Qua thời hoàng kim, Alibaba bị 'đàn em' Pinduoduo cho 'hít khói'

Quỳnh Anh - 01/12/2023 13:40 (GMT+7)

(VNF) - Ít ai tưởng tượng được, gần 10 năm về trước, Alibaba đã "thành danh" nhờ thương mại điện tử, mà Pinduoduo lúc đó chỉ là một công ty mới khởi nghiệp, với giá trị thị trường thời điểm lên sàn chứng khoán Mỹ còn chưa bằng 1/10 thị giá của Alibaba. Nhưng giờ đây, thời thế đã thay đổi.

VNF
Alibaba đang tụt lại sau đối thủ Pinduoduo.

Bị "vượt mặt" về giá trị thị trường

Ngày 30/11 tại thị trường chứng khoán Mỹ, mã cổ phiếu PDD của công ty bán lẻ trực tuyến Trung Quốc đóng cửa tăng 4,03% lên 147,44 USD, nâng giá trị thị trường lên 195,89 tỷ USD. 

Tại thời điểm đóng cửa thị trường, thị giá của Pinduoduo vượt xa đối thủ một thời là Alibaba (BABA, giá cổ phiếu 74,86 USD, giá trị thị trường 190,65 tỷ USD).

Trước đó, từ ngày 29/11, giá trị của Pinduoduo cũng từng vượt qua Alibaba nhờ cổ phiếu tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng sau đó lại giảm về mức tương đương và kém hơn Alibaba một chút.

Yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu là báo cáo tài chính quý III của Pinduoduo.

Theo đó, báo cáo tài chính mới nhất cho thấy doanh thu quý III/2023 của Pinduoduo đạt 68,84 tỷ NDT, vượt xa kỳ vọng của thị trường là 54,83 tỷ NDT, tăng 93,9% so với mức 35,5 tỷ NDT cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng trong quý vừa qua của Pinduoduo là 15,537 tỷ NDT, tăng khoảng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng của PDD vượt xa các đối thủ Trung Quốc, trong đó có Alibaba, nhấn mạnh cách công ty này sử dụng các chương trình khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng muốn mua hàng giá rẻ vào thời điểm kinh tế bất ổn. Goldman Sachs ước tính trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11/11) vừa kết thúc, PDD có thể đã đạt mức tăng trưởng 20% ​​về giao dịch so với mức tăng một chữ số của đối thủ.

Lịch sử cạnh tranh "không ngừng nghỉ"

Ngay từ tháng 5 và tháng 9/2014, hai sàn thương mại điện tử lớn là Jingdong (JD.com) và Tập đoàn Alibaba đã lần lượt "đổ bộ" lên thị trường chứng khoán Mỹ. Vào thời điểm đó, Pinduoduo vẫn đang trong giai đoạn khởi nghiệp ban đầu.

Khoảng 4 năm sau, vào ngày 26/7/2018, Pinduoduo (PDD) được niêm yết trên Nasdaq với giá phát hành là 19 USD và giá trị thị trường khoảng 29,6 tỷ USD vào thời điểm đóng cửa ngày đầu tiên. Tại thời điểm này, giá trị thị trường của JD.com là 53 tỷ USD và giá trị thị trường của Alibaba là 499,4 tỷ USD, gấp khoảng 1,8 lần và 17 lần giá trị thị trường của Pinduoduo.

Một năm ba tháng sau, vào ngày 24/10/2019, giá trị thị trường của Pinduoduo đạt 46,5 tỷ USD, vượt qua JD.com (44,9 tỷ USD). Nhưng vào thời điểm này, giá trị thị trường của Alibaba là 449,2 tỷ USD, gấp khoảng 10 lần so với Pinduoduo và JD.com, giữ vững "ngôi vương".

Cho tới sau khi Alibaba gặp biến cố, đến ngày 31/12/2022, giá trị thị trường của Alibaba chỉ còn 233,2 tỷ USD và giá trị thị trường của Pinduoduo là 107,6 tỷ USD, khoảng cách giá trị thị trường giữa hai bên vẫn là 125 tỷ USD.

Tuy nhiên, tính tới thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa vào ngày 30/11/2023, tổng giá tị thị trường của Pinduoduo là 195 tỷ USD, còn Alibaba là 190 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên sau 10 năm kể từ khi niêm yết, Alibaba bị tụt khỏi vị trí “vua vốn hóa thị trường thương mại điện tử”. Đồng thời, giá trị thị trường của Pinduoduo gấp 4,3 lần JD.com.

Trong thời gian Alibaba gặp rắc rối, Pinduoduo vẫn không ngừng phát triển.

"Ngậm ngùi" trước thành công của đối thủ "sinh sau đẻ muộn"

Giá trị thị trường của PDD hiện tại đánh dấu một sự thay đổi vận mệnh "không thể tưởng tượng được" đối với công ty thương mại điện tử được cho là sinh ra nhờ sự phát triển vượt bậc của Alibaba.

Một phần của sự thăng tiến vượt bậc đó bắt nguồn từ Temu - ứng dụng thương mại điện tử được ra mắt tại Mỹ và nhanh chóng "làm mưa làm gió" ở thị trường này. Chỉ trong hơn 1 năm, Temu đã vượt qua Shein về doanh số bán hàng và hiện được coi là một trong những thế lực đột phá hơn trong thương mại điện tử toàn cầu. 

Ngược lại, Alibaba lần đầu tiên khám phá thị trường nước ngoài với AliExpress, nền tảng tìm nguồn cung ứng Alibaba.com và sau đó là các công ty con quốc tế như Lazada và Trendyol. Nhưng cho đến nay, nền tảng Alibaba tại Trung Quốc vẫn là nguồn thu hàng đầu của tập đoàn do tỷ phú Jack Ma đồng sáng lập.

Trước tin tức bị đối thủ "sinh sau đẻ muộn" vượt mặt, ông Ma - người đã sống "ẩn dật" 2 năm qua và mới trở lại Trung Quốc gần đây, đã gửi một bức tâm thư cho Alibaba, thúc đẩy công ty thay đổi và thừa nhận sự thành công của PDD.

“Xin chúc mừng Pinduoduo vì việc ra quyết định, thực hiện và nỗ lực của họ trong những năm qua. Công ty nào cũng có những ngày vinh quang, nhưng “những con người sẵn sàng cải tổ vì tương lai, những tổ chức sẵn sàng trả bất cứ giá nào và sự hy sinh mới là những người thực sự được tôn trọng”, ông Ma viết.

Ông Ma cũng bày tỏ niềm tin rằng Alibaba sẽ thay đổi và “điều chỉnh hướng đi của mình”, đồng thời không quên nhắc nhở các nhân viên: "Khi kỷ nguyên AI dành cho thương mại điện tử đang diễn ra, đó là cơ hội cho tất cả mọi người nhưng cũng là thách thức".

Trong một diễn biến liên quan, tỷ phú Jack Ma gần đây được cho là đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành chế biến thực phẩm - một trong những ngành kinh doanh "mũi nhọn" của chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới. Ông Ma cũng bị đồn đoán đã và đang bán dần cổ phần trong Alibaba, nhưng phải tạm dừng kế hoạch vì giá cổ phiếu công ty xuống thấp.

Xem thêm >> Trở lại sau biến cố, tỷ phú Jack Ma tìm về với nghề nông

Theo Sina, STCN, Yahoo
Cùng chuyên mục
Tin khác