'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Từ đầu tháng 10, trung tâm mua sắm Parkson Cantavil, khối đế thương mại của chung cư cao tầng Cantavil tại mặt tiền Xa lộ Hà Nội, quận 2, TP. HCM không còn treo thương hiệu của Parkson. Thay vào đó là bảng hiệu của Trung tâm tiêm chủng vắc xin dành cho trẻ em và người lớn. Nhiều tiểu thương, nhãn hàng đã rời đi và các gian hàng còn lại rơi vào cảnh vắng khách, ế ẩm.
Nhân viên một cửa hàng kinh doanh chăn ga gối ở tầng 2 của khối đế bán lẻ Cantavil cho biết khu thương mại này đang thay đơn vị chủ quản. Có những tiểu thương đã tìm địa điểm kinh doanh mới bên ngoài, một số thương hiệu mỹ phẩm, nữ trang vẫn còn bám trụ lại đây.
Trong bảng thông báo đặt ở mỗi tầng, Trung tâm thương mại Cantavil Premier Mall cho biết khu mua sắm này vẫn hoạt động bình thường trong thời gian nâng cấp. Song thông báo này không có dòng nào đề cập đến sự hiện diện của tập đoàn bán lẻ Parkson.
Việc bố trí mặt bằng thương mại hiện tại gồm có: tầng hầm là siêu thị Big C; tầng một là cà phê, mỹ phẩm và trang sức; tầng hai và ba là các cửa hàng thời trang; các tầng còn lại dành cho ẩm thực và giải trí.
Trao đổi với PV, một công ty tư vấn và môi giới bất động sản có vốn nước ngoài hoạt động tại TP. HCM xác nhận hiện mặt bằng thương mại của cao ốc Cantavil, nơi Parkson từng hoạt động trước đây đã được một nhà bán lẻ mới vào thế chỗ. Nhà bán lẻ mới này đang tiến hành các công tác rà soát và sắp xếp lại. Công ty tư vấn còn cho hay hiện Parkson trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục rút khỏi khối đế bán lẻ của cao ốc Cantavil.
Đến nay, Parkson chưa thông báo chính thức việc rút khỏi Cantavil. Thế nhưng, giới tư vấn cho thuê mặt bằng bán lẻ dự báo viễn cảnh Parkson tiếp tục đóng cửa trung tâm thương mại ở khu Đông TP. HCM chỉ là vấn đề thời gian vì hoạt động kém hiệu quả.
Ra mắt thị trường bán lẻ TP. HCM vào cuối năm 2013 với số vốn đầu tư 8 triệu USD, Parkson Cantavil khi ấy được kỳ vọng có thể đi tắt đón đầu tiềm năng to lớn của thị trường bán lẻ phía Đông thành phố. Nhà bán lẻ này nhắm đến mục tiêu đáp ứng ngay nhu cầu mua sắm, giải trí cao cấp cho khách hàng tại phố nhà giàu quận 2 và các quận lân cận. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh ngày càng ảm đạm đã khiến Parkson lâm vào thế dỡ bảng hiệu tại Cantavil.
Nếu việc rút khỏi Cantavil của Parkson hoàn tất và được tập đoàn xác nhận, đây sẽ là trung tâm thương mại thứ năm của nhà bán lẻ này đóng cửa ở Việt Nam và là trung tâm thương mại thứ hai của họ phải dừng hoạt động trong năm 2018.
Hồi tháng 2/2018, Parkson Flemington (quận 11, TP. HCM) cũng rút bảng hiệu khỏi khối đế của tòa tháp Flemington. 3 trung tâm thương mại khác của đại gia bán lẻ này đã từng đóng cửa tại Việt Nam gồm có: Parkson Viet Tower (đóng tháng 12/2016), Parkson Paragon (tháng 5/2016), Parkson Keangnam (tháng 1/2015).
Với 5 trung tâm thương mại đóng cửa từ năm 2015 đến nay, Parkson cho thấy dấu hiệu đuối sức trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ tại thị trường họ từng đánh giá đầy tiềm năng. Bởi lẽ cách đây nửa thập niên, đại gia bán lẻ này đặt mục tiêu mỗi năm sẽ mở 2-3 trung tâm tại các đô thị lớn của Việt Nam. Hiện Parkson tại TP. HCM chỉ còn lại 3 trung tâm thương mại gồm Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1), CT Plaza (Tân Bình), Hùng Vương (quận 5) song khu mua sắm nào cũng vắng khách.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Parkson Retail Asia (chưa kiểm toán), tính đến quý IV/2017 và kết thúc năm tài chính vào 30/6/2018, doanh số bán hàng của tập đoàn sụt giảm ở tất cả bốn thị trường: Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Myanmar. Trong đó, Việt Nam là thị trường kém hiệu quả nhất.
Các hoạt động của Parkson tại thị trường Việt Nam ghi nhận doanh thu giảm 14,6% theo quý và giảm 8,3% theo năm. Báo cáo đánh giá, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn thách thức trong bối cảnh số lượng trung tâm thương mại xuất hiện dày đặc. Tập đoàn nhận định cần phải bổ sung các hoạt động quảng bá chuyên sâu mới có thể cải thiện tình hình. Trong khi đó, doanh số tại Myanmar và Indonesia cùng giảm 3,8% và Malaysia giảm 1,5% theo năm.
Parkson Retail Asia cũng ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 17,58 triệu USD theo quý và lỗ 40,1 triệu USD theo năm. Kết quả kinh doanh ảm đạm này phản ánh môi trường hoạt động đầy thách thức mà tập đoàn gặp phải tại Việt Nam. Bằng chứng là tăng trưởng doanh số bán hàng đang ngày càng tiêu cực.
Giải pháp cho các vấn đề ở Việt Nam được Parkson Retail Asia tính đến là đóng cửa các trung tâm thương mại không hiệu quả. Điều này cũng được triển khai tại các thị trường khác.
Trong năm tài chính 2017-2018, tính đến tháng 6/2018, tập đoàn đã đóng cửa tổng cộng 8 trung tâm thương mại gồm 5 tại Malaysia, 2 tại Indonesia và một tại Việt Nam. Tuy vậy, báo cáo tài chính này chỉ mới xác nhận việc Parkson Flemington đóng cửa tại TP. HCM hồi quý I/2018 và chưa cập nhật tình trạng rút bảng hiệu của Parkson Cantavil.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.