Diễn đàn VNF

Ông Trịnh Văn Quyết: ‘Không xin nhà nước hỗ trợ tiền, chỉ kiến nghị cải cách thể chế’

(VNF) - “Hàng ngàn phòng khách sạn phải tạm dừng hoạt động, còn hàng không chỉ bay được 1% công suất trong giai đoạn 2 tuần cao điểm phòng chống Covid hồi đầu tháng 4. Chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình, nhưng nhiều mục tiêu tăng trưởng phải hoạch định lại”, ông Trịnh Văn Quyết nói.

Ông Trịnh Văn Quyết: ‘Không xin nhà nước hỗ trợ tiền, chỉ kiến nghị cải cách thể chế’

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Theo thông tin từ Tập đoàn FLC, tại buổi thảo luận, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bày tỏ FLC là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Bởi những ngành bị tác động tiêu cực nhất do dịch bệnh thời gian qua như hàng không, du lịch nghỉ dưỡng hay bất động sản nghỉ dưỡng… đều là những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.

“Hàng ngàn phòng khách sạn phải tạm dừng hoạt động, còn hàng không chỉ bay được 1% công suất trong giai đoạn 2 tuần cao điểm phòng chống Covid hồi đầu tháng 4. Chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình, nhưng nhiều mục tiêu tăng trưởng phải hoạch định lại”, ông Quyết nói.

Chủ tịch FLC lấy ví dụ trong năm 2020, tập đoàn dự kiến tuyển mới từ 5.000 - 7.000 lao động phục vụ cho hãng hàng không Bamboo Airways và các khu nghỉ dưỡng, nhưng kế hoạch này đến nay phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Tuy nhiên, ngay cả trong hoàn cảnh đầy thách thức, ông Quyết vẫn cho rằng “việc doanh nghiệp xin nhà nước hỗ trợ tiền là không nên”.

“Tôi xin đề xuất với các doanh nhân trong CLB Doanh nhân Sao Đỏ: chúng ta không nên kiến nghị nhà nước hỗ trợ tiền, mà chỉ kiến nghị hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc đẩy mạnh cải cách về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách… để làm sao bới đi nhiều điểm tắc nghẽn không đáng có, để góp phần tạo nên những đột phá mới cho nền kinh tế thời hậu Covid-19”, ông Quyết nói.

Theo Chủ tịch FLC, đây chính là sự hỗ trợ quan trọng và khả thi nhất mà Đảng, Chính phủ cũng như ban, ngành các cấp có thể dành cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn rất đặc biệt hiện nay.

“Đây là những vấn đề chung nếu được giải quyết thì tất cả doanh nghiệp lớn, nhỏ sẽ được hưởng lợi”, ông Quyết nhấn mạnh và nêu ví dụ cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý theo hướng giải quyết nhanh hơn, thoáng hơn.

Bởi thực tế, ông Quyết cho rằng dù cấp trên đã tháo gỡ, thông suốt về chủ trương nhưng cấp dưới vẫn xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc, và đây chính là một nút thắt lớn ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.

Còn theo ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, tinh thần chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy hiệu quả tích cực thời gian vừa qua, song lúc này cũng cần “cứu doanh nghiệp như cứu hoả”.

“Cái doanh nghiệp thiếu nhất hiện nay là dòng tiền, nhưng doanh nghiệp cũng không nên tìm cách xin tiền nhà nước. Vì vậy, cái doanh nghiệp cần nhất lúc này là những quyết sách, cơ chế từ Chính phủ”, ông Tiền nói.

Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền chia sẻ tại buổi thảo luận.

Cũng theo Chủ tịch Geleximco, với những dự án đang triển khai trước dịch, phải cho khởi động lại, thậm chí có cơ chế vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục nếu chưa hoàn thiện. Phải hành động quyết liệt như thời chiến.

Đặc biệt, ông Tiền cũng nhấn mạnh phải kỷ luật những quan chức không làm được việc. Đây cũng là dịp tạo ra cơ chế mới trong hành động của Chính phủ.

Các doanh nhân lớn của CLB Doanh nhân Sao Đỏ trong cuộc gặp gỡ, thảo luận.

Nhận định về thách thức của Covid-19, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhắc đến sự nguy hiểm của ba loại virus: "virus gây Covid- 19", "virus sợ hãi" và "virus tiêu dùng tối thiểu đang bóp chặt chi tiêu của người dân".

Chính vì vậy, ông Bình cho rằng ngay lúc này phải chiến đấu trên cả 3 mặt trận: chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp và chống thất nghiệp.

"Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch hoạt động rất hiệu quả, vì vậy rất cần có Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Ban này nên có sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Ban chỉ đạo sẽ đưa ra các quyết sách đặc thù và đặc biệt không hồi tố, hành động như thời chiến”, Chủ tịch FPT kiến nghị.

Tin mới lên