Phải bỏ cả tỷ USD để mua uranium của Nga, Mỹ quyết tâm ‘cai nghiện’

Thanh Tú - 16/01/2024 14:49 (GMT+7)

(VNF) - Mỹ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào uranium được làm giàu từ Nga. Năm ngoái, cũng như những thập kỷ trước, Nga là nhà cung cấp uranium đã làm giàu hàng đầu cho Mỹ.

“Ngoại lệ” cho uranium

Nga hiện cung cấp gần 1/4 lượng nhiên liệu hạt nhân được sử dụng trong các lò phản ứng thương mại của Mỹ. Phần lớn còn lại được nhập khẩu từ châu Âu. Phần cuối cùng, chiếm khoảng 1/3, được sản xuất bởi một tập đoàn của Anh-Hà Lan-Đức hoạt động tại Mỹ có tên là Urenco.

Mỹ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào uranium được làm giàu từ Nga.

Không chỉ Mỹ, gần chục quốc gia trên thế giới hiện đang phụ thuộc vào uranium đã được làm giàu của Nga, nhiều quốc gia trong số đó cũng là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng minh của Ukraine.

Nhiều nhà phân tích hạt nhân lưu ý rằng Nga cũng là nguồn cung cấp hàng đầu Haleu - nhiên liệu cần thiết cho một loại lò phản ứng hạt nhân tiên tiến mới đang được phát triển.

Mỹ đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với dầu và khí đốt của Nga, nhưng uranium do Nga làm giàu được xem là "ngoại lệ" bởi đây là nguồn cung nhiên liệu cho 92 lò phản ứng hạt nhân thương mại của Mỹ.

Hãng tin RIA Novosti của Nga mới đây trích dẫn dữ liệu từ cơ quan thống kê Mỹ cho thấy Mỹ đã nhập khẩu lượng uranium của Nga trị giá hơn 1 tỷ USD trong giai đoàn từ tháng 1 đến tháng 11/2023. Chỉ riêng trong tháng 11 năm ngoái, xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga sang Mỹ đã lên tới 96 triệu USD.

Mặc dù con số này là không đáng kể so với những tổn thất mà Moscow phải đối mặt trong các lệnh trừng phạt lên dầu khí, tuy nhiên, nó vẫn là một nguồn thu nhập nước ngoài quan trọng của "ông lớn" năng lượng Nga Rosatom, công ty có tổng doanh thu nước ngoài năm ngoái khoảng 8 tỷ USD.

Ngoài Nga, các nhà cung cấp uranium lớn khác cho Mỹ bao gồm Anh và Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt khoảng 48,6 triệu USD và 44 triệu USD trong tháng 11. Nguồn cung từ Bỉ đạt tổng cộng 2,4 triệu USD trong cùng kỳ, trong khi tổng lượng uranium nhập khẩu của Mỹ lên tới gần 191 triệu USD trong tháng 11.

Nỗ lực “cai nghiện”

Ngày 11/12/2023, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium của Nga. Dự luật có các điều khoản miễn trừ, cho phép nhập khẩu uranium làm giàu ở mức độ thấp của Nga nếu Bộ Năng lượng Mỹ xác định không có nguồn thay thế để vận hành lò phản ứng hạt nhân hoặc công ty năng lượng hạt nhân Mỹ, hoặc nếu việc nhập khẩu này phục vụ lợi ích quốc gia.

Mỹ đã nhập khẩu lượng uranium của Nga trị giá hơn 1 tỷ USD trong giai đoàn từ tháng 1 đến tháng 11/2023.

Tuy nhiên, dự luật này cần phải được Thượng viện thông qua và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành. Đây là một biện pháp nhằm gây trở ngại cho Rosatom, tập đoàn hạt nhân nhà nước của Nga. Sau khi được ban hành, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu uranium từ Nga trong 90 ngày nhưng còn tùy thuộc vào việc miễn trừ.

Theo dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ theo dõi, các nhà máy điện hạt nhân của nước này đã nhập khẩu khoảng 12% uranium từ Nga vào năm 2022, so với 27% từ Canada và 25% từ Kazakhstan. Khoảng 5% uranium được sử dụng ở Mỹ trong thời kỳ đó có nguồn gốc trong nước.

Các chuyên gia cho rằng Việc Mỹ phụ thuộc vào nhiên liệu do Nga làm giàu khiến các nhà máy hạt nhân hiện tại và tương lai của nước này dễ bị tổn thương nếu Nga bất ngờ ngừng bán uranium đã làm giàu.

Trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp uranium dồi dào của Nga, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết vào tuần trước rằng các nhà chức trách đang tìm kiếm hồ sơ dự thầu từ các nhà thầu để xây dựng nguồn cung cấp uranium trong nước được làm giàu tới mức cao hơn, phục vụ cho thế hệ lò phản ứng tiếp theo. Kế hoạch này dự kiến sẽ giúp Mỹ tìm được nhà cung cấp nhiên liệu thay thế, hiện chỉ có ở cấp độ thương mại từ Nga.

Xem thêm >> Cuộc chiến với Ukraine khiến kinh tế Nga ‘nóng đến mức nguy hiểm'

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác