Tài chính quốc tế

Phát hiện gián trong cơm nắm, cổ phiếu công ty thực phẩm 'lao dốc không phanh'

(VNF) - Cổ phiếu của nhà sản xuất thực phẩm đóng gói Nhật Bản Warabeya Nichiyo Holdings có thời điểm giảm gần 10% vào phiên 7/8, sau khi bị phát hiện có gián trong sản phẩm cơm nắm của công ty bán tại cửa hàng 7-Eleven.

Phát hiện gián trong cơm nắm, cổ phiếu công ty thực phẩm 'lao dốc không phanh'

Ảnh minh họa.

Cuối tuần trước, Warabeya Nichiyo cho biết đã nhận được 2 thông báo về việc các sản phẩm cơm nắm do công ty sản xuất, được bán tại cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Saitama, phía bắc Tokyo, có gián. Theo đó, một video có nội dung về một nắm cơm dường như chứa gián tại một cửa hàng tiện lợi Seven Eleven đã bị lan truyền trên mạng xã hội.

Ngay lập tức, công ty đã đăng tải lời xin lỗi và cho biết họ đã thu hồi gần 2.000 nắm cơm được sản xuất tại cùng một nhà máy và được bán tại 373 cửa hàng 7-Eleven trong cuối tuần vừa rồi. Các dây chuyền sản xuất của nhà máy đã ngừng hoạt động và được khử trùng.

Sản phẩm cơm nắm vị mận bị phát hiện có gián của Warabeya.

"Chúng tôi chân thành xin lỗi vì sự bất tiện và khó chịu cho khách hàng của chúng tôi", công ty có trụ sở tại Tokyo đưa nhanh chóng nhận lỗi ngày 4/8.

Tuy nhiên, lời xin lỗi của Warabeya không thể cứu vãn cổ phiếu công ty. Bằng chứng là cổ phiếu công ty đã giảm hơn 1% trước khi chính thức giao dịch trở lại vào sáng 7/8.

Trong phiên giao dịch chính thức đầu tuần, cổ phiếu công ty có lúc giảm 8,6%, mức giảm phần trăm lớn nhất trong vòng 10 tháng, trước khi chốt phiên với mức giảm 4,4%.

Warabeya chủ yếu sản xuất hộp cơm trưa chế biến sẵn, cơm nắm ăn liền có hương vị và bánh ngọt ăn nhẹ. Theo các dữ liệu công khai, việc bán các sản phẩm tại chuỗi 7-Eleven Nhật Bản đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu của công ty.

Đây là lần đầu tiên Warabeya vướng phải một vụ bê bối liên quan tới các sản phẩm của mình. 

Mặc dù Nhật Bản vốn nổi tiếng vì sự sạch sẽ và có tiêu chuẩn cực cao về an toàn thực phẩm, nhưng từ đầu năm tới nay, nước này đã 2 lần ghi nhận những vụ việc ô nhiễm thực phẩm gây rúng động.

Hồi đầu năm nay, các nhà hàng sushi băng chuyền nổi tiếng của Nhật Bản đã vướng phải vụ bê bối lớn nhất lịch sử và "chật vật" để tồn tại sau một hiện tượng được gọi là "khủng bố sushi", vì các khách hàng thực hiện nhiều hành vi mất vệ sinh, bao gồm cả việc liếm các vật dụng dùng chung trong nhà hàng. Vụ việc đã gây ra mối đe dọa tới ngành công nghiệp sushi của Nhật Bản, được ước tính có giá trị tới 740 tỷ Yên (5,7 tỷ USD).

Xem thêm >> Hé lộ hộ chiếu quyền lực nhất thế giới 2023: Nhật Bản mất 'ngôi vương'

Tin mới lên