Tiêu điểm

Ông Phạm Sanh Châu trước cơ hội lịch sử trở thành Tổng giám đốc Unesco

(VNF) - Tại khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO 202 (từ 4-18/10), 58 quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu kín bầu Tổng Giám đốc UNESCO. Bầu cử sẽ bắt đầu vào cuối ngày 9/10.

Ông Phạm Sanh Châu trước cơ hội lịch sử trở thành Tổng giám đốc Unesco

Đại sứ Phạm Sanh Châu

Ngày mai (9/10), tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) ở Paris, Pháp, sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu kín nhằm chọn Tổng Giám đốc mới của Tổ chức này, thay thế bà Irina Bokova, người sẽ rời cương vị này vào cuối năm nay sau 2 nhiệm kỳ.

Đại diện Việt Nam trong danh sách này là ông Phạm Sanh Châu, người đã tham gia một cuộc thi với 7 đại diện các quốc gia khác gồm Moushira Khattab (Ai Cập), Vera El Khoury Lacoeuilhe (Lebanon), Hamad Bin Abdulaziz Al-Kawari (Qatar), Audrey Azoulay (Pháp), Qian Tang (Trung Quốc), Polad Bulbuloglu (Azerbaijan) và Saleh Mahdi Al-Hasnawi (Iraq).

Tại khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO 202 (từ 4-18/10), 58 quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu kín bầu Tổng Giám đốc UNESCO. Bầu cử sẽ bắt đầu vào cuối ngày 9/10.

Đại hội đồng UNESCO sẽ xem xét thông qua ứng cử viên duy nhất được Hội đồng Chấp hành UNESCO giới thiệu vào khóa họp tháng 11/2017.

Tiếp đó, Tổng Giám đốc mới của UNESCO sẽ nhậm chức vào ngày 15/11 với nhiệm kỳ kéo dài 4 năm, trong khi Hội đồng Chấp hành (họp 2 lần/năm) sẽ hoàn thành dự thảo chương trình và ngân sách của UNESCO trong giai đoạn 2018-2021 để trình Đại hội đồng để phê chuẩn.

Ứng viên đến từ Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu, được mô tả là "một nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu", hiện đang là Đặc phái viên của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về vấn đề UNESCO, Đại diện của Việt Nam tại Hội đồng Chấp hành UNESCO.

Sinh ra trong một gia đình ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được đào tạo bài bản tại Việt Nam và nhiều nước châu Âu, là người thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp.

Đại sứ Phạm Sanh Châu là một nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983 với trách nhiệm theo dõi các hoạt động chung của LHQ và vấn đề nhân quyền, vì thế ông nắm vững luật lệ, thủ tục và thông lệ của tổ chức LHQ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng được Nhà nước Việt Nam cử làm Đại diện của Chủ tịch nước Việt Nam tại Cộng đồng Pháp Ngữ (2000-2003), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và Trưởng đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (2011-2014).

Nhờ trải qua việc đảm đương cương vị Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO (2000-2003), ông được cho là "hiểu rõ về tổ chức và có những đóng góp cụ thể vào các hoạt động của UNESCO, đặc biệt các đóng góp mang ý nghĩa lâu dài cho vai trò, vị thế và sự phát triển của UNESCO".

Ông cũng hai lần là Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (2007-2011 và từ 2014 đến nay), cơ quan điều phối của 6 bộ, ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam).

Tin mới lên