Ôm tiền tỷ đầu tư cần nhớ: 'Xanh đi, đỏ dừng, vàng sẵn sàng ga'
Xuân Thạch -
07/06/2024 15:30 (GMT+7)
(VNF) - Chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, thị trường hiện nay có rất nhiều biến số, căn cứ thực tế để nhà đầu tư đưa ra quyết định kênh nào, thời điểm nào xuống tiền. Một nguyên tắc cần nhớ là đầu tư cũng như đi trên đường: Xanh đi, đỏ dừng, vàng sẵn sàng ga.
Diễn biến tích cực của những biến số lớn
Chia sẻ tại Diễn đàn Ứng biến trong vạn biến do Báo Đầu tư tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định rằng, từ nay đến cuối năm và đầu năm 2025, một số nhân tố vĩ mô quan trọng như lãi suất, tỷ giá, lạm phát sẽ có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể, áp lực về tỷ giá sẽ không còn nhiều khi lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ở điểm cuối chu kỳ tăng, khó có thể tăng thêm. Mới đây nhất, ngày 6/6/2024 Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019, do nhận thấy những kết quả tích cực trong việc giải quyết lạm phát.
Nếu không có những diễn biến quá đặc biệt về địa chính trị thì hiện tại lạm phát đang trong tầm kiểm soát và đang trên đà giảm. Lạm phát của Mỹ cơ bản là tích cực, tuy còn 1 vài rào cản, nhưng đã giảm từ mức đỉnh 9% xuống còn hơn 3%, gần nhất trong tháng 4/2024 là 2,7%.
Dự báo lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng tại Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới vì ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Đầu tư của SSIAM, có nhiều yếu tố tích cực giúp cho toàn thị trường phục hồi, dòng vốn quay trở lại với thị trường nhiều hơn, khả năng phục hồi các nhóm ngành của nền kinh tế, đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, kéo theo việc làm tăng, đơn hàng quay lại, gia tăng nhu cầu tiêu dùng.
“Môi trường lãi suất thấp, vĩ mô ổn định, doanh nghiệp phục hồi, là môi trường lý tưởng trong đầu tư, đặc biệt là kênh chứng khoán và đây là kênh sẽ phục hồi đầu tiên trong tất cả các ngành” ông Huy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc nghiệp vụ quản lý Danh mục đầu tư Dragon Capital, cho biết, phía Dragon Capital đã thống kê sản lượng điện tiêu thụ thấy được sự hồi phục trong sản xuất, đo lưu lượng hàng hoá ra vào cảng, thống kê các hoá đơn chi tiêu, hoá đơn mua sắm, bản lẻ, về số lượng và giá trị thì thấy được sự hồi phục bắt đầu diễn ra cuối quý III/2023.
Đến thời điểm này, kinh tế giai đoạn đầu của sự hồi phục, lợi nhuận sau thuế của DN quý I/2024, theo thống kê của Dragon Capital với 80 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, tăng trung bình 15% so với cùng kỳ. Và việc này đến từ tất cả các ngành nghề với các quy mô doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau, tình hình tích cực này sẽ duy trì hết 2024.
“Kỳ vọng áp lực tỷ giá giảm bớt, và đã nhìn thấy được sự hồi phục lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, môi trường rất thuận lợi cho các nhà đầu tư từ nay đến hết 2024”, ông Nguyễn Sang Lộc chia sẻ thêm.
Tự xây dựng kịch bản đầu tư cho riêng mình
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, trước tình hình trên nhà đầu tư cần có các kịch bản để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Ông Tuấn cho rằng, thị trường hiện nay có rất nhiều biến số, vậy phải chọn biến nào trong vạn biến.
Cụ thể, ông Tuấn nêu 3 biến số quan trọng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư đó là biến số thế giới, biến số từ Việt Nam và biến số của thị trường. Đồng thời cần xây dựng 3 kịch bản đó là tích cực, cơ sở và kịch bản tiêu cực. Nhà đầu tư sẽ chủ động được trong việc lựa chọn kênh và tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình.
Ông Tuấn nêu cụ thể, biến số thế giới bao gồm các chỉ số của FED và chính sách tiền tệ, lạm phát Mỹ (PCE), giá dầu và rủi ro địa chính trị. Biến số đến từ Việt Nam bao gồm tốc độ tăng trưởng GDP so với kế hoạch, tình hình lạm phát (CPI), tăng trưởng tín dụng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt kỳ vọng của thị trường, tốc độ giải ngân đầu tư công. Và cuối cùng là 6 biến số đến từ thị trường: lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm, tỷ giá, bơm hút ròng thị trường mở, thanh khoản thị trường theo ngày, khối ngoại bán ròng theo tháng.
Tuỳ theo kết quả diễn biễn của các biến số này, nhà đầu tư sẽ có được 3 kịch bản đó là tiêu tực (màu đỏ), cở sở (màu vàng), tích cực (màu xanh).
“Từ đó nhà đầu tư đưa ra quyết định kênh nào, thời điểm nào và cứ theo nguyên tắc như đi trên đường: Xanh thì đi, đỏ dừng lại, vàng chuẩn bị “ga””, ông Tuấn ví von.
Khi được hỏi về nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi từ thời điểm này, ông Nguyễn Sang Lộc cho rằng, sau báo cáo kết quả kinh doanh Quý I/2024, nhiều nhóm ngành tăng trưởng tốt, nhà đầu tư có thể xem xét ví dụ như sản xuất, xuất khẩu... Tuy nhiên ông Lộc lưu ý, cần phải có danh mục đầu tư phòng thủ, kết hợp với các nhóm ngành đầu tư mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.
“Bán lẻ, IT(Công nghệ thông tin), ngân hàng cùng với BĐS Khu Công nghiệp năm 2024 đang mang lại mức lợi nhuận trung bình đến thời điểm này là từ 16 – 18%”, ông Lộc nói thêm.
Ngoài chứng khoán, kênh bất động sản cũng được các chuyên gia nhận định rằng, nhóm phân khúc chung cư trung cấp/bình dân và nhà phố để ở tiếp tục ghi nhận sự phục hồi trong giao dịch ở Quý I và đầu Quý II/2024. Tuy nhiên, giá giao dịch ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều không ghi nhận sự tăng giá. Dự kiến 3 Luật mới (Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản) có hiệu lực từ 01/08 sẽ giúp tăng nguồn cung cho phân khúc này.
Đồng thời, mảng trung tâm thương mại và bán lẻ tiếp tục là điểm sáng, duy trì tỷ lệ trống thấp và duy trì mức tăng giá nhẹ do số lượng nguồn cung thấp. Các phân khúc khác như chưng cư cao cấp, nhà phố liền kề, đất nền, nhà phố cho thuê kinh doanh …được ghi nhận là đi ngang.
Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, bất động sản vẫn là ngành kinh tế mang lại hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp Việt, từ đó thì họ mới có tiền đề đầu tư các ngành kinh tế khác.
“Làm thế nào phải tháo gỡ được con số 2,8 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng bất động sản (Phát triển dự án và cho vay mua nhà), đặc biệt là phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội. Bất động sản phải phục hồi thì kinh tế mới phục hồi được”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone