Tài chính quốc tế

Phương Tây tăng trừng phạt, Nga ‘điên cuồng’ khoan dầu

(VNF) - Kỷ lục khoan dầu là dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của Nga trước các lệnh trừng phạt năng lượng của phương Tây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tốc độ hoạt động “điên cuồng” cũng mang theo một lời cảnh báo.

Tiếp tục lập đỉnh

Theo số liệu của Bloomberg, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2023, Nga đã khoan các giếng sản xuất dầu với tổng độ sâu 28.100km. 

Các nhà phân tích tại công ty tình báo Kpler và công ty tư vấn Ykov & Partners có trụ sở tại Moscow ước tính tổng độ sâu khoan dầu của Nga dự kiến đạt tới 30.000km trong cả năm 2023, đánh bại kỷ lục được thiết lập hồi năm 2022. 

Kỷ lục khoan dầu là dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của Nga trước các lệnh trừng phạt năng lượng của phương Tây.

Sự bùng nổ trong hoạt động khoan dầu tỉ lệ thuận với sự phục hồi cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu dầu của Nga, một minh chứng rõ ràng cho thấy ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã trở thành nguồn tài trợ chính cho cuộc chiến của Điện Kremlin ở Ukraine.

Lĩnh vực này đã trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt của phương Tây, từ cấm nhập khẩu và giới hạn giá đến cấm xuất khẩu công nghệ.

Năm ngoái, Mỹ đã trừng phạt hàng chục công ty sản xuất thiết bị khoan và phát triển kỹ thuật sản xuất mới, nhằm “hạn chế khả năng khai thác trong tương lai của Nga”. Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2022 đã áp đặt “hạn chế xuất khẩu toàn diện đối với thiết bị, công nghệ và dịch vụ cho ngành năng lượng ở Nga”.

Nhưng các dữ liệu chỉ ra rằng các biện pháp hạn chế này phần lớn đã thất bại. Ông Daria Melnik, phó chủ tịch phụ trách thăm dò và sản xuất tại công ty nghiên cứu Rystad Energy A/S có trụ sở tại Oslo, cho biết: “Chỉ khoảng 15% thị trường khoan nội địa của Nga phụ thuộc vào công nghệ từ những quốc gia được gọi là không thân thiện”.

Việc các công ty dịch vụ dầu khí lớn của phương Tây rút khỏi Nga cũng chỉ gây tác động tối thiểu vì họ để lại tài sản gần như nguyên vẹn ở Nga.

Hai trong số những nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới là Halliburton Co. và Baker Hughes Co.  đã bán các đơn vị ở Nga của họ và rút lui. Hai gã khổng lồ khác là SLB và Weatherford International Plc cho biết họ tiếp tục hoạt động tại nước này và tuân thủ các lệnh trừng phạt.

Đâu là góc khuất?

Tốc độ khoan điên cuồng, trong bối cảnh sản xuất khá ổn định, cũng đưa ra dấu hiệu về một số vấn đề dài hạn có thể đang hình thành đối với ngành dầu mỏ của Nga vốn đang bị phương Tây cô lập, theo Bloomberg.

Nga tăng tốc khoan dầu ở các địa điểm mới vì đây là điều cần thiết để duy trì sản lượng trong tương lai.

Ngành công nghiệp này đang nỗ lực hơn để duy trì sản lượng từ các giếng dầu lâu đời nhất, trong khi các dự án mới nhằm duy trì sản xuất trong những thập kỷ tới phải thích ứng với hoàn cảnh đã thay đổi của đất nước.

Kỷ lục khoan dầu là dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của Nga trước các lệnh trừng phạt năng lượng của phương Tây, nhưng tốc độ hoạt động cũng mang theo một lời cảnh báo.

Trong những năm qua, sự tăng giảm của hoạt động khoan dầu của quốc gia phần lớn diễn ra đồng bộ với những thay đổi về sản lượng.

Tuy nhiên, vào năm 2023, cơn bùng nổ hoạt động khoan dầu diễn ra cùng với việc cắt giảm sản lượng dầu mà Moscow đang thực hiện cùng với các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Điều đó cho thấy Nga tăng tốc khoan dầu ở các địa điểm mới vì đây là điều cần thiết để duy trì sản lượng trong tương lai.

Ông Gennadii Masakov, giám đốc trung tâm nghiên cứu tại Ykov & Partners, cho biết: “Lý do chính cho sự tăng trưởng trong lĩnh vực khoan dầu của Nga là nhu cầu triển khai các giếng mới. Các giếng mới phải được đưa vào hoạt động vì các giếng hiện tại đang dần cạn kiệt”.

Theo một bài báo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, tính đến năm 2022, các giếng dầu đã hoạt động hơn 5 năm chiếm gần 96% tổng sản lượng dầu của Nga. Theo báo cáo, nhiều dự án mỏ dầu của Nga đã vượt qua mức đỉnh sản lượng từ lâu.

Sự cạn kiệt phải được bù đắp bằng việc khoan mới tại các địa điểm hiện có (được gọi là mỏ nâu), hoặc bằng các dự án mới (mỏ xanh). Ông Vakulenkо, hiện là học giả tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Berlin (Đức), cho biết điều thứ hai có thể có vấn đề.

“Việc phát triển các khu đất xanh được lên kế hoạch trước chiến sự đã được hình thành với các công nghệ phương Tây và cần phải sửa lại bảng vẽ để điều chỉnh cho phù hợp với các công nghệ hiện có. Trong khi đó, các công ty dầu mỏ của Nga đang cố gắng duy trì trạng thái ổn định bằng cách đẩy nhanh sản xuất tại các mỏ nâu”, ông Vakulenkо cho hay.

Ông Vakulenko cho biết rất khó để có được một số thành phần từ các nhà cung cấp nước ngoài và “ngành công nghiệp Nga có thể phải sử dụng các giếng đơn giản hơn và ít công đoạn thủy lực cắt phá hơn do thiếu các bộ phận”.

“Điều này sẽ làm cho các giếng hoạt động kém hiệu quả hơn và mỗi thùng dầu được sản xuất sẽ có giá đắt đỏ hơn”, ông Vakulenko cho hay.

Chuyên gia Masakov của Ykov & Partners cho biết, sự độc lập về công nghệ của các máy khoan sẽ đủ để Nga giữ sản lượng ổn định trong trung hạn. "Tuy nhiên, theo thời gian, hiệu quả hoạt động khoan của Nga sẽ giảm sút, có khả năng gây rủi ro tới 20% sản lượng quốc gia nếu trữ lượng chưa được khai thác trở nên không còn hiệu quả để phát triển", ông ước tính.

Xem thêm >> Dần ‘quay lưng’ với dầu Nga, Ấn Độ săn đón dầu giá rẻ từ Arab Saudi

Tin mới lên