đợi xuống còn trung bình 12 phút tại Nhật Bản. Sumitomo có kế hoạch áp dụng quy trình này tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác