'Hàng xóm' bé nhỏ ra tay giúp Nga lách trừng phạt của châu Âu

Hải Đăng - 26/09/2024 09:15 (GMT+7)

(VNF) - Quốc gia Trung Á Kyrgyzstan đã tràn ngập hàng hóa nhập khẩu, bao gồm nhiều mặt hàng từ châu Âu, kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine, khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về cam kết của cộng đồng quốc tế đối với các cơ chế trừng phạt của mình.

Để đáp trả việc Nga “động binh” với Ukraine, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các nước khác đã áp đặt lệnh trừng phạt mạnh tay lên Moscow nhằm vào các dịch vụ tài chính và xuất khẩu năng lượng, cùng với các hạn chế về thương mại và công nghệ quan trọng đối với các công nghệ sử dụng kép của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, vốn rất cần thiết cho mục đích quân sự.

Các lệnh trừng phạt này thường xuyên được thắt chặt với mục đích làm suy yếu năng lực kinh tế và quân sự của Nga, nhưng các doanh nghiệp đang tận dụng các trung tâm thương mại bất hợp pháp xuất hiện ở các quốc gia như Kyrgyzstan.

Các container vận chuyển nằm trên xe kéo đường sắt ở ngoại ô Moscow vào ngày 9/4. (Ảnh: Natalia Kolesnikova/AFP/Getty Images)

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và số liệu thống kê quốc gia được thể hiện bằng biểu đồ của Viện Brookings có trụ sở tại Washington, DC, lượng hàng hoá xuất khẩu sang Kyrgyzstan từ Đông Âu đã tăng vọt ngay sau khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022.

Ông Robin Brooks, một thành viên cấp cao của nhóm nghiên cứu, cho hay: "Chúng tôi đã ghi nhận sự gia tăng đột biến trong xuất khẩu từ Serbia sang Kyrgyzstan. Những đợt tăng đột biến tương tự cũng đang diễn ra trên khắp Đông Âu: Romania, Bulgaria và Hungary. Rõ ràng là không có hàng hoá nào trong số này được chuyển đến Kyrgyzstan. Nó được chuyển đến Nga...".

Giá trị xuất khẩu từ Hungary tới Kyrgyzstan đã tăng từ khoảng 1 triệu USD lên 9 triệu USD mỗi tháng, đối với ba quốc gia còn lại tăng từ dưới 1 triệu USD lên hơn 4 triệu USD (Romania), 4,5 triệu USD (Bulgaria) và hơn 30 triệu USD (Serbia).

Một loạt biểu đồ khác do Viện Brookings công bố tuần trước minh họa các nước Trung và Tây Âu tăng vọt kim ngạch xuất khẩu sang quốc gia thuộc khối Xô Viết cũ này trong vài năm qua.

Giá trị xuất khẩu của Đức tăng từ dưới 10 triệu USD vào tháng 3/2022 lên khoảng 80 triệu USD trước khi giảm xuống dưới 70 triệu USD vào tháng 7. Xuất khẩu của Ý và Áo tăng từ khoảng 1 triệu USD lên lần lượt gần 40 triệu USD và 8 triệu USD.

Giá trị xuất khẩu của Ba Lan tăng vọt từ chỉ vài triệu USD lên khoảng 50 triệu USD vào năm 2023. Tuy nhiên, biểu đồ sau đó cho thấy sự sụt giảm mạnh trong năm nay, khi Ba Lan chính thức chỉ xuất khẩu 20 triệu USD sang Kyrgyzstan vào tháng 7.

Chia sẻ với Newsweek, ông Peter Stano, người phát ngôn của EU về chính sách đối ngoại và an ninh cho hay: "Chúng tôi đang tăng cường nỗ lực để đảm bảo rằng hàng hóa bị EU trừng phạt, đặc biệt là những hàng hóa được sử dụng trong hệ thống quân sự của Nga, sẽ không đến được Nga thông qua các quốc gia thứ ba".

Ngoài việc trấn áp các nỗ lực né tránh lệnh cấm vận thương mại của EU đối với Nga, khối 27 thành viên này đã tăng cường tương tác ngoại giao với các quốc gia nền tảng hoặc các trung tâm tiềm năng nơi các nhà xuất khẩu có thể lách lệnh cấm vận thương mại.

Đặc phái viên về trừng phạt của EU là David O'Sullivan "thường xuyên liên lạc" với chính phủ các quốc gia có "nguy cơ cao" lách lệnh cấm vận, bao gồm cả ở Trung Á.

"Chúng tôi đánh giá cao sự cởi mở của các nước Trung Á trong việc hợp tác với EU về vấn đề quan trọng này và chúng tôi thấy những kết quả khả quan bắt nguồn từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được tăng cường, dẫn đến số liệu thống kê thương mại đáng khích lệ khi xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng ưu tiên sang Nga giảm đáng kể", ông O'Sullivan cho hay.

Nhưng vị quan chức châu Âu cũng thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm ở những khu vực "có nguy cơ cao".

Ông cho biết EU đang "hợp tác chặt chẽ" với Mỹ và Anh để "ngăn chặn việc tái xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm sang Nga, đặc biệt chú trọng đến danh mục hàng hóa ưu tiên chung của EU, bao gồm các sản phẩm như thiết bị điện tử tiên tiến, công cụ chính xác và mạch tích hợp có thể hỗ trợ cơ sở công nghiệp thời chiến của Moscow.

Vào tháng 3, Bộ phận Trung Đông và Trung Á của IMF đã báo cáo về sự thay đổi đáng kể trong động lực thương mại của Kyrgyzstan.

Theo số liệu chính thức, xuất khẩu của nước này đã giảm 18% kể từ năm 2021, một năm trước khi chiến sự Ukraine nổ ra, trong khi nhập khẩu tăng vọt 76%, "khiến nền kinh tế nói chung phụ thuộc đáng kể hơn vào thương mại bên ngoài".

Hai quốc gia Nga và Trung Quốc chiếm thị phần ngày càng lớn trong thương mại của Kyrgyzstan. Về mặt nhập khẩu, thị phần của Trung Quốc đã tăng từ 26% vào năm 2021 lên gần 42% vào năm 2022. Trong khi đó, hàng hóa được vận chuyển đến Nga đã tăng hơn gấp ba lần từ chỉ 14,3% lên 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của Kyrgyzstan.

Theo News Week
Nền kinh tế Nga chịu thêm một đòn giáng mạnh

Nền kinh tế Nga chịu thêm một đòn giáng mạnh

Tài chính quốc tế
(VNF) - Doanh thu từ các chuyến hàng dầu mỏ của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, có khả năng làm phức tạp thêm các kế hoạch chi tiêu mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết thực hiện để duy trì đất nước trong tình trạng chiến sự.
Cùng chuyên mục
Tin khác