Ông Putin: Châu Âu nên nghĩ ngày mai ăn gì, mặc gì thay vì đe doạ Nga

Mộc An - 11/01/2024 15:59 (GMT+7)

(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga là một "quốc gia tự cung tự cấp" và nền kinh tế đang phát triển bất chấp các lệnh trừng phạt, trong khi các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang trải qua "thời kỳ khó khăn".

VNF
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phát biểu trong cuộc gặp với người dân vùng Chukotka (vùng viễn đông của Nga) ngày 10/1, ông Putin khẳng định rằng Nga đã thể hiện khả năng phục hồi thực sự bằng cách không cúi đầu trước áp lực từ nước ngoài.

Khi được hỏi về những lời đe dọa mà một nhóm tình nguyện địa phương hỗ trợ quân đội nước này nhận được trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra với Ukraine, người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý rằng người Nga thường xuyên nhận được những lời đe dọa từ nước ngoài, nhưng “điều này không làm chúng tôi sợ hãi”.

Ông khuyên EU thay vào đó nên tập trung vào các vấn đề trong nước của họ. “Họ nên nghĩ về bản thân mình, ngày mai họ sẽ ăn gì, mặc gì. Tất cả họ đều có rất nhiều vấn đề không tương thích với vấn đề của chúng tôi”, ông Putin nhấn mạnh thêm.

Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất thế giới sau khi triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Nhiều quốc gia phương Tây đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt sâu rộng đối với Moscow, với những hạn chế mới nhất nhắm vào hoạt động buôn bán kim cương của nước này.

Nền kinh tế hàng đầu châu Âu đình trệ

Mặc dù ông Putin không chỉ ra bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng tuyên bố của ông dường như đề cập đến tình hình ở Đức, cường quốc lâu đời của EU.

Theo một báo cáo mới của Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, nước này có thể đã bước vào suy thoái, với sản lượng công nghiệp giảm tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng 11.

Nền kinh tế Đức bị đánh giá là sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong những năm tới.

“Dữ liệu sản xuất tháng 11 đáng thất vọng và sự suy giảm kỳ vọng kinh doanh gần đây cho thấy sự khởi đầu năm mới đầy khó khăn của ngành”. Các nhà kinh tế của Bloomberg cảnh báo, mặc dù nền kinh tế nước này dự kiến ​​sẽ có kết quả tốt hơn một chút trong quý đầu tiên của năm, nhưng nó có thể còn giảm sâu hơn nữa vào cuối năm 2024.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) mới được công bố, nền kinh tế Đức bị đánh giá là sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong những năm tới. Dự kiến vào năm 2027, quốc gia này sẽ mất vị trí nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào tay Ấn Độ.

Cũng theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Đức bị đánh giá yếu đi là do lĩnh vực sản xuất của nước này phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

"Vấn đề nguồn cung ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất của Đức trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh trong năm 2022. Sự phụ thuộc của Đức vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga đã khiến vấn đề này trầm trọng thêm", báo cáo của CEBR chỉ ra.

Cũng theo báo cáo, cú sốc giá năng lượng đã góp phần thúc đẩy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất EU. Mức tăng giá cả trong năm 2023 được dự báo khoảng 6,3%, thấp hơn so với mức 8,7% vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình gần đây.

Xem thêm >> Phương Tây tăng trừng phạt, Nga ‘điên cuồng’ khoan dầu

Theo RT, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác