'Ông lớn' nước ngoài chi nghìn tỷ, âm thầm thâu tóm DN dược Việt Nam
(VNF) - Từ đối tác chiến lược, nhiều cổ đông ngoại đã tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty dược phẩm Việt lên mức chi phối.
Cổ đông Nhật muốn sở hữu 35% vốn Dược Hà Tây
Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT) mới đây đã nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai cổ phiếu từ ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản). Dù số lượng chào mua chỉ vỏn vẹn 9.000 cổ phiếu nhưng nếu giao dịch thành công, ASKA Pharmaceutical sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu từ 34,99% lên 35,001%.
Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông đến từ Nhật Bản này sẽ có quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng của doanh nghiệp này.
Kể từ năm 2021, ASKA Pharmaceutical đã trở thành cổ đông lớn của Dược phẩm Hà Tây khi mua vào 5,28 triệu cổ phiếu DHT, nâng tổng số lượng nắm giữ khi đó lên 6,75 triệu cổ phiếu DHT, tương ứng 24,9% vốn điều lệ.
Tham vọng không dừng lại ở đó, cuối năm 2023, ASKA Pharmaceutical tiếp tục gia tăng sở hữu tại công ty dược này, mua vào thêm 8,4 triệu cổ phiếu DHT. Tỷ lệ sở hữu lúc này tăng lên 32,56%. Trong 2 tháng đầu năm 2024, cổ đông Nhật Bản này tiếp tục gom thêm 2 triệu cổ phiếu DHT, tỷ lệ sở hữu dừng ở mức ngấp nghé 35%.
Ông Lê Xuân Thắm, Thành viên HĐQT Dược phẩm Hà Tây từng chia sẻ trong ĐHĐCĐ bất thường năm 2020, việc liên kết với ASKA Pharmaceutical sẽ có nhiều thuận lợi cho Dược phẩm Hà Tây vì đối tác là một nhà sản xuất dược phẩm top 17 Nhật Bản, có 4 phân xưởng tại thành phố Iwaki tỉnh Fukushima, 1 trong 4 phân xưởng này đã đạt tiêu chuẩn PIC/S Nhật Bản.
Bên cạnh ASKA Pharmaceutical, các cổ đông lớn khác tại Dược phẩm Hà Tây là bà Lê Việt Linh, thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc (nắm giữ 7,06% vốn) và ông Lê Văn Lớ, chủ tịch HĐQT (nắm 6,25% vốn).
Hiện cổ phiếu DHT đang được giao dịch với mức giá 69.000 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 30/8). Tạm tính theo mức giá này, ASKA Pharmaceutical có thể sẽ phải chi 621 triệu đồng để gom 9.000 cổ phiếu DHT.
'Ông lớn' nước ngoàii ưa thích ngành dược Việt Nam
Không chỉ tại Dược phẩm Hà Tây, sự hiện diện của khối ngoại tại các công ty dược phẩm của Việt Nam đang ngày càng rõ nét trong những năm gần đây.
Từ đối tác chiến lược, nhiều cổ đông ngoại đã tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty dược phẩm Việt lên mức chi phối. Đơn cử như tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (HoSE: DMC), Tập đoàn Abbott đã tiến hành thâu tóm công ty này từ năm 2012. Đến năm 2016, tỷ lệ sở hữu chính thức tăng lên mức chi phối 51,69% ngay sau khi DMC nới room ngoại lên 100%. Giới phân tích ước tính số tiền mà Abbott đã chi để thâu tóm DMC là khoảng 400 tỷ đồng.
Tương tự, tại Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG), cổ đông ngoại Taisho bắt đầu rót tiền đầu tư vào năm 2016, chi khoảng 100 triệu USD để sở hữu 24,44% vốn của công ty dược phẩm này. Sau nhiều lần gia tăng sở hữu, đến giữa năm 2019, ngay sau khi DHG nới room ngoại từ 49% lên 100%, Taisho đã nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG lên mức chi phối 51%.
Số tiền mà cổ đông Nhật Bản ước tính đã chi ra để thâu tóm DHG là khoảng 7.000 tỷ đồng, đưa thương vụ này trở thành 1 trong những thương vụ M&A lớn nhất ngành dược phẩm.
Tại Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP), từ mức sở hữu ban đầu là 12,3 triệu cổ phần (tương đương 24,9% vốn) được chuyển nhượng từ nhóm quỹ Dragon Capital, CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset,… SK Group (Hàn Quốc) đã thâu tóm Imexpharm sau khi mua Red Capital (công ty mẹ của KBA nắm giữ 7,37% cổ phần Imexpharm), đồng thời tiếp tục chào mua công khai thêm 1,1% để nâng sở hữu lên 55%.
Bên cạnh các thương vụ tiêu biểu trên, tại nhiều công ty dược phẩm như Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA), Công ty Cổ phần Pymepharco (PME), Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC (HoSE: OPC), Công ty Cổ phần Hoá - Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP),… đều có sự xuất hiện của các cổ đông ngoại.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành dược phẩm Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 10% mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2023. Tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn bùng phát của dịch Covid– 19, khi người dân chi tiêu nhiều hơn cho các nhóm sản phẩm về hô hấp và miễn dịch. Đà tăng trưởng có sự chậm lại trong năm 2023 khi dịch bệnh đi qua, quy mô toàn ngành đạt 8,5 tỷ USD (tăng 6%) theo IQVIA.
Cũng theo IQVIA, tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu được dự báo tăng trưởng kép từ 3 – 6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính sẽ đạt 1,9 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Sau giai đoạn biến động mạnh do đại dịch gây ra từ năm 2020 – 2022, tốc độ tăng trưởng nhìn chung sẽ chững lại và quay trở lại quỹ đạo ổn định kể từ năm 2024.
Tuy nhiên, các khu vực trên thế giới đang phát triển theo các xu hướng khác nhau. Tại quốc gia đã phát triển như Mỹ, quy mô thị trường tại đây gần như đi ngang với dự báo tăng trưởng kép chỉ từ 1- 2%, do tác động của việc hết hạn bằng sáng chế dẫn đến sự cạnh tranh giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc tương đương sinh học.
Trong khi đó, các quốc gia tại khu vực đang phát triển như Nam Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ), Trung Đông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh, bởi xu hướng già hóa dân số và sự chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc đắt tiền khi thu nhập tăng lên.
Không đứng ngoài xu hướng phát triển chung của cả khu vực, ngành dược Việt Nam đang được hưởng lợi trong dài hạn bởi sự già hóa dân số và chi tiêu của người dân dành cho dược phẩm ngày càng tăng lên.
Dược Bảo Châu: Chủ tịch bị bắt, kinh doanh đổ dốc, ‘giấc mơ’ niêm yết dở dang
- 'Khối ngoại bán ròng mạnh chủ yếu do yếu tố bên ngoài' 21/08/2024 09:15
- Khối ngoại liên tiếp mua ròng, nhiều tổ chức dự phóng MSN giá 3 chữ số 11/06/2024 05:56
- NĐT cá nhân nội 'đối đầu' khối ngoại: Chờ phản ứng ở mốc 1.250 điểm 02/06/2024 07:20
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.