PVOIL lên phương án đấu giá cổ phần lô lớn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước về 35,1%

Thu Hương - 17/04/2019 21:19 (GMT+7)

Tại cuộc gặp với nhà đầu tư lớn và chuyên viên phân tích diễn ra ngày 17/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, trong quý I/2019 lợi nhuận hợp nhất đạt 66 tỷ đồng và lợi nhuận công ty mẹ đạt 48 tỷ đồng.

VNF
PVOIL lên phương án đấu giá cổ phần lô lớn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước về 35,1%.

Theo kế hoạch năm 2019, PVOIL đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 49.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 440 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 340 tỷ đồng. Kế hoạch này tương ứng bằng 120%, 88% và 78% so với kế hoạch 2018 (điều chỉnh), và bằng 86%, 78% và 77% so với kế hoạch thực hiện 2018.

Sản lượng xuất khẩu/bán dầu thô kế hoạch 2019 đạt 10.600 nghìn tấn. Cung cấp dầu thô cho BRG là 6.700 nghìn tấn. Sản xuất xăng dầu, dầu mỡ nhờn là 64 nghìn m3/tấn. Sản lượng kinh doanh xăng dầu là 3.200 nghìn m3, trong đó tỷ trọng bán lẻ là 26%.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOIL cho biết, PVOIL đang tiếp tục lên phương án thoái vốn nhà nước đấu giá theo lô một lô 30% và một lô 15% vốn cổ phần.

Phương án này đã trình lên Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn đã trình lên Ủy ban quản lý vốn nhà nước. PVOIL quy mô 5.000 tỷ đồng trở lên thuộc diện phải trình lên Chính phủ phê quyệt. Hiện phương án này vẫn ở cấp Ủy ban.

Theo ông Dương, khi phương án đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước được thông qua, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống còn 35,1% thì PVOIL sẽ phải xác định lại giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là theo quy định mới, doanh nghiệp xác định lợi thế thương mại với đất thuê hàng năm. Việc xác định lợi thế thương mại rất khó xác định, đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp. Nếu có hướng dẫn rõ ràng về xác định lợi thế thương mại đất thuê thì việc xác định giá trị doanh nghiệp sẽ được thực hiện trong 3-4 tháng.

Ông Dương tiết lộ, hiện nay, nhiều đối tác lớn vẫn đang quan tâm đến việc mua cổ phần của PVOIL. Một Tập đoàn lớn đã từ chối mua trong các năm trước nhưng đầu năm nay lại đánh tín hiệu muốn trở thành cổ đông lớn của PVOIL. Họ đến làm việc với công ty và hỏi phải gặp cấp nào, doanh nghiệp vướng mắc gì. Họ gặp các cấp cao để bày tỏ nguyện vọng trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL.

“Đây là một cơ hội mà nếu không làm nhanh sẽ bị bỏ qua”, ông Dương nói.

Đáng chú ý, PVOIL cho biết, nếu lợi nhuận tính cả năm 2018 vượt kế hoạch nhưng riêng 5 tháng cuối năm là thời gian hoạt động theo loại hình công ty cổ phần thì không được như kỳ vọng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trong 5 tháng chỉ đạt 17 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch (104 tỷ đồng).

Ông Dương chia sẻ: “Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận rất thấp là điều mà “chúng tôi canh cánh”. Một trong những lý do là kiểm toán điều chỉnh một số khoản trích lập dự phòng đã trích lập trong giai đoạn trước cổ phần hóa đã được hoàn nhập lại sau đó được trích lập vào kết quả kinh doanh của công ty cổ phần. Lý do kiểm toán trả lời là theo quy định của nhà nước, các khoản trích lập là trích lập rủi ro cho tương lai.

Tại giai đoạn cổ phần hóa thì rủi ro đó chưa xảy ra nên khoản trích lập đó thuộc công ty cổ phần. Cụ thể, giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước thì công ty mẹ được hoàn nhập 270 tỷ đồng, còn công ty cổ phần phải trích lập thêm 261 tỷ đồng trong đó 72 tỷ đồng là dự phòng cho nợ phải thu khó đói, còn lại dự phòng cho khoản đầu tư tài chính của PVOIL”.

Diễn biến giá dầu bất thường cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Do giá dầu giảm mạnh vào thời điểm tháng 9/2018 khiến lợi nhuận hợp nhất quý IV giảm chỉ còn 46 tỷ đồng so với mức lãi ở cả 3 quý trước, lần lượt là 208 tỷ đồng, 175 tỷ đồng và 160 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty mẹ quý IV/2018 lỗ 70 tỷ đồng.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác