Tài chính tiêu dùng

QR code lên ngôi, thẻ ngân hàng chật vật tìm đường sống mới

(VNF) - Theo TS Châu Đình Linh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, thẻ ngân hàng vẫn còn vai trò trong rút tiền mặt, thanh toán tại thị trường Việt Nam. Đây vẫn là một điểm chạm chưa thể thay thế trong hành trình trải nghiệm của người dùng, ít nhất là trong tương lai gần. 

QR code lên ngôi, thẻ ngân hàng chật vật tìm đường sống mới

(Ảnh minh hoạ)

Thẻ ngân hàng tăng trưởng chậm lại, QR code “lên ngôi”

Thẻ ngân hàng xuất hiện ở Việt Nam lần đầu từ năm 1993, tuy nhiên không được triển khai rộng rãi. Đến năm 2002, chiếc thẻ ghi nợ nội địa (hay được biết đến với tên gọi là thẻ ATM) mới chính thức được ra mắt. Thẻ ngân hàng đã làm cho các giao dịch như giữ tiền, rút tiền,… của cá nhân trở nên tiện dụng và thân thiện hơn.

Tính đến tháng 7/2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế. 

Đánh giá về thị trường thẻ Việt Nam, TS Châu Đình Linh chia sẻ với VietnamFinance cho rằng, trong những năm qua, thị trường thẻ trong nước có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, so với các năm trước, thẻ ngân hàng dạng vật lý đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại về số lượng và có xu hướng giảm dần về giá trị giao dịch.

TS Châu Đình Linh

Trong cuộc cách mạng số hoá, thẻ ngân hàng dạng vật lý đang đứng trước sự cạnh tranh với các phương thức thanh toán số như ví điện tử, dịch vụ ngân hàng số. Nhiều người dùng cho rằng thẻ ngân hàng đang trở nên dư thừa khi có thể thanh toán, mua sắm, rút tiền qua ứng dụng tài chính, ứng dụng ngân hàng. 

Trong 7 tháng năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng 51,14% về số lượng; giao dịch qua kênh Internet tăng 66,18% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,1% về số lượng và 8,77% về giá trị; qua phương thức mã QR tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị; qua POS tăng 25,24% về số lượng và 23,97% về giá trị. 

Qua các số liệu này, TS Châu Đình Linh nhận định phương thức thanh toán đang dẫn đầu xu hướng hiện nay là qua kênh điện thoại di động, ví điện tử và mã QR. Trong đó, con số tăng trưởng của phương thức thanh toán qua mã QR đã minh chứng cho những lợi ích và vai trò của mã QR trong thanh toán điện tử.

“QR code sẽ dần trở thành phương thức thanh toán chủ đạo trong thanh toán điện tử. Đặc biệt khi phương thức QR code được ngân hàng tích hợp thông qua ngân hàng số (digital banking) và các ứng dụng thanh toán tại điểm bán (POS) nhằm tạo sự liền mạch trong sử dụng dịch vụ tài chính, cũng như liền mạch trong thanh toán tại các điểm bán lẻ”, TS Châu Đình Linh cho biết. 

Thẻ vật lý: "Điểm chạm" chưa thể thay thế 

Hiện nay, một số ngân hàng đang có xu hướng khuyến khích người dùng giao dịch trên kênh ngân hàng số, hạn chế phát hành thẻ vật lý. Nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng này đang đe dọa sự tồn tại của thẻ vật lý trong tương lai. 

Theo TS Châu Đình Linh, thẻ ngân hàng dạng vật lý vẫn là điểm chạm chưa thể thay thế trong hành trình trải nghiệm của người dùng, ít nhất là trong tương lai gần. 

“Thẻ ngân hàng vẫn còn vai trò tại thị trường thanh toán không dùng tiền mặt. Sự tích hợp kỹ thuật số đã đem lại sức sống mới, thêm trải nghiệm liền mạch cho thẻ ngân hàng dạng vật lý. Trong đó, các dòng thẻ nội địa, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa đang có dư địa phát triển cao khi mà thẻ tín dụng quốc tế đang đi kèm với mức phí không mấy hấp dẫn đối với người dùng”, TS Châu Đình Linh cho biết. 

Nhiều năm gần đây, các ngân hàng đã tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới trên thẻ. Đơn cử, việc ứng dụng thẻ chip tích hợp công nghệ thanh toán không chạm (contactless) đã thay đổi trải nghiệm của người dùng, các bước thanh toán được rút gọn thời gian mà vẫn đảm bảo an toàn bảo mật. 

Hay như nhiều ngân hàng đã ra mắt dòng thẻ 2 trong 1, tích hợp giữa thẻ ATM và thẻ tín dụng trong cùng 1 thẻ, thậm chí cùng 1 chip. Người dùng có thể sử dụng đa dạng nguồn tiền, từ hạn mức tín dụng hoặc từ tài khoản thanh toán trên cùng 1 thẻ.  

Cuộc đua công nghệ thẻ của các ngân hàng mang đến trải nghiệm liền mạch trong thanh toán bằng thẻ vật lý khi rút gọn các bước thanh toán về 1 chạm. 

Trên thực tế, việc thanh toán qua thẻ dù đang tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn ở mức cao. Theo Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, giá trị giao dịch qua thẻ tính đến cuối năm 2021 đạt gần 1,6 tỷ món, tương đương 4,44 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2022 đạt gần 2,2 tỷ món, tương đương 4,86 triệu tỷ đồng.  

Tuy nhiên, TS Châu Đình Linh cũng cho hay, xu thế trong tương lai sẽ dần chuyển sang thẻ ngân hàng dạng số hoá, tức thẻ phi vật lý. 

Thẻ ngân hàng dạng vật lý sẽ dần dịch chuyển sang dạng thẻ “quyền lực", biểu trưng cho quyền lực của khách hàng (khách hàng ưu tiên, khách hàng đặc quyền, khách hàng VIP,...). Theo tìm hiểu của phóng viên, thẻ “quyền lực" hay thẻ “đen quyền lực" là sản phẩm thẻ tín dụng có số lượng phát hành rất hạn chế, hạn mức lớn lên đến hàng chục tỷ đồng và các loại phí đi kèm cũng cao gấp nhiều lần loại thẻ thông thường. 

>>Thẻ ngân hàng đang 'chết': Cả năm không dùng đến, hủy bỏ cũng không xong

Tin mới lên