Tài chính quốc tế

'Nỗi đau' nước Nga đe doạ vị thế ông Putin trước cuộc bầu cử Tổng thống

(VNF) - Giá cả hàng hóa tăng nhanh đang trở thành mối lo ngại đối với chính phủ Nga trong bối cảnh cuộc sống của người dân nơi đây đang chịu nhiều tác động từ chiến dịch Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

'Nỗi đau' nước Nga đe doạ vị thế ông Putin trước cuộc bầu cử Tổng thống

Điện Kremlin đang phải đối đầu với nỗi đau mang tên lạm phát.

Lạm phát tăng cao, Nga hứng “đòn đau”

Lạm phát ở phương Tây đã đi qua đỉnh điểm. Thế nhưng ở Nga, dường như mọi chuyện mới chỉ bắt đầu. Giá cả tăng mạnh trong những ngày qua khiến điện Kremlin khốn đốn, báo hiệu đã đến lúc Nga phải hứng chịu thêm nhiều hậu quả “đau đớn” sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tờ WSJ nhận định.

Theo dữ liệu của chính phủ, trong tháng 8 vừa qua, giá trái cây và rau quả đã cao hơn 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá thịt gà tăng khoảng 15% và giá trứng tăng 12%. Du lịch nước ngoài đắt hơn gần 40% khi đồng rúp mất giá mạnh trong năm nay.

Giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt tại Nga.

Giá thực phẩm và các mặt hàng hóa cơ bản khác đã tăng nhanh trong thời gian qua, buộc một số người dân Nga phải hủy bỏ kỳ nghỉ ở nước ngoài. Vào đầu năm học mới, các bậc phụ huynh phải đối mặt với sự tăng vọt của giá đồng phục khi một số nhà máy sản xuất quần áo chuyển sang may phục trang cho quân đội.

Số tiền để mua đồng phục học sinh và quần áo cho trẻ em ở Nga đã tăng từ 10.000 rúp lên 15.000 rúp (tương đương khoảng 156 USD). Không chỉ thế, theo một cuộc thăm dò ý kiến mới đây, hơn một nửa số người hút thuốc ở Nga nay đã phải chuyển sang sử dụng các loại sản phẩm rẻ tiền hơn để tiết kiệm chi phí. Nhìn chung, tỷ lệ lạm phát tại Nga đã tăng từ mức 2,3% trong tháng 4 lên 5,2% trong tháng 8.

Tờ WSJ nhận định, vẫn còn nhiều 'nỗi đau' đang chờ Nga ở phía trước. Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng trung ương Nga trong đầu tháng 9, các doanh nghiệp Nga đang lo sợ trước một đợt lạm phát mới khi giá cả vốn đã ở mức cao kể từ lúc phương Tây áp lệnh trừng phạt.

Theo cuộc khảo sát của Romir vào tháng 7, cứ 5 người Nga thì có 1 người lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Ngoài ra, có 28% người tham gia khảo sát đang tìm việc làm thêm.

Nhiều người dân Nga đang trở nên nghèo hơn.

Người dân Nga giờ đây theo dõi sát sao mạng xã hội Telegram để đảm bảo mình không bỏ lỡ bất kỳ đợt giảm giá nào, từ giá balo cho đến sốt cà chua. Một người dân cho hay gia đình anh thường đi Thổ Nhĩ Kỳ 2 lần/năm nhưng giờ đây “chúng tôi đã trở nên nghèo hơn và quên mất Thổ Nhĩ Kỳ ở đâu”.

Sự kết hợp độc hại giữa đồng tiền trượt giá, chi tiêu quân sự bùng nổ và tình trạng thiếu lao động dai dẳng đã khiến Nga tiến gần đến nguy cơ lạm phát hơn bao giờ hết. Bộ kinh tế Nga trong tuần này cũng đã nâng dự báo lạm phát quốc gia năm 2023 lên 7,5%, cao hơn nhiều so với dự đoán 4% trước đó.

Nước Nga có ít sự lựa chọn

Nga đã từng phải trải qua một đợt lạm phát sau khi phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt vào đầu năm ngoái. Tuy nhiên, giá cả sau đó đã tạm thời hạ nhiệt.

