TT Putin: Kinh tế Nga phát triển nhanh hơn các cường quốc toàn cầu

Thanh Tú - 08/06/2024 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/6 cho biết nền kinh tế Nga đang phát triển nhanh hơn so với các cường quốc toàn cầu khác và đang phát triển mà không phụ thuộc vào dầu khí.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF), ông Putin lưu ý rằng GDP của Nga đã tăng 3,6% vào năm ngoái, phục hồi sau mức suy thoái 1,2% trong bối cảnh Nga hứng loạt đòn trừng phạt của phương Tây liên quan tới chiến sự Ukraine.

Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh rằng bươc sang năm 2024, nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục phát triển: “Trong quý đầu tiên của năm nay, mức tăng trưởng đạt 5,4%. Tức là tốc độ tăng trưởng của chúng tôi vượt quá mức trung bình thế giới”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) 2024. (Ảnh:; Sputnik)

Ông Putin cho biết xu hướng này phần lớn bắt nguồn từ các ngành công nghiệp không dựa vào tài nguyên. Theo nhà lãnh đạo Nga, năm 2023, trên 40% tăng trưởng GDP đến từ các ngành cơ bản như sản xuất, xây dựng, hậu cần, truyền thông và nông nghiệp, trong khi khoảng 60% là từ các ngành hỗ trợ như thương mại, khách sạn và dịch vụ tài chính.

Ông lưu ý rằng Nga đã đặt mục tiêu gia nhập bốn nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và dường như đã đạt được điều này. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tuần trước, Nga hiện được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới dựa trên sức mua tương đương (PPP), vượt qua Nhật Bản và Đức.

Tuy nhiên, theo ông Putin, đất nước không được lơ là mà phải nỗ lực phát triển hơn nữa. “Điều quan trọng hiện nay là đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao và chất lượng tăng trưởng trong dài hạn để duy trì vị thế của Nga”, ông Putin tuyên bố.

Nga đã phải đối mặt với nhiều vòng trừng phạt của phương Tây kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Các biện pháp này bao gồm từ việc đưa hầu hết các ngân hàng Nga vào danh sách đen và cắt chúng khỏi hệ thống nhắn tin liên ngân hàng quốc tế SWIFT, cho đến đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sự tăng trưởng kinh tế ổn định của Nga trước những thách thức này là nhờ việc nước này chuyển hướng sang các thị trường ở châu Phi, Trung Đông và châu Á, cũng như những thay đổi tài chính được các cơ quan tài chính của nước này áp dụng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4 cho biết họ kỳ vọng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024. Theo dự báo của tổ chức này, GDP của nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2%, vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​của Mỹ ( 2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).

Bộ trưởng Tài chính Nga: Phương Tây “tự bắn vào chân mình”

Cũng phát biểu tại SPIEF, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định rằng các nước phương Tây đang “tự bắn vào chân mình” khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov.

“Tôi nghĩ các biện pháp trừng phạt là nguyên nhân. Các quốc gia phương Tây vui vẻ áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng họ lại tự bắn vào chân mình. Nền kinh tế của họ đang trì trệ, nền kinh tế của chúng ta đang phát triển. Do đó, quá trình tăng trưởng kinh tế của Nga đã tăng tốc”, ông Siluanov nói trong cuộc thảo luận tập trung vào các mục tiêu đặt ra cho nền kinh tế Nga.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov trước đó cho biết ông kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ bằng năm ngoái, trong khi Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra mức 2,5-3,5%.

Nga đã học được cách vượt qua những tình huống khó khăn, “hỗn loạn” nhất của nền kinh tế toàn cầu, như đại dịch Covid-19 và các lệnh trừng phạt, nhờ vào chính sách tiền tệ và ngân sách mà nước này áp dụng, ông Siluanov nói thêm.

Thống đốc Ngân hàng Nga Elvira Nabiullina, người có mặt tại cuộc thảo luận, cho biết cơ quan quản lý đã đặt mục tiêu lạm phát ở mức 4%. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng ở Nga đứng ở mức 7,8%.

Sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow sau khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022, lạm phát ở Nga đã tăng vọt ở mức gần 18% vào tháng 4 năm đó. Ngân hàng trung ương đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất cơ bản lên 20%, giúp giảm dần lạm phát xuống 2,3% vào tháng 4/2023. Sau một số lần điều chỉnh, lãi suất cơ bản ở Nga hiện ở mức 16%.

Theo RT
Tổng thống Putin lôi kéo các đối tác mới, ‘ngó lơ’ chiến sự Ukraine

Tổng thống Putin lôi kéo các đối tác mới, ‘ngó lơ’ chiến sự Ukraine

Tài chính quốc tế
(VNF) - Thường được gọi là “Davos của Nga”, Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 27 vừa khai mạc ở thành phố lớn thứ hai của Nga Saint Petersburg. Đây là cơ hội để Nga “lôi kéo” thêm nhiều đối tác kinh doanh mới.
Cùng chuyên mục
Tin khác