Ông Putin: Nga không còn là 'trạm xăng'

Thanh Tú - 04/11/2023 10:07 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng nền kinh tế Nga đang tự chủ về mọi mặt chứ không chỉ là “trạm xăng" như từng được ví von trước đây.

VNF
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/11, tổng thống Nga khẳng định rằng điều quan trọng của Nga bây giờ là phải có chủ quyền và độc lập về mọi mặt, bao gồm cả về mặt kinh tế. Ông đồng thời lưu ý nước này đang ngày càng trở nên tự chủ hơn. 

“Đó là lúc chúng ta biến thành một quốc gia mà sản xuất chế biến đã chiếm 43% cơ cấu tăng trưởng kinh tế, khi chúng ta không còn là ‘một trạm xăng chứ không phải một nền kinh tế' như họ từng nói", ông Putin nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng thống Putin, nền kinh tế Nga nên “tự cung tự cấp những thành phần quan trọng để giúp đất nước không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh”.

“Khi tất cả những điều này thay đổi, khi chúng ta tự chủ được thì sẽ ít có khả năng chúng ta bị loại khỏi một tổ chức nào đó”, nhà lãnh đạo Nga nói thêm.

Tuyên bố của ông Putin gợi nhớ lại nhận định của Thượng nghị sĩ John McCain hồi năm 2014 khi ông miêu tả Nga là “một trạm xăng đội lốt một quốc gia”.

Ông McCain nói chính phủ Nga không khác gì một công ty dầu khí và ông cảm thấy không có gì cần lo lắng về tương lai lâu dài của nước Nga.

Sở dĩ Nga được ví von như vậy bởi nước này không chỉ là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới mà còn sở hữu trữ lượng tài nguyên xăng dầu mà nhiều quốc gia khác không có được. Cũng chính bởi trữ lượng xăng dầu rất lớn này mà nước Nga từ lâu được ngầm xem là “một thế lực tài nguyên” mà nhiều cường quốc phải e dè.

Châu Âu thiệt hại 1,5 nghìn tỷ USD

Ở động thái liên quan, phát biểu trước báo giới bên lề Diễn đàn kinh tế Á-Âu Verona ở Samarkand (Uzbekistan) ngày 3/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cho biết các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã phải gánh chịu một khoản thiệt hại cực kỳ lớn do các lệnh trừng phạt sâu rộng chống lại Moscow.

Nhà ngoại giao này nói thêm rằng ông không thấy có dấu hiệu nào cho thấy khối này sẽ đảo ngược chính sách của mình đối với Moscow trong tương lai gần.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko.

“Toàn bộ tổn thất mà EU phải gánh chịu do việc áp dụng các lệnh trừng phạt và các quyết định cắt giảm hợp tác với Nga, theo ước tính thận trọng, đã lên tới khoảng 1,5 nghìn tỷ USD”, ông Grushko cho hay.

Ông lưu ý rằng thương mại song phương giữa Nga và các nước thành viên EU đã lên tới 417 tỷ USD vào năm 2013 và khẳng định con số này có thể đạt tới 700 tỷ USD trong năm nay nếu không có các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine.

Cũng theo ông Grushko, khối lượng giao dịch của Nga và EU đạt tổng cộng 200 tỷ USD vào năm 2022, nhưng dự kiến ​​sẽ giảm xuống dưới 100 tỷ USD vào cuối năm 2023.

“Năm tới, nó sẽ tiếp tục giảm xuống còn 50 tỷ USD và sau đó sẽ hướng về 0”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhận định.

Theo nhà ngoại giao Nga, ngành công nghiệp của Đức hiện phải mua khí đốt tự nhiên với giá cao gấp ba lần so với giá ở Mỹ.

Ông nhấn mạnh rằng các dây chuyền sản xuất đang dần chuyển sang Bắc Mỹ bất chấp các dấu hiệu đỏ đang được các doanh nghiệp Đức cảnh báo.

Cho đến nay, Brussels đã đưa ra 11 gói trừng phạt chống lại Nga liên quan đến hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine. Số lệnh hạn chế đã lên tới hàng chục nghìn, mặc dù các quan chức ở EU và Mỹ nhiều lần thừa nhận tác động tiêu cực của các biện pháp đối với Nga chưa đáng kể như mong đợi.

Xem thêm >> Ấn Độ thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc: Khi 'con voi' phi nước kiệu

Theo RT, Politico
Cùng chuyên mục
Tin khác