Tài chính

Phác họa bức tranh tài chính của 'ông lớn' xuất nhập khẩu Tân Đại Dương

(VNF) - Là doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics tại Quảng Ninh, nhưng những năm gần đây, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương (sau đây gọi là Tân Đại Dương) bắt đầu "lấn sân" sang mảng bất động sản công nghiệp.

Phác họa bức tranh tài chính của 'ông lớn' xuất nhập khẩu Tân Đại Dương

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương được thành lập ngày 31/3/2008. Doanh nghiệp này có trụ sở tại số 29, đường Hữu Nghị, tổ 6, khu 3, phường Trần Phú, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Hoạt động kinh doanh chính của công ty bao gồm các dịch vụ thông quan xuất khẩu – nhập khẩu hàng hóa; dịch vụ vận tải vận chuyển hàng hóa; dịch vụ kho lạnh và kho bãi ngoại quan tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai...

Ngoài ra, Tân Đại Dương còn tham gia vào các dự án như dự án văn phòng giao dịch, kho chứa hàng hóa, cơ sở gia công thức ăn và bãi đỗ xe phường Hải Yên, TP. Móng Cái (diện tích 9.718,0 m2); dự án cụm công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên (diện tích 16ha); dự án khu thương mại dịch vụ và kiểm soát hàng hóa cầu Bắc Luân III (diện tích giai đoạn I là 203.453 m2).

Theo tìm hiểm của VietnamFinance, chủ tịch HĐQT của Tân Đại Dương là ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1974). Người đại diện pháp luật, kiêm tổng giám đốc của doanh nghiệp này trong những năm qua liên tục có sự thay đổi. Ban đầu từ bà Vũ Thị Thu Hoài (sinh năm 1980), rồi chuyển sang ông Nguyễn Văn Thành và hiện tại là bà Phạm Thị Hoa Hiên (sinh năm 1984).

Vốn điều lệ lúc mới thành lập của Tân Đại Dương là 4 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: ông Nguyễn Mạnh Hà (2 tỷ đồng), ông Nguyễn Văn Thành (500 triệu đồng) và bà Đồng Thị Nhuần (1,5 tỷ đồng). Năm 2016, vốn điều lệ của Tân Đại Dương tăng lên 400 tỷ đồng. Lúc này, tỷ lệ cổ phần của ông Hà và bà Nhuần không thay đổi, nhưng ông Thành trở thành cổ đông lớn nhất của công ty, với giá trị cổ phần lên tới 392 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ của Tân Đại Dương đã tăng lên gấp 300 lần từ thời điểm thành lập, đạt mức 1.200 tỷ đồng.

Những điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính

Theo dữ liệu của VietnamFinance, 3 năm gần đây, tài sản của Tân Đại Dương liên tục "nở" ra một cách đầy ấn tượng. Cụ thể, nếu như năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức 406,2 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã tăng lên 557 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2020, tổng tài sản của Tân Đại Dương ghi nhận ở mức 1.243,8 tỷ đồng. Sau 3 năm, tài sản của doanh nghiệp đã "nở" ra gấp 3 lần.

Chiếm phần lớn trong tài sản của Tân Đại Dương là tài sản ngắn hạn (chiếm 90% tổng tài sản vào năm 2019; 92,3% vào năm 2020 và 85% năm 2020). Ấn tượng nhất trong tổng tài sản của doanh nghiệp này là khoản tiền mặt nắm giữ ngày một gia tăng. Ghi nhận đến cuối năm ngoái, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của Tân Đại Dương đạt ngưỡng gần 830 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn của Tân Đại Dương trong 3 năm qua cũng ngày một gia tăng, từ mức 214 tỷ đồng (2019) lên 216 tỷ đồng (2020) và 221,2 tỷ đồng (2021).

Tân Đại Dương cũng bất ngờ đầu tư mạnh vào công ty con trong năm 2021, với số tiền lên tới gần 140 tỷ đồng. Con số này vào năm trước đó chỉ vỏn vẹn 6 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tân Đại Dương không đáng kể, chỉ loanh quanh ở mức dưới 25 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý trong cơ cấu nguồn vốn của Tân Đại Dương là việc công ty huy động vốn thông qua việc tăng vốn góp thần tốc, từ mức 400 tỷ năm 2019, lên 550 tỷ vào 2020 và đạt 1.200 tỷ năm 2021.

Nhờ có màn tăng vốn góp ấn tượng nên vốn chủ sở hữu của Tân Đại Dương trong giai đoạn này cũng vô dùng dồi dào và đạt 1.220,5 tỷ đồng vào năm 2021.

Hoạt động kinh doanh của Tân Đại Dương cũng có tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2019 của doanh nghiệp là 26,6 tỷ đồng, đã tăng lên 69,4 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, doanh thu thuần của Tân Đại Dương đã vượt mốc 100 tỷ và đạt 119 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu thuần của doanh nghiệp đã tăng trưởng gần 350% sau 3 năm.

Doanh thu tăng trưởng ấn tượng, nhưng do giá vốn bán hàng cũng neo ở mức cao nên lợi nhận gộp thu về của Tân Đại Dương trong giai đoạn này chỉ còn lại lần lượt là 3 tỷ đồng (2019); 59,3 tỷ đồng (2020) và 35,4 tỷ đồng (2021).

Sau khi trừ đi các khoản chi phí (bán hàng, quản lý doanh nghiệp), lợi nhuận còn lại của Tân Đại Dương trong giai đoạn 2019 - 2021 lần lượt còn 595 triệu; 6,2 tỷ và 18,3 tỷ đồng.

Trong 3 năm qua, dòng tiền kinh doanh của Tân Đại Dương cũng được cải thiện một cách đầy ấn tượng. Từ mức âm 16 tỷ đồng năm 2019, đã được cải thiện lên 8 tỷ đồng vào năm 2020 và đến năm 2021 là 14,7 tỷ đồng.

Dù tham gia vào nhiều dự án đã nêu ở phần đầu nhưng có thể thấy dòng tiền chưa thực sự được giải ngân vào các dự án vì phần lớn nguồn tài chính huy động của Tân Đại Dương vẫn nằm trong sổ sách với số dư tiền mặt tính đến 31/12/2021 là hơn 800 tỷ đồng.

Tin mới lên