Sân bay đầu tiên nào tại Việt Nam được cấp sổ đỏ?

Đinh Tịnh - 10/11/2020 20:55 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, Cục phó Cục hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết: "Cảng hàng không Vân Đồn là sân bay đầu tiên được thực hiện thí điểm cấp sổ đỏ. Đây là sân bay do tư nhân (Tập đoàn SunGroup) đầu tư xây dựng 100%".

VNF
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay đầu tiên được thực hiện thí điểm cấp sổ đỏ

Đẩy mạnh xã hội hoá sân bay

Trên nghị trường Quốc hội ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết: "Bộ đang tập trung việc cấp sổ đỏ cho các cảng hàng không. Sau đó, Bộ sẽ xem xét đề xuất của nhà đầu tư về xây dựng nhà ga hàng không theo hướng xã hội hóa".

Ông Thể cũng cho hay, thời gian qua, Bộ GTVT đã thí điểm xã hội hóa nhà ga hàng không tại Đà Nẵng, Cam Ranh. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đồng ý cho doanh nghiệp tham gia đầu tư các dịch vụ mặt đất từ bãi đỗ, sửa chữa tàu bay, cung cấp xăng dầu, suất ăn...

"Trong quá trình triển khai, Bộ nhận ra một số khiếm khuyết liên quan đến pháp luật, nên đang thực hiện kiểm điểm nội bộ, điều chỉnh một số nội dung trong đó có việc cấp sổ đỏ cho cảng hàng không”, Bộ trưởng nói.

"Ông trùm hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn cùng 5 đối tác rót hàng nghìn tỷ đồng xây nhà ga cảng hàng không Cam Ranh

Trước đó, Bộ GTVT đã thí điểm xã hội hoá tại cảng hàng không Vân Đồn, tới đây là cảng hàng không Lào Cai. Các sân bay này sẽ được xã hội hóa, các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng toàn bộ nhà ga, đường băng… không bị hạn chế.

Ông Thể cho biết thêm: Hiện trong 1 sân bay có 2 sở hữu, đó là sở hữu của Nhà nước và doanh nghiệp, khi chuyển sở hữu của nhà nước cho doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong các trường hợp cấp thiết thì Nhà nước có thể trưng dụng hệ thống đường băng, sân đỗ, nhà ga là hoàn toàn hợp lệ và theo đúng pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Cấp sổ đỏ sân bay: đúng hay sai?

Trao đổi với VietnamFinance, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục hàng không Việt Nam cho biết: "Sân bay Vân Đồn là sân bay đầu tiên được thực hiện thí điểm cấp sổ đỏ. Đây là sân bay do tư nhân (Tập đoàn SunGroup) đầu tư xây dựng 100%".

"Tổng mức đầu tư của dự án gần 7.500 tỷ đồng, công suất tiếp nhận 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Đây là một dự án đặc biệt của ngành hàng không Việt Nam", ông Võ Huy Cường chia sẻ.

Tìm hiểu về sự đặc biệt này, VietnamFinance được biết: "Thứ nhất, đây là dự án sân bay đầu tiên thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân, từ đường băng tới nhà ga hành khách, trang thiết bị đi kèm. Thứ hai, khi hoàn thành, đây cũng là dự án sân bay do tư nhân khai thác cơ sở hạ tầng, trừ phần quản lý điều hành bay vẫn do Nhà nước nắm giữ".

Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn rằng, sân bay là đất Nhà nước, Bộ quốc phòng, vậy liệu cấp tư nhân và trao hẳn sổ đỏ cho họ liệu có mạo hiểm không?

Dự án Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cùng 3 nhà đầu tư khác cùng góp vốn thành lập doanh nghiệp đầu tư

Liên quan đến vấn đề này, tại Điều 156 Luật đất đai quy định: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay được cấp cho Cảng vụ hàng không".

"Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay có các quyền và nghĩa vụ như: Sử dụng đất đúng mục đích; không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; Được dùng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê để thế chấp tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; được bán, cho thuê tài sản, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê. Với quy định này, doanh nghiệp chỉ được thuê đất chứ không được cấp sổ"

Tuy nhiên, tại điều 155 Luật đất đai lại quy định rõ, đối với đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao và dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), "Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT); giao đất hoặc cho thuê đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án BOT và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư. Chính phủ quy định chi tiết Điều này".

"Căn cứ vào điều 155 Luật đất đai, sân bay Vân Đồn là sân bay đầu tiên tại Việt Nam chính thức được cấp sổ đỏ cho nhà đầu tư. Điều là là hoàn toàn đúng theo luật định"

Cảng hàng không nào đang hấp dẫn nhà đầu tư?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến các dự án sân bay.

Ví dụ như Liên danh Văn Phú Invest và Công ty cổ phần đầu tư VCI đang xin đầu tư dự án sân bay Gò Găng tại Vũng Tàu kinh phí khoảng 1 tỷ USD và sân bay Lộc An do Công ty TNHH dự án Hồ Tràm đầu tư với số vốn khoảng 4.250 tỷ đồng.

Hoặc như Hãng hàng không VietJet bày tỏ nguyện vọng muốn đầu tư sân bay Điện Biên và sân bay Cát Bi (mở rộng) nhưng chưa được phê duyệt.

Mới đây nhất là Tập đoàn FLC đề xuất với xây dựng sân bay Quảng Trị tổng số vốn đầu tư khoảng 8.014 tỷ đồng. Còn tại Lào Cai và Lai Châu, UBND 2 tỉnh này cũng đang đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT cho phép xây dựng sân bay Sa Pa và Lai Châu theo hình thức PPP. Đây là 3 cảng hàng không đang rất được các nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, trong kế hoạch đầu tư trung hạn đến giai đoạn 2025, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) chưa lập kế hoạch đầu tư cho các sân bay Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị.

Nói cách khác, ACV vẫn được giao đầu tư 23 sân bay, các doanh nghiệp tư nhân nếu muốn đầu tư sẽ phải “chiến đấu” để giành suất tại 3 sân bay này.

Cùng chuyên mục
Tin khác