Tài chính quốc tế

Phó trợ lý tổng thống Mỹ Kurt Campell: Ấn Độ và Việt Nam sẽ định hình tương lai châu Á

(VNF) - Theo ông Kurt Campell – Phó trợ lý tổng thống Mỹ, điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden coi Ấn Độ và Việt Nam là những quốc gia quan trọng để tăng cường quan hệ trong tương lai vì những đặc điểm kinh tế trọng yếu trong thời kỳ mới.

Phó trợ lý tổng thống Mỹ Kurt Campell: Ấn Độ và Việt Nam sẽ định hình tương lai châu Á

Ông Kurt Campell - Điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong chính quyền tổng thống Joe Biden.

Kurt Campbell, điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho biết Ấn Độ cùng với Việt Nam và một số nước khác đứng đầu danh sách các quốc gia quan trọng sẽ xác định tương lai của châu Á.

Ông Campbell nói: “Tôi tin rằng bất kỳ ai đang nắm quyền ở Washington, đảng viên đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, sẽ làm tất cả những gì cần thiết để xây dựng những mối quan hệ này".

Phát ngôn trên được ông Kurt Campell đưa ra trong ngày 19/11, theo Nikkei Asia. 

Vị trợ lý Ngoại trưởng Mỹ mô tả Việt Nam là một "quốc gia xoay trục" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Campell lưu ý về "sự phát triển đáng kể của Việt Nam" trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời chỉ ra rằng ngày càng nhiều công ty sản xuất và công nghệ cao đang tìm tới Việt Nam “để đa dạng hóa cổ phần, đầu tư, mô hình thương mại tại châu Á".

Không chỉ vậy, thông qua việc Việt Nam khẳng định vai trò ngày càng tích cực trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ông Campell cũng nhận định “Việt Nam đang nâng cao vai trò ngoại giao của quốc gia”, nhận định các nhà lãnh đạo Mỹ và Việt Nam cần nhiều cuộc gặp mặt hơn nữa để trở nên thân quen hơn và cùng “chia sẻ về mục đích chiến lược thực sự”.

Ông Campell phát biểu: “Đây sẽ là một quốc gia trọng yếu, không chỉ về mặt chiến lược mà còn về mặt thương mại và công nghệ. Mặc dù thể chế chính trị cũng như giá trị tổng thể có khác nhau, nhưng về cơ bản, tôi tin rằng việc hợp tác chặt chẽ với Việt Nam sẽ có ý nghĩa quyết định với Mỹ trong tương lai”.

Nếu như Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác mới và có tiềm năng phát triển lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì Ấn Độ là nhân tố chính trên thị trường toàn cầu trong thế kỷ 21 mà Mỹ không thể coi nhẹ.

“Tôi rất lạc quan về tương lai với Ấn Độ. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều nhận ra rằng thành viên quan trọng trong Nhóm QUAD là Ấn Độ”, ông Campbell đề cập đến cuộc Đối thoại An ninh Tứ giác giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

"Do đặc thù quan điểm truyền thống của Ấn Độ là không liên kết, hay quyền tự chủ chiến lược, đã khiến QUAD không thể chuyển sang một hình thức giống như NATO tại châu Á hay quan hệ đối tác Aukus mới ra mắt gần đây giữa Australia, Anh và Mỹ.

"Tuy nhiên, hiện tại là thời điểm phù hợp để suy nghĩ một cách sáng tạo và có chiến lược về những gì có thể xảy ra giữa Mỹ và Ấn Độ, bởi cuộc đụng độ biên giới năm 2020 với Trung Quốc trên dãy Himalaya đã tác động sâu sắc đến tư duy chiến lược của Ấn Độ.

"Kết quả của sự thay đổi tư duy đã cho ra đời 'mô hình chiến lược mới', trong đó khuyến khích Ấn Độ 'tiếp cận và xây dựng, tạo dựng mối quan hệ bền chặt hơn không chỉ với Mỹ, mà cả với các quốc gia khác, để cho thấy Ấn Độ không đơn độc'", ông Campbell nhận định.

Xem thêm >> Mỹ tặng Việt Nam thêm vaccine, nâng tổng số viện trợ lên hơn 16 triệu liều

Tin mới lên