Sự trở lại của lạm phát đang là một trong những mối lo ngại hàng đầu của chính phủ Nga. Nền kinh tế Nga đã vượt qua những thời khắc u ám nhất nhờ khoản chi mạnh tay của chính phủ và khả năng tìm kiếm đối tác thương mại mới của điện Kremlin.

Thế nhưng đến nay, Moscow đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc giữ cho nền kinh tế phát triển mà không gây ra tình trạng mất cân bằng và lạm phát.

Vấn đề nan giải này lại càng trở nên cấp bách hơn khi điện Kremlin chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 tới. Các nhà phân tích cho rằng, nếu không kiểm soát tốt lạm phát, Tổng thống Vladimir Putin khó có thể giành được một kết quả áp đảo, vốn được xem như sự ủng hộ của người dân trong quyết định phát động chiến sự ở Ukraine của chính quyền Putin.

Chính Tổng thống Putin cũng đã bày tỏ lo ngại về việc lạm phát có thể làm suy yếu nền kinh tế Nga. Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế diễn ra vào ngày 12/9, ông nhấn mạnh nếu chính phủ Nga không can thiệp, lạm phát sẽ tăng trưởng theo một cách không thể kiểm soát được.

Lạm phát có thể khiến nền kinh tế vốn đã tổn thương của Nga trở nên suy yếu hơn.

“Trên thực tế, chúng ta không thể xây dựng kế hoạch kinh doanh trong điều kiện lạm phát cao. Chúng ta đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn”, ông nói.

Cơ quan chống độc quyền liên bang trong những tuần gần đây đã yêu cầu các nhà bán lẻ điện tử giữ nguyên giá các sản phẩm cơ bản như tivi, máy giặt và máy pha cà phê.

Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng trung ương Nga vào ngày 16/9 nâng lãi suất từ 12% lên 13%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp. Trước đó vào tháng 8, Ngân hàng trung ương Nga cũng đã tăng lãi suất lên tới 350 điểm cơ bản khi giá trị đồng rúp lao dốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất có thể đè nặng lên hoạt động kinh tế và làm giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng vốn đang tăng trưởng ở mức 2 con số.

Sau đợt tăng lãi suất vào tháng 8 năm này, nhiều chính trị gia Nga đã công khai chỉ trích chính sách của Ngân hàng trung ương là quá lỏng lẻo và chỉ tăng giá trị đồng rúp một cách tạm thời. Giá trị đồng rúp vẫn giảm hơn 20% so với đồng USD và đồng euro trong năm nay.

Trước chiến sự Nga – Ukraine, Ngân hàng trung ương đã tác động đến giá trị của đồng rúp bằng cách sử dụng nguồn tiền dự trữ để can thiệp vào thị trường tiền tệ. Ngoài ra, người nước ngoài còn được khuyến khích mua tài sản như trái phiếu bằng đồng rúp.

Giá trị đồng rúp liên tục lao dốc.

Thế nhưng, giá trị của đồng Rúp chủ yếu được “hưởng ké” từ doanh thu bán dầu thô của Nga. Trước hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, những chính sách của Ngân hàng trung ương Nga trở nên “đuối sức”.

“Mặc dù hiệu quả đối với nền kinh tế Nga là rất hạn chế nhưng việc tăng lãi suất có lẽ là đòn bẩy duy nhất mà điện Kremlin có vào lúc nà”, ông Dietmar Hornung, phó giám đốc điều hành tại Moody's Investor Service nói.

Lạm phát tăng cao cũng làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng tại Nga. Các gia đình giàu có nay lại giàu hơn khi họ đã gửi hàng chục tỷ USD vào tài khoản ngân hàng nước ngoài kể từ tháng 2/2022 và những khoản tiết kiệm này sẽ có giá trị hơn khi đồng rúp mất giá.

Trái lại, những người có thu nhập thấp hơn lại chịu nhiều thiệt hại hơn khi giá cả đắt đỏ còn mức thu nhập vẫn không thay đổi, bà Sofya Donets, nhà kinh tế Nga tại Renaissance Capital nhận định.

Tin mới lên