PNJ: Quyết định bước ngoặt lên tầm tỷ USD và tham vọng 'đạp sóng' giá vàng
Khánh Tú -
16/05/2024 08:45 (GMT+7)
(VNF) - Trong bối cảnh giá vàng tăng nóng, tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang hết sức thuận lợi. Năm 2024, PNJ đề ra kế hoạch đạt doanh thu 37.147 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay nếu đạt được.
Trước đà tăng của giá vàng trong thời gian qua, Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) đã điều chỉnh tăng 4% giá mục tiêu cho cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.
Dự báo của VCSC được đưa ra dựa trên kết quả kinh doanh đầy tích cực của PNJ trong quý I/2024. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.594 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, đây cũng là mức doanh thu theo quý cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của PNJ.
Lợi nhuận sau thuế của PNJ trong quý I/2024 đạt 738 tỷ đồng, tăng 17% so với quý trước đó. Với kết quả này, PNJ hoàn thành 34% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận của cả năm nay.
Từ số vốn 14 triệu đến doanh nghiệp trăm tỷ USD
PNJ được thành lập năm 1988, trực thuộc UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM. Đến năm 1992, PNJ chính thức đổi tên thành Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Từ chỗ chỉ có 20 người, PNJ dần khẳng định được vị trí của mình khi thương hiệu PNJ đã chiếm lĩnh thị trường vàng bạc đá quý chỉ sau vài năm chuyển đổi.
Đến năm 2004, PNJ chính thức cổ phần hóa, chuyển đổi thành Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận. Tháng 3/2009, cổ phiếu PNJ chính thức niêm yết tại HoSE, tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng. Năm 2009, đế chế trang sức PNJ cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng và lên 18.000 tỷ đồng sau đó 2 năm.
Năm 2012 đánh dấu một bước ngoặt của PNJ. Khi Nghị định 24 ra đời và SJC được lựa chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung đã quyết liệt chuyển hướng PNJ từ sản xuất vàng miếng sang vàng trang sức. Quyết định này được ví như một “lựa chọn sinh tử”, giúp thay đổi cơ cấu doanh thu rõ rệt, tập trung vào mảng vàng trang sức làm hoạt động cốt lõi.
Năm 2018, doanh thu thuần của PNJ đạt gần 14.700 tỷ đồng, tương đương 190% so với doanh thu năm 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 960 tỷ đồng, đạt 630% so với năm 2015.
Ít ai có thể ngờ rằng một cửa hàng kinh doanh nhỏ với số vốn ban đầu vỏn vẹn 14 triệu đồng (7,4 lượng vàng thời bấy giờ) cùng 20 thợ kim hoàn, PNJ đã trở thành doanh nghiệp có vốn hóa thị trường vượt 1 tỷ USD vào năm 2018. Thời điểm đó, cổ phiếu PNJ từng đạt mức cao nhất trong lịch sử, trên 180.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2023, PNJ đạt doanh thu hơn 33.100 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 1.970 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi thành lập. Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu của PNJ năm 2023 được đánh giá là 428,43 triệu USD, tăng 17% so với năm 2022 và tăng 44% so với năm 2020.
Tại Đại hội cổ đông năm 2024, PNJ đề ra kế hoạch tiếp tục tăng trưởng với mục tiêu doanh thu 37.147 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng. Nếu đạt được kế hoạch đề ra, 2024 sẽ là năm thắng lớn nhất của doanh nghiệp này kể từ khi thành lập đến nay. Công ty cũng dự kiến chi trả 20% cổ tức bằng tiền.
Có dễ nối dài kỷ lục?
Việc đặt ra kế hoạch tăng trưởng doanh thu 12% so với năm trước của PNJ có thể nói là bước đi táo bạo, nhất là trong bối cảnh ngành bán lẻ chưa thực sự phục hồi. Điều này có thể gây khó khăn cho PNJ bởi mảng bán lẻ có đóng góp lớn nhất vào đà tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, biến động khó lường của thị trường vàng cũng ảnh hưởng không nhỏ lên kế hoạch doanh thu của PNJ. Ngay cả Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung cũng thừa nhận rằng “biến động giá gây khó khăn cho công ty trong vấn đề bảo toàn tài sản nếu giá vàng xuống”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của SSI, PNJ có cơ hội tăng trưởng mạnh khi vị thế vượt trội hơn so với các đối thủ về mạng lưới cửa hàng, năng lực thiết kế, sản xuất và thực thi.
“Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) doanh thu bán lẻ - của PNJ là 16% trong giai đoạn 2023 – 2028”, các chuyên gia SSI dự đoán.
Đồng quan điểm, VCBS cũng cho rằng dư địa tăng trưởng của ngành trang sức tại Việt Nam còn rất lớn, là động lực cho tăng trưởng doanh thu của PNJ trong năm nay.
Mặc dù quy mô của thị trường vàng trang sức Việt Nam hiện còn nhỏ, khoảng 15,1 tấn/năm nhưng tiềm năng vẫn lớn khi thu nhập của người dân và xu hướng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ tăng trưởng. Cùng với đó, nhu cầu của người dân cũng đang chuyển dịch từ vàng miếng truyền thống sang vàng trang sức, tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của PNJ.
Cùng với đó, so với nhiều “ông lớn” cùng ngành, PNJ có lợi thế về hệ thống bán lẻ. Theo ước tính của VCBS, PNJ có thể tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ lên tới 550 - 600 cửa hàng trên toàn Việt Nam, tăng 200 cửa hàng so với cuối tháng 12/2023 trong vòng 5 năm tới.
“Với chiến lược mở rộng thận trọng của PNJ, ước tính mỗi năm doanh nghiệp có thể mở mới 35 – 40 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc,... Thị trường này sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng cho PNJ trong giai đoạn 2024 – 2028”, các chuyên gia VCBS nhận định.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone