Nỗi đau Thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lúc: Đồng nghiệp mãi ra đi, nhà máy chìm trong lũ bùn

Khánh Tú - 29/09/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Sự cố sạt lở khiến 5 cán bộ nhân viên tại Nhà máy thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lúc tử vong đã trôi qua 2 tuần nhưng nỗi đau vẫn còn đấy. Giữa lúc đau thương chất chồng, những hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần của các đối tác đã trở thành điểm tựa để nhà máy vực dậy.

“Xe thì còn đấy nhưng người thì…”

Đã hơn 2 tuần trôi qua nhưng nỗi đau của những nhân viên công tác tại Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc dường như vẫn còn vẹn nguyên.

Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc sau bão.

Nhớ lại ngày định mệnh hôm đấy, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng tổng hợp Thuỷ điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, cũng là một trong những người thoát chết hôm đó, cho biết: “Khoảng 11h30 đêm ngày 9/9, đợt sạt lở đầu tiên diễn ra khi mọi người đang nghỉ ngơi khiến chúng tôi không kịp trở tay. Dãy nhà ở phía sau bị đất vùi lấp ngay lập tức, chôn vùi nhiều nhân viên. Lúc đầu, chúng tôi cứu được 3 người nhưng sau đó đất tiếp tục sạt lở nên mọi người phải tạm thời rút lui, di chuyển lên khoảng đất trống trên đồi nhằm đảm bảo an toàn”.

Trời vừa tối vừa mưa, ngồi dưới gốc cây lớn, ai cũng lạnh và lo sợ. Nghĩ đến những người còn bị kẹt lại, chúng tôi lại càng thấp thỏm và lo lắng hơn.

“Cả đoàn ngồi như vậy đến rạng sáng 10/9. Từ đỉnh đồi nhìn xuống, chúng tôi lặng người khi toàn bộ khu nhà điều hành kiên cố đã bị san phẳng hoàn toàn chỉ sau một đêm”, ông Vinh nghẹn ngào.

Đường vào nhà máy thủy điện vẫn còn khó đi dù bão đã qua hơn 2 tuần.

Mưa lũ và sạt lở cũng khiến cả khu vực mất điện và mất sóng điện thoại, không có cách nào liên lạc được với bên ngoài.

“Hai người được cử đi bộ ra ngoài để báo cáo tình hình với cơ quan địa phương và gọi cứu trợ. Đi bộ quãng đường xa, hai chân trầy xước, và đối diện rủi ro sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng trước những người đồng nghiệp còn mất tích, tôi không nghĩ được nhiều. Lúc đấy chỉ biết đi và đi thật nhanh để gọi người đến giúp, chỉ mong còn nước còn tát”, một nhân công của nhà máy kể lại.

Do điều kiện địa hình trắc trở cùng ảnh hưởng của cơn bão khiến tình hình cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Đến sáng ngày 15/9, lực lượng tìm kiếm mới tìm được thi thể 5 nạn nhân mất tích tại khu nhà điều hành.

Toàn cảnh nhà máy nhìn từ khu nhà điều hành bị vùi lấp.

Ghi nhận tại Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc thời điểm hiện tại, nhiều khu vực của nhà máy vẫn còn bùn đất ngổn ngang. Riêng khu vực nhà điều hành, từ một khu nhà kiên cố đã biến thành bãi đất với ngổn ngang những sắt thép còn sót lại. Gần đó, những chiếc xe máy, xe ô tô bị hư hại của những nhân viên nhà máy nằm lặng lẽ trong lớp bùn dày đặc.

“Xe còn đấy, nhưng người thì…”, cán bộ nhà máy thủy điện nghẹn ngào, không thể nói hết câu.

Chỗ dựa vững chắc qua bão lũ

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc tạm thời của Thuỷ điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, cho biết: “Cơn bão số 3 đi qua để lại quá nhiều mất mát về cả người và của đối với nhà máy chúng tôi. Không chỉ cùng lúc mất đi 5 người đồng nghiệp, thủy điện Nậm Lúc còn bị hư hại nhiều cơ sở vật chất, ước tính thiệt hại ban đầu lên tới khoảng 100 tỷ đồng, chưa kể còn nhiều thiết bị điện vẫn bị ngập trong nước và bùn. Nhiều thiết bị điện có khả năng hư hại hoàn toàn”.

Theo ông Nguyễn Tất Anh, doanh thu những năm gần đây của nhà máy thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lúc rơi vào khoảng 100 tỷ đồng/năm. Như vậy, sự cố vừa qua đã “thổi bay” toàn bộ doanh thu của nhà máy những năm gần đây.

Trong 2 tuần qua, nhà máy thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lúc vẫn chưa có điện để vận hành và phải dùng máy phát để thay thế. Hiện tại, toàn bộ nhân viên trong nhà máy đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão.

Trong những ngày khó khăn vừa qua, đối tác tài trợ vốn ngân hàng SHB chi nhánh Lào Cai đã kịp thời hỗ trợ và động viên nhà máy thủy điện với nhiều hình thức khác nhau.

Ông Nguyễn Tất Anh cho biết: “SHB đã giảm 50% lãi vay cho công ty từ nay đến cuối năm, tương đương số tiền ước tính hơn 10 tỷ đồng. Ngay trong tháng 9, SHB đã giảm 5 tỷ đồng tiền lãi và cung cấp gói vay hạn mức 50 tỷ đồng với lãi suất cố định 4,5%/năm. Những hỗ trợ của phía ngân hàng đã giúp công ty có thêm nguồn lực tài chính để tái sản xuất trong lúc công ty bảo hiểm mới đang khảo sát tình tình. Dự tính, phải mất khoảng 3 – 5 tháng nữa nhà máy mới có thể hoạt động bình thường trở lại”.

Ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc tạm thời của Thuỷ điện Đông Nam Á - Nậm Lúc chia sẻ với các cán bộ SHB chi nhánh Lào Cai.

Không chỉ hỗ trợ tài chính, cắt giảm lãi vay, phía SHB chi nhánh Lào Cai còn chủ động gặp gỡ, chia sẻ với những đau thương, mất mát của các cán bộ nhân viên tại nhà máy thủy điện.

“Đây là hỗ trợ đặc biệt có ý nghĩa đối với cán bộ nhân viên nhà máy. Tình người chính là điểm tựa vững chắc để chúng tôi gượng dậy và mạnh mẽ hơn sau những mất mát”, đại diện nhà máy thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lúc nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác