Tài chính quốc tế

Pháp – Đức tính trao đổi năng lượng để 'cầm cự' trước bất ổn nguồn cung từ Moscow

(VNF) - Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ gửi khí đốt đến Đức nếu cần trong khi Đức sẵn sàng cung cấp điện cho nước này, thể hiện sự đoàn kết của châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng trầm trọng.

Pháp – Đức tính trao đổi năng lượng để 'cầm cự' trước bất ổn nguồn cung từ Moscow

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi người dân giảm sử dụng năng lượng 10% để tránh phải chịu một mùa đông lạnh giá vì bị cắt điện và khí đốt.

Sau khi Moscow ngừng bơm khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1) tới châu Âu đã khiến giá khí đốt tại khu vực này đã tăng mạnh, đi kèm là những bất ổn trong thị trường chứng khoán và giá đồng EUR giảm.

Về mặt xã hội, nguồn cung từ Moscow giảm đồng nghĩa với việc châu Âu nhiều khả năng sẽ phải đón một mùa đông lạnh giá, bất chấp việc các quốc gia đang cố lấp đầy các kho chứa nhiên liệu. Không chỉ vậy, các hoá đơn năng lượng chắc chắn cũng sẽ tăng vọt, ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu người dân trong khu vực.

Trước tình hình căng thẳng của cuộc khủng hoảng khí đốt trong khu vực, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz để tìm kiếm một giải pháp chung.

Phát biểu sau cuộc họp với ông Olaf Scholz, Tổng thống Pháp đã công bố kế hoạch tăng cường cung cấp khí đốt cho Đức từ Pháp để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung khí đốt của Nga từ phía đông.

Đổi lại, ông Macron cho biết Đức sẽ tiếp tục cung cấp điện cho Pháp để bù đắp cho những thiếu hụt do việc bảo trì nhiều lò phản ứng hạt nhân của Pháp đang được tiến hành.

"Đức cần khí đốt của chúng tôi và chúng tôi cần điện từ phần còn lại của châu Âu, đặc biệt là Đức. Chúng tôi sẽ hoàn thành các kết nối khí đốt để cho phép chúng tôi vận chuyển khí đốt tới Berlin”, Tổng thống Pháp nói.

Ông Macron cũng tiết lộ thêm rằng cả Pháp và Đức đều ủng hộ ý tưởng yêu cầu các công ty năng lượng đang kiếm được lợi nhuận lớn nhờ giá khí đốt và dầu tăng đột biến gần đây phải “đóng góp” vào kho bạc công do các công ty dầu khí tạo ra “siêu lợi nhuận” trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Ông Macron cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc áp giá trần cho mặt hàng khí đốt của Nga, một biện pháp mà các nhà lãnh đạo EU đang cố thúc đẩy.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp đã nhắc lại sự phản đối của ông đối với việc tăng cường công suất đường ống từ nước láng giềng Tây Ban Nha sang Pháp để cung cấp khí đốt và các nguồn năng lượng khác cho phần còn lại của châu Âu.

Ông Macron cho rằng hai đường ống dẫn khí đốt hiện tại giữa Tây Ban Nha và Pháp được sử dụng ở mức 53% công suất, và thay vì tăng cường các đường ống dẫn khí thì EU nên tằng cường các đường dẫn điện vì chúng ít ảnh hưởng tới môi trường cũng như hệ sinh thái.

Cũng trong cuộc họp báo sau khi điện đàm với Thủ tướng Đức, ông Macron kêu gọi cắt giảm mạnh 10% việc sử dụng năng lượng trong nước vào những tuần và tháng tới để tránh nguy cơ phân bổ và cắt giảm trong mùa đông này.

Ông cho biết các kế hoạch phân bổ năng lượng đang được chuẩn bị "trong trường hợp chúng được cần đến" và rằng "việc cắt giảm là phương sách cuối cùng".

Xem thêm >> Nga ‘chặn’ luôn nguồn cung khí đốt sang Pháp vô thời hạn

Tin mới lên