Sẽ có làn sóng M&A từ Nhật Bản?

Việt Anh - 24/11/2020 20:23 (GMT+7)

(VNF) - Theo đại diện RECOF, lũy kế 10 tháng năm 2020, Việt Nam đứng vị trí thứ hai trong nhóm quốc gia dẫn đầu về giá trị giao dịch các thương vụ M&A của Nhật Bản ra nước ngoài, với tổng giá trị 282 triệu USD.

VNF
Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn "M&A năm 2020"

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, cho biết xu hướng M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á - trong đó Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn nhất, đang phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2019, có 33 thương vụ M&A thực hiện thành công, cao gấp 1,5 lần so với năm trước, đây là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của các công ty Nhật Bản đối với Việt Nam.

Nếu xét theo giá trị giao dịch của các thương vụ, do quy mô doanh nghiệp khiêm tốn, Việt Nam chưa từng nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu. Tuy nhiên đến năm 2019, giá trị giao dịch tại Việt Nam lên đến gần 390 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần so với năm 2017 và đánh dấu lần đầu tiên ghi tên vào nhóm 3, với sự chênh lệch không đáng kể đối với vị trí thứ hai là Indonesia (415 triệu USD).

Trong 10 tháng năm 2020, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A được công bố, chỉ đứng sau Singapore. Mặc dù giảm sút 25% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên đối với mức giảm chung của số lượng giao dịch ra nước ngoài của Nhật Bản là 33%, thì mức giảm này của Việt Nam không chỉ thấp hơn mức trung bình mà còn thấp hơn hầu hết các quốc gia khác trong khu vực.

Về giá trị giao dịch, lũy kế 10 tháng, Việt Nam tăng vị trí lên một bậc so với năm 2019, đứng vị trí thứ hai với tổng giá trị 282 triệu USD.

Trong thời gian tới, xu hướng M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam vẫn lạc quan. Trong bối cảnh các công ty Nhật Bản đang cần thị trường mới để mở rộng, hầu hết các lĩnh vực ở trong nước đã phát triển chạm trần. Ngoài ra việc độ tuổi trung bình của Nhật Bản cũng tác động không nhỏ, được biết hiện nay 1/3 dân số tuổi trên 65, kéo độ tuổi trung bình của người Nhật lên 48,4 tuổi, cao hơn người Việt Nam gần 20 tuổi.

Thêm vào đó, chiến lược tăng trưởng M&A của Nhật Bản cũng được hỗ trợ nhờ nguồn tiền dồi dào tích lũy hơn 20 năm qua, đạt trên 2.345 tỷ USD, tồn tại tiền gửi ngân hàng với lãi suất 0% và dưới sức ép phải tái đầu tư số tiền này của các cổ đông khiến năm 2019 đạt kỷ lục với hơn 4.000 thương vụ trong tất cả các loại hình M&A.

Đại diện RECOF nhìn nhận, theo quan điểm của các nhà đầu tư Nhật Bản, các công ty quốc gia này còn rất ít việc làm ở một số thị trường như Thái Lan, hiện đang có khoảng 5.500 công ty Nhật Bản và quá muộn để nhập cuộc. Trái ngược là Myanmar, hiện chỉ có chưa đến 400 công ty, tuy nhiên các nhà đầu tư Nhật Bản bảo thủ vẫn phải chờ xem xét thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, Việt Nam đang có khoảng 2.000 công ty Nhật Bản, với chính sách mở cửa thị trường, sẽ tiếp tục trở thành điểm đến đầy hứa hẹn để đầu tư, đặc biệt là đối với các công ty năng nổ và chuyên nghiệp.

Dẫn chứng về quan điểm này, đại diện RECOF cho biết, việc Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga Yoshihide chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đến thăm đã có tác động tích cực đến các công ty Nhật Bản.

"Chính vì vậy, khi rào cản cách ly và các hạn chế về di chuyển được dỡ bỏ, một làn sóng lớn các công ty Nhật Bản đang chờ đợi để tiến hành các thủ tục M&A sẽ xuất hiện", ông Masataka Sam Yoshida nhận định.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.