Tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng, khó khăn kinh tế Trung Quốc ngày càng trầm trọng

Thanh Tú - 24/09/2024 14:55 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều thanh niên Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để tìm việc làm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và tình hình bất ổn sau đại dịch ở nước này. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng lên 18,8% vào tháng 8, ghi nhận mức cao nhất trong năm nay.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất từ đầu năm

Theo các nhà phân tích, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vào tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi hệ thống lưu trữ hồ sơ mới bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái, do suy thoái kinh tế và chính sách tuyển dụng hạn chế.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của những người ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 16-24 (không bao gồm học sinh, sinh viên) đã tăng lên 18,8% vào tháng 8. Con số này tăng so với mức 17,1% vào tháng 7 và 13,2% vào tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của Trung Quốc ở mọi nhóm tuổi đã tăng 5,3% vào tháng 8, tăng 0,1% so với mức tăng 5,2% vào tháng 7.

Sinh viên đại học tham dự hội chợ việc làm tại Fuyang, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc vào ngày 24/3/2024. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Số liệu của NBS cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi từ 25-29 cũng tăng nhẹ lên 6,9% vào tháng 8 từ mức 6,5% vào tháng 7.

Ông Dan Wang, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng HSBC, cho biết: “Những người trẻ ngày càng khó tìm được việc làm lương cao như trước đây, bởi vì trong ba năm qua, các ngành dịch vụ đô thị có giá trị gia tăng cao vốn thu hút nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đã suy giảm mạnh, đặc biệt là bất động sản, tài chính và công nghệ thông tin”.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các chính sách tuyển dụng hạn chế trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn khi các công ty từ chối tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp đại học do khó khăn và chi phí liên quan đến việc sa thải lao động ở Trung Quốc.

Ông Shaun Rein, người sáng lập China Market Research Group, cho biết: “Nhiều công ty hiện đang từ chối tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp đại học vì họ lo ngại về chi phí và khó khăn về mặt pháp lý nếu họ phải sa thải ai đó sau một năm nếu nền kinh tế vẫn trong tình trạng trì trệ”.

“Các công ty phải trả n+2. Nếu ai đó làm việc trong 2 năm, tức là thông báo trước 30 ngày cộng với 2 tháng lương. Điều này tốn kém nên không ai muốn sa thải bất kỳ ai ngay bây giờ hoặc thuê lao động mới. Đó là lý do tại sao tỷ lệ thất nghiệp [nói chung] không đến nỗi tệ nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lại cao như vậy”, ông Rein nói thêm.

Trung Quốc đã tạm dừng báo cáo tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong phần lớn nửa cuối năm ngoái trong khi đánh giá lại các phương pháp tính toán của mình. Tỷ lệ thất nghiệp được cập nhật đối với những người trẻ tuổi không bao gồm những người vẫn đang đi học, phản ánh số lượng cá nhân theo đuổi giáo dục đại học ngày càng tăng trong một thị trường việc làm cạnh tranh hơn.

Sự gia tăng tình trạng thất nghiệp ở thanh niên diễn ra khi Trung Quốc phải đối mặt với những cơn gió ngược kinh tế đáng kể. Gần 12 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đã gia nhập thị trường việc làm vốn đã bão hòa vào tháng 6, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về cơ hội việc làm và góp phần làm gia tăng tình trạng thất nghiệp.

Vào tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tình trạng thất nghiệp ở thanh niên và coi đây là “ưu tiên hàng đầu”.

Những vấn đề kinh tế rộng lớn hơn

Dữ liệu về tình trạng thất nghiệp được công bố sau hàng loạt số liệu đáng thất vọng khác từ Trung Quốc trong những tuần gần đây, với doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm hơn dự kiến, làm nổi bật những thách thức lớn hơn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Sau sự phục hồi yếu ớt vào năm ngoái hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục phải đối mặt với những thách thức do thị trường bất động sản suy giảm và niềm tin của người tiêu dùng yếu.

Bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng về việc nới lỏng chính sách và các biện pháp kích thích, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã giữ nguyên lãi suất chuẩn quan trọng vào cuối tuần trước.

Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc siết chặt quản lý đối với các công ty công nghệ lớn và các công ty gia sư sau giờ học, cả hai ngành đều phụ thuộc rất nhiều vào sinh viên mới tốt nghiệp, điều này đã làm giảm triển vọng việc làm cho những người mới vào nghề.

Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc còn trầm trọng hơn do căng thẳng thương mại đang diễn ra với phương Tây, làm gia tăng thêm sự bất ổn.

Mặc dù các hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 đã được nới lỏng hơn một năm trước, quá trình phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc vẫn chậm hơn dự kiến. Sự kết hợp giữa tình trạng thất nghiệp gia tăng và các chỉ số kinh tế yếu kém đang làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, đặt ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.

Theo CNBC, Newsweek
'Bản án tử' de dọa xe điện Trung Quốc tại Mỹ

'Bản án tử' de dọa xe điện Trung Quốc tại Mỹ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất lệnh cấm bán hoặc nhập khẩu các loại xe thông minh sử dụng công nghệ cụ thể của Trung Quốc hoặc Nga vì lo ngại về an ninh quốc gia, một động thái sẽ thực sự ngăn chặn gần như toàn bộ ô tô Trung Quốc xâm nhập thị trường Mỹ.
Cùng chuyên mục
Tin khác