Bộ trưởng Ngoại giao Nga: ‘Chúng tôi là những người tử tế’

Bích Hợp - 25/09/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói: "Chúng tôi là những người tử tế. Chúng tôi đã ký hợp đồng dài hạn với châu Âu. Chúng tôi luôn tôn trọng nghĩa vụ của mình, không giống như châu Âu hay Mỹ".

"Có lợi cho cả hai bên"

Trong một cuộc phỏng vấn với Sky News Arabia mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết Nga không cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vì người Nga là "những người tử tế".

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov.

"Chúng tôi là những người tử tế. Chúng tôi đã ký hợp đồng dài hạn với châu Âu. Chúng tôi luôn tôn trọng nghĩa vụ của mình, không giống như châu Âu hay Mỹ", ông Lavrov tuyên bố.

Bên cạnh đó, ông Lavrov cũng một lần nữa tái khẳng định rằng các thỏa thuận khí đốt giữa Nga và châu Âu đều có lợi cho cả hai bên.

"Hiện tại, châu Âu đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhưng nếu ai đó muốn mua khí đốt Nga, chúng tôi không bao giờ rút lại các thỏa thuận của mình. Nếu hợp tác cùng có lợi, tại sao lại tự bắn vào chân mình?", người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh thêm.

Trước tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga, các nhà quan sát cho rằng điều mà ông Lavrov không đề cập thẳng thắn trong cuộc phỏng vấn là lý do thực chất mà Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu, chính là nước này cần tiền.

Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford ước tính ngành dầu khí chiếm từ 30% đến 50% doanh thu ngân sách liên bang của Nga. Ước tính cho thấy Nga có thể mất tới 6,5 tỷ USD một năm nếu Naftogaz, công ty năng lượng khổng lồ do nhà nước điều hành của Ukraine, không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt sẽ hết hạn vào năm nay.

Thỏa thuận này cho phép khí đốt của Nga được vận chuyển đến châu Âu qua Ukraine.

Lợi nhuận từ dầu khí của Nga chịu áp lực lớn

Trước khi bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và bị phương Tây trừng phạt, Nga là nguồn cung cấp tới 40% khí đốt của châu Âu. Con số này đã giảm xuống còn khoảng 15% vào cuối năm 2023 sau khi 3 trong số 4 đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu bị hư hại. Đường ống Nord Stream còn lại chưa bao giờ được đưa vào sử dụng.

Xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu gặp nhiều trở ngại sau khi chiến sự Ukraine nổ ra.

Hiện nay, lợi nhuận dầu khí của Nga đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt và hạn chế, bao gồm cả mức giá trần của G7 đối với xuất khẩu dầu thô của nước này, khi cuộc chiến với Ukraine bước sang tháng thứ 31.

Doanh thu dầu khí của Nga đạt 8,82 nghìn tỷ rúp, (khoảng 94,6 tỷ USD) vào năm 2023. Con số này thấp hơn 24% so với mức 11,6 nghìn tỷ rúp ghi nhận vào năm 2022, khi doanh thu tăng vọt do giá dầu biến động. Năm 2021, doanh thu bán dầu khí của Nga đạt 9 nghìn tỷ rúp.

Nga đã tăng dự báo về doanh số bán dầu và khí đốt trong năm nay, nhưng giá dầu hòa vốn cũng tăng đáng kể kể từ khi chiến sự bắt đầu. Điều đó là do các yếu tố liên quan đến lệnh trừng phạt, chẳng hạn như phí bảo hiểm do Nga bảo lãnh cao hơn và chi phí vận chuyển liên quan đến đội tàu “bóng tối” giúp Nga vận chuyển hàng hoá.

Theo S&P Global, giá dầu hòa vốn của Nga là 62 USD/thùng vào năm 2021 và hiện tại lên tới 94 USD/thùng.

Giá hòa vốn cao hơn sẽ làm giảm lợi nhuận, điều này sẽ ảnh hưởng đến các công ty năng lượng của Nga và có tác động lan tỏa đến nền kinh tế thời chiến, vốn có vẻ kiên cường nhưng đang phải chống chọi với nhiều thách thức.

Ngoài ra còn có nhiều nghi vấn về việc nền kinh tế Nga thực sự đang hoạt động ra sao. Vào tháng 7, một nhóm gồm 8 bộ trưởng tài chính châu Âu đã thẳng thắn tuyên bố rằng Nga đang nói dối về nền kinh tế đang bùng nổ của mình.

Chắc chắn, các yếu tố địa chính trị khác cũng có thể tác động đến quyết định của Nga trong việc tiếp tục xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào châu Âu. Nhưng vai trò của dầu khí trong nền kinh tế Nga không thể bị đánh giá thấp.

Theo báo cáo của S&P Global vào tháng trước, trong khi Nga đã xoay chuyển sang các thị trường thay thế, các mặt hàng này thường được bán với mức chiết khấu lớn do lệnh trừng phạt.

"Nga đã cố gắng duy trì sản lượng và xuất khẩu dầu bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây và thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), mặc dù nước này phải đối mặt với những thách thức về dòng tiền từ dầu mỏ", ông Svetlana Tretyakova, một nhà phân tích cấp cao tại Rystad Energy, đã viết vào cuối tháng 8.

Theo Business Insider
Thương mại Nga – Trung ‘mất đà' do lực cản từ Mỹ

Thương mại Nga – Trung ‘mất đà' do lực cản từ Mỹ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và Nga đang có dấu hiệu chậm lại sau một năm tăng nóng trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc e ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ liên quan đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Cùng chuyên mục
Tin khác