Ngân hàng

Phá sản ALCII: Chi trả các bên thế nào?

(VNF) – Các khoản vay đặc biệt, chi phí phá sản và các khoản lương, trợ cấp, bảo hiểm của người lao động sẽ được ưu tiên thanh toán trước tiền gửi của khách hàng khi tiến hành phá sản ALCII nói riêng và phá sản tổ chức tín dụng nói chung.

Phá sản ALCII: Chi trả các bên thế nào?

Phá sản ALCII: Chi trả các bên thế nào?

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1/2018 đã "mở đường" cho các tổ chức tín dụng được phép phá sản. Và ngay trong năm 2018, đã có một tổ chức tín dụng được thực hiện phá sản, đó là Công ty Cho thuê tài chính III (ALCII).

Cụ thể, ngày 31/7/2018, Tòa án Nhân dân TP. HCM đã ra Quyết định số 1009 tuyên bố phá sản đối với ALCII.

Vấn đề lớn đang đặt ra là ALCII sẽ chi trả cho các bên thế nào khi tiến hành phá sản? Hiện nhiều tổ chức lớn đang "kẹt" hàng trăm tỷ đồng tại ALCII trong nhiều năm mà chưa thu hồi được, chẳng hạn như Bảo hiểm xã hội Việt Nam hay Tập đoàn Bảo Việt.

Trước năm 2014, luật phá sản áp dụng chung cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật phá sản năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015 đã có quy định riêng về Thủ tục phá sản các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.

Thông thường, các tổ chức tín dụng đã rơi vào diện kiểm soát đặc biệt thì đồng nghĩa với việc đã và/hoặc đang rơi vào tình trạng khó khăn trong khả năng thanh toán.

Để giải quyết tình trạng khó khăn trong khả năng thanh toán tại các tổ chức tín dụng yếu kém, thông thường, NHNN cấp cho các tổ chức tín dụng này một khoản vay gọi là khoản vay đặc biệt, có thể cấp trực tiếp và/hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng khác.

Khoản vay đặc biệt này được cấp chủ yếu là để đảm bảo ngân hàng duy trì được khả năng chi trả tiền gửi cho khách hàng. Khoản vay đặc biệt cũng liên quan mật thiết đến vấn đề phân chia tài sản khi tiến hành phá sản tổ chức tín dụng.

Phân chia tài sản thế nào khi tiến hành phá sản tổ chức tín dụng?

Một trong những nội dung được quan tâm nhất là luật quy định thế nào về vấn đề phân chia tài sản khi tiến hành phá sản tổ chức tín dụng.

Các khoản vay đặc biệt như đã trình bày ở trên, sẽ được hoàn trả ngay cho NHNN hoặc/và các tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản.

Sau khi thanh toán các khoản vay đặc biệt, khi thực hiện phân chia tài sản, chi phí phá sản sẽ được ưu tiên phân chia đầu tiên.

Tiếp đó, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết sẽ được ưu tiên phân chia tài sản.

Khác với quy định phá sản doanh nghiệp thông thường, quy định mới về phá sản tổ chức tín dụng ưu tiên phân chia tài sản cho chủ nợ là người gửi tiền trước các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Cụ thể, đối tượng được phân chia tài sản tiếp theo là khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của NHNN.

Tiếp đến là nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Cuối cùng mới là các cổ đông của ngân hàng, hay rộng hơn là thành viên góp vốn của các tổ chức tín dụng tiến hành phá sản.

Trong trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên sẽ được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Đối với trường hợp của ALCII, nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc/và Tập đoàn Bảo Việt là khách hàng gửi tiền tại ALCII thì các tổ chức này sẽ được chia tài sản sau khi ALCII thanh toán các khoản vay đặc biệt, chi phí phá sản và thanh toán các khoản nợ lương, trả cấp thôi việc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...

Còn nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc/và Tập đoàn Bảo Việt là chủ nợ cho ALCII vay vốn thì sẽ được chia tài sản sau khi ALCII phân chia tài sản cho khách hàng gửi tiền.

Agribank, chủ thể sở hữu 100% vốn của ALCII sẽ được phân chia tài sản cuối cùng. Nếu Agribank không có hợp đồng bảo lãnh trả thay khi ALCII phá sản thì ngân hàng này không có nghĩa vụ chi trả thay cho ALCII. Theo đó, việc chi trả, như đã trình bày ở trên, sẽ được thực hiện tuần tự và Agribank sẽ là chủ thể được chia tài sản cuối cùng.

Tại ngày 31/12/2017, ALCII có khoản âm vốn chủ sở hữu là 12.034 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 12.464 tỷ đồng và có khoản tiền vay và tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác và tiền gửi của khách hàng phải trả đã quá hạn, với tổng số tiền lần lượt là 2.865 tỷ đồng và 1.579 tỷ đồng.

Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm và tổng mức chênh lệch thanh khoản ròng của các tài sản và các nợ phải trả đến hạn trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày 31/12/2016 của Công ty đang bị âm.

Tin mới lên