Telegram nhượng bộ, đồng ý chuyển địa chỉ IP của 'kẻ xấu' cho chính quyền
(VNF) - Nền tảng nhắn tin Telegram đang đưa ra một số nhượng bộ mới về vấn đề an toàn và quyền riêng tư của người dùng sau khi nhà sáng lập kiêm CEO Pavel Durov bị bắt tại Pháp vào tháng trước.
- CEO Telegram bị truy tố nhiều tội danh, cấm rời khỏi Pháp 29/08/2024 10:55
Theo đó, trong thông báo đưa ra ngày 23/9, ông Durov cho biết Telegram hiện sẽ tiết lộ địa chỉ IP và số điện thoại của những người dùng vi phạm các quy tắc của ứng dụng cho các cơ quan có thẩm quyền "để đáp ứng các yêu cầu pháp lý hợp lệ". Điều này nhằm ngăn chặn "những kẻ xấu" "gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn" của nền tảng này.
Nền tảng này cho biết họ sẽ tiết lộ tất cả dữ liệu người dùng được chia sẻ với các viên chức thực thi pháp luật trong các báo cáo minh bạch hàng quý.
Trước đây, Telegram chỉ cam kết tiết lộ số điện thoại và địa chỉ IP của người dùng nếu nhận được lệnh của tòa án xác nhận người dùng bị tình nghi là khủng bố. Theo báo cáo minh bạch của Telegram, điều đó chưa từng xảy ra trước đây.
Công ty cho biết trước khi tiết lộ dữ liệu người dùng, họ sẽ "tiến hành phân tích pháp lý" về yêu cầu từ chính quyền. Các biện pháp này sẽ "nhất quán trên toàn thế giới", theo ông Durov.
Các quy tắc mới này nhắm tới nhiều đối tượng, trong đó có những người dùng lạm dụng tính năng tìm kiếm của Telegram để bán hàng hóa bất hợp pháp.
“Tìm kiếm trên Telegram mạnh hơn so với các ứng dụng nhắn tin khác vì nó cho phép người dùng tìm các kênh công khai và bot. Thật không may, tính năng này đã bị những người vi phạm điều khoản dịch vụ của chúng tôi lợi dụng để bán hàng hóa bất hợp pháp”, CEO Pavel Durov nhấn mạnh thêm.
Trong những tuần gần đây, những người kiểm duyệt Telegram đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm cho tính năng tìm kiếm của nền tảng này "an toàn hơn" và theo ông Durov, nội dung có vấn đề được gắn cờ sẽ không thể truy cập được.
Chính sách bảo mật mới của Telegram được đưa ra trong bối cảnh vị CEO người Nga này đang bị điều tra tại Pháp vì nhiều tội danh, bao gồm cả tội đồng lõa trong việc phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em và bán ma túy trên nền tảng này.
Các nhà nghiên cứu về an ninh và thực thi pháp luật đã ghi nhận chi tiết các hoạt động bất hợp pháp trên Telegram, bao gồm cả việc tuyển dụng và tổ chức trong các nhóm cực đoan.
Sau cuộc điều tra, ông Durov đã viết trên kênh Telegram của mình rằng ông muốn làm cho ứng dụng của mình "an toàn hơn và mạnh mẽ hơn".
“Việc Telegram tăng đột ngột số lượng người dùng lên 950 triệu đã gây ra những khó khăn khiến tội phạm dễ dàng lợi dụng nền tảng của chúng tôi hơn. Đó là lý do tại sao tôi đặt mục tiêu cá nhân của mình là đảm bảo chúng tôi cải thiện đáng kể về mặt này”, vị CEO tuyên bố.
Không rõ động thái chia sẻ một số dữ liệu người dùng với cơ quan thực thi pháp luật sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc điều tra đang diễn ra của Pháp. Sự thay đổi này có thể làm dấy lên mối lo ngại trong số những người dùng coi trọng tính năng bảo mật của Telegram, nhưng công ty nhấn mạnh rằng bản cập nhật chính sách này nhắm vào những người tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp chứ không phải người dùng bình thường.
Telegram cho biết trước đó họ đã trấn áp một số nội dung vi phạm các quy tắc của mình, bao gồm hạn chế quyền truy cập vào một số kênh liên quan hoặc do Hamas điều hành trong bối cảnh nhóm chiến binh này đang chiến đấu với Israel. Họ cũng xóa các lời kêu gọi bạo lực sau khi có báo cáo rằng ứng dụng này được sử dụng để tổ chức các cuộc bạo loạn cực hữu, chống người nhập cư ở Vương quốc Anh.
CEO Telegram Pavel Durov đã bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, ngoại ô thủ đô Paris, vào khoảng 20h ngày 24/8 theo lệnh bắt tại Pháp trong khuôn khổ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát.
Các công tố viên Pháp đã thẩm vấn ông về hoạt động tội phạm bị nghi ngờ trên nền tảng này, bao gồm các giao dịch băng đảng và buôn người, cũng như cáo buộc công ty không giao nộp dữ liệu liên quan đến cuộc điều tra. Sau đó, ông được thả khỏi sự giam giữ của cảnh sát với số tiền bảo lãnh được ấn định là 5,56 triệu USD khi cuộc điều tra diễn ra.
Cuộc điều tra đã làm dấy lên cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận và hoạt động tội phạm trực tuyến, nhưng mối quan tâm của chính quyền không hẳn là điều bất ngờ.
Ứng dụng này đã thu hút hơn 950 triệu người dùng, phần lớn là nhờ công nghệ mã hóa và lời hứa về quyền riêng tư của người dùng trong nhiều năm đã bị chỉ trích vì sự phổ biến của nó đối với những tội phạm internet, bao gồm cả những kẻ buôn bán ma túy, rửa tiền và những kẻ cực đoan...
Bất ngờ bị Pháp bắt giữ, CEO Telegram chỉ trích ‘sai lầm’
- Tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng, khó khăn kinh tế Trung Quốc ngày càng trầm trọng 24/09/2024 02:55
- 'Bản án tử' de dọa xe điện Trung Quốc tại Mỹ 24/09/2024 10:43
- Giá vàng chinh phục đỉnh cao mới khi Bitcoin vượt 64.000 USD 24/09/2024 08:15
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